Hotline 24/7
08983-08983

Ký ức kinh hoàng sau 20 năm thảm họa bão Linda

Ngày 1/11/1997, bão Linda xuất hiện ở vùng biển Cà Mau và sau đó làm hàng nghìn người chết, mất tích. Năm ấy, hai đứa trẻ ra đời được mẹ đặt tên là Hận Biển và Bão Biển.

Những người dân ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau, vẫn chưa hết kinh hãi khi nhớ về những ngày đầu tháng 11 cách đây tròn 20 năm, trên 500 thi thể theo sóng tấp vào cửa biển và được gom lại để người thân nhận diện. Cảnh tượng thê lương đến rợn tóc gáy. Mùi tử khí bao trùm cả vùng cửa biển.

Hàng trăm phụ nữ trong cùng một làng sau một đêm trở thành góa phụ, những đứa trẻ bỗng trở thành kẻ mồ côi và những căn nhà vắng chủ. Chưa bao giờ người dân Cà Mau đối diện với thảm cảnh như thế. Đau thương chồng đau thương.

Trên 20 người cùng dòng họ thiệt mạng

Trong khi người dân Đất Mũi đang sống những ngày cuối tháng 10/1997 rất đỗi bình yên, những chuyến ra khơi đầy ắp tôm cá, trên Biển Đông xuất hiện áp thấp, với sức gió cấp 6, cấp 7. Những bản tin dự báo thời tiết về khả năng hình thành bão số 5 vào thời điểm đó chẳng ai bận tâm.

Một ngày sau, 1/11/1997, áp thấp tăng lên cấp 8, giật trên cấp 10, cơn bão số 5 hình thành với tên gọi Linda. Người miền Tây không tin bão sẽ ập vào vùng đất hiền hòa, chưa bao giờ biết bão là gì.

"Ông ấy kêu bạn tàu buông mình ra và dặn họ cố gắng giữ lại con trai út tên Mưa" - Ông Đẹt kể.

Chưa đầy 24 giờ sau, 12g trưa 2/11/1997, Linda mang trình sức gió cấp 11, 12, với tốc độ 100 km/h, bắt đầu quét qua nam Côn Đảo. Lúc này, người dân lục tỉnh ở miền Tây và cả các vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ vẫn lạc quan. Đặc biệt, nhiều ngư dân Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang vẫn ra khơi bình thường. Họ tin rằng, những bản tin dự báo thời tiết kia vẫn thường không chính xác như mọi khi. Họ nóng lòng khi ghe bạn trúng đậm những mẻ tôm, cá, mực ngày biển động.

Ông Nguyễn Văn Đẹt nhớ lại cảnh tượng mà ông sống hơn nửa đời người ở cửa biển Khánh Hội chưa bao giờ gặp trước đó. Vài giờ trước khi bão Linda đổ bộ vào đất liền, trời khá quang mây nhưng lúc đó, sức gió của Linda lên đến 100 km/h và liên tục chuyển hướng.

Theo ông Đẹt, một trong những hộ "liều" nhất là gia đình ông Phan Văn Phát. Nghe tin bão nhưng ngư dân này vẫn cho tàu ra khơi vì nghe đồng nghiệp nói rằng họ đang trúng mực ngoài biển.

Ra khơi được một lúc, tàu của ông Phát bị bão đánh chìm. Ngư dân này sức khỏe yếu nhất nên không chịu được lạnh khi ngâm mình nhiều giờ dưới nước.

Cơn bão Linda hình thành ngày 31/10/1997 trên biển Đông. Linda mạnh dần lên vào một ngày sau đó khi di chuyển về phía tây và tàn phá dữ dội vùng cực Nam Tổ quốc trong hai ngày sau đó. Bão có sức gió khoảng 100 km/h, khiến hơn 3.100 người miền Tây, các cùng phụ cận chết và mất tích. Linda đã khiến cho 200.000 ngôi nhà bị hư hại, tàn phá 325.000 ha ruộng, rẫy

"Ông ấy kêu bạn tàu buông mình ra và dặn họ cố gắng giữ lại con trai út tên Mưa. Ba Phát sau đó mất tích và gần nhà Mưa có 6 người thân của anh Trần Văn Cò không tìm được xác", ông Đẹt kể.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Cò khi ngư dân 47 tuổi này đang cùng vợ vá lưới để chuẩn bị ra khơi. Trong căn nhà cấp bốn gần cửa biển, 3 di ảnh trên bàn thờ là Trần Văn Việt, Trần Minh Trí và Trần Chí Tâm, anh em ruột của anh Cò.

"Bão Linda còn làm hai người anh rể của tôi mất tích là Lâm Văn Thơ, Trần Văn Danh. Cháu Trần Văn Thức, con anh Danh cũng đi mãi không về. Nếu tính luôn bà con xa, dòng họ nhà tôi có trên 20 người thiệt mạng vì cơn bão Linda", anh Cò chia sẻ.

