Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì khi trẻ hóc dị vật?

Khi trẻ bị hóc dị vật, chúng ta chỉ có 4-5 phút để cứu trẻ, nếu cứ chờ nhân viên y tế tới thì đã muộn. Mỗi người đều phải học hướng dẫn cách sơ cứu hóc dị vật và thực hành một cách đúng đắn để sơ cứu cho bé.

Một trường hợp cháu trai T.Đ.B.K (20 tháng tuổi, ở Gia Lai) đã tử vong do bị sặc khi ăn thạch rau câu dẫn đến ngạt đường thở, ngưng tim, ngưng thở.

Cháu K. được gửi cho người giữ trẻ. Cháu được cho ăn thạch. Tuy nhiên, khi đang ăn, cháu K. bất ngờ bị ho, sặc rồi toàn thân tím tái và ngất xỉu. Thấy vậy, người giữ trẻ đã sơ cứu rồi đưa cháu K. đến Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện cấp cứu, nhưng cháu không qua khỏi.

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng - Bác sĩ Nhi khoa tại Texas, trẻ hóc dị vật vô cùng nguy hiểm và cơ hội duy nhất cứu con chính là cha mẹ hoặc bất kỳ người lớn nào ở cạnh trẻ lúc đó.

Khi trẻ bị hóc dị vật, chúng ta chỉ có 4-5 phút để cứu trẻ, nếu cứ chờ nhân viên y tế tới thì đã muộn: “Mạng sống của con chúng ta là trong tay chúng ta, nên lúc đó phải bình tĩnh, phải biết xử trí đúng cách”.

Vì vậy, mỗi người đều phải học hướng dẫn cách sơ cứu hóc dị vật và thực hành một cách đúng đắn để sơ cứu cho bé.

CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ NHỎ HÓC DỊ VẬT

Trẻ dưới 1 tuổi

Đầu tiên, cha mẹ cần bình tĩnh và quan sát con mình xem bé còn thở không? Quan sát cả màu da, tri giác, ho sặc. Kiểm tra miệng xem có dị vật không? Lỏng hay đặc?

Trường hợp bé đang ho, lúc này bé chưa bị nghẹn hoàn toàn và tự thân bé đang cố gắng đẩy nó ra. Lúc đó, cha mẹ không nên làm gì, để con ho và quan sát.

Trường hợp trẻ không ho được, không nói được hoặc đã ngưng thở, tím tái, mất tri giác, lập tức vỗ lưng ấn ngực, đồng thời hô gọi người xung quanh tới giúp.

Cần làm ngay việc sau:

Vỗ lưng: Đặt con nằm sấp dọc theo cánh tay và để dọc theo đùi để làm điểm tựa với đầu thấp 30-45 độ nhằm lợi dụng trọng lực để giúp đẩy dị vật ra, bàn tay vòng quanh cằm và ngửa nhẹ đầu làm thẳng đường thở.

Cần đánh mạnh và dứt khoát vào lưng trẻ 5 lần ở khoảng giữa hai xương vai. Dùng cườm tay chứ không phải bàn tay, đánh mạnh nhằm đẩy bật dị vật ra. Lưu ý, không vỗ bồm bộp như kiểu vỗ long đàm hay kiểu xoa xoa lưng vì không có tác dụng.

Ấn ngực: Nếu sau khi đã vỗ lưng chưa lấy được dị vật ra thì lật ngược lại, đặt đầu bé vẫn thấp, bàn tay đỡ đầu bé hơi ngửa nhẹ, dùng hai ngón tay, ấn mạnh vào xương ức ngay dưới đường nối ngang hai núm vú, ấn đủ 5 lần thì quan sát bé.

Nếu bé khóc, ho, thở thì kiểm tra miệng bé xem có dị vật không. Nếu bé không đỡ, lặp lại quá trình trên 1 lần nữa.

Nếu bé vẫn không đỡ, không thở, tím tái cần hô hấp nhân tạo cho tới khi đội cấp cứu tới hay khi tới bệnh viện.

Trẻ lớn hơn 1 tuổi

Đối với trẻ trên 1 tuổi thì dùng các biện pháp như người lớn đó là thủ thuật Heimlich.

Trẻ còn tỉnh: người sơ cứu đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được

Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Khi trẻ hóc dị vật không nên dốc ngược đầu như vậy không cho thấy hiệu quả cao hơn để đầu thấp mà còn gây nguy cơ chấn thương đầu và cột sống cổ nếu lỡ tay làm rơi.

Khuyến cáo: đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó nếu bạn không thể thấy được nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn!

Theo: Ngọc Anh - Báo Pháp luật và Bạn đọc

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X