Theo ngư dân này, năm ấy anh Cò là thuyền trưởng của ghe cào. Sau khi đưa anh Việt ra một tàu khác ở ngoài khơi và đón em trai út Trần Văn Hùng vào đất liền anh Cò gặp bão khi về gần đến Khánh Hội.

“Nhờ tăng tốc chạy về nhà kịp nên tôi với Hùng thoát nạn. Lúc đó, chúng tôi hay tin ghe của anh Trí bị chìm, rồi mất liên lạc. 5 người gặp nạn chỉ cứu sống được một, vớt xác được một, ba người còn lại mất tích đến nay.

Thoát nạn từ tâm bão, ông Nguyễn Chí Dũng (57 tuổi) ở chợ Khánh Hội vẫn còn nhớ như in cảnh tàu do mình làm thuyền trưởng bị lật úp 20 năm trước. Lúc đó, ông Dũng từ Hòn Khoai chạy về Hòn Chuối ở Cà Mau để tránh bão khi nghe thông báo từ nhà chức trách.

"Neo ghe hai ngày, một đêm vẫn thấy trời trong, biển lặng. Đến 20g ngày 2/11/1997, mưa lắc rắc rồi gió mạnh lên và xoáy nhiều chiều. Lúc đó, xung quanh khu vực tôi neo đậu cũng có 6 phương tiện đánh bắt và tất cả đều bị lốc xoáy làm tàu dựng đứng rồi lật úp. Hàng chục người lần lượt bị hất xuống biển", ông Dũng kể.

Nhóm bạn tàu của ông Dũng khi đó đu được vào bè kết bằng 20 can nhựa với một nắp hầm bằng gỗ. Các ngư dân nhiều lần bị lốc xoáy nhấn sâu xuống đại dương rồi trồi lên mặt nước nên các can nhựa lần lượt bị đứt dây kết dính vào nhau.

"Từ 20 can chỉ còn 3 can và nắp hầm. 11 người chúng tôi cố bám níu, thả trôi 11 giờ trên biển mới có tàu cứu hộ tìm thấy", ngư dân thoát chết nhớ lại.

Những đứa con mang tên Bão Biển, Hận Biển

Bà Trần Thị Lánh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Khánh Hội, cho biết năm xảy ra bão Linda bà có 3 con rể đi biển. Trong đó, anh Trần Văn Út mất tích, bỏ lại người vợ đang mang thai là chị Nguyễn Kiều Phương. Hay tin chồng gặp nạn, thiếu phụ đã sinh trong đêm mưa gió và chị Phương đặt tên con là Nguyễn Bão Biển.

Cùng lúc đó, ở Khánh Hội cũng có thiếu phụ 21 tuổi sinh con trai. Khi hay tin chồng mất tích khi đi theo ghe cào ở thị trấn U Minh, người vợ khóc suốt đêm sau khi bão Linda quét qua. Sau đó, đứa con trai được chị đặt tên Trần Hận Biển.

Vài năm sau, Hận Biển và mẹ được người họ hàng của cha đón về Kiên Giang sinh sống và tiếp tục bám biển mưu sinh. Còn Bão Biển, thanh niên này nghỉ học sớm và đang thất nghiệp ở tuổi 20.

Ky uc kinh hoang sau 20 nam tham hoa bao Linda hinh anh 4
Ky uc kinh hoang sau 20 nam tham hoa bao Linda hinh anh 5
Ky uc kinh hoang sau 20 nam tham hoa bao Linda hinh anh 6
Cửa biển Khánh Hội, nơi gánh chịu tang thương 20 năm trước khi bão Linda ập vào. Bà Trần Thị Lánh kể lý do đứa cháu có tên Bão Biển (ảnh dưới, bên trái) và anh Trần Văn Cò bên bàn thờ 3 người thân chết và mất tích 20 năm trước. Ảnh: Việt Tường.

Sau cơn bão số 5 mang tên Linda, bên cạnh những đứa trẻ vừa ra đời đã mồ côi cha, còn có những gia đình bao năm nay vẫn mong một ngày những đứa con của mình mất tích trong bão trở về.

Họ biết điều đó chẳng bao giờ xảy ra nhưng hy vọng thì cứ hy vọng thôi, để mỗi buổi chiều, ông Tư Vũ (57 tuổi) và Năm Lửa (Lư Văn Lửa, 69 tuổi, cùng ở ấp 3, xã Khánh Hội) ra cửa biển và nhìn vô định về phía đường chân trời.

Nỗi buồn mất người thân chưa nguôi ngoai và mỗi khi bão xuất hiện ở quê biển này thì nước mắt hai ông lại rơi vì nhớ con.

"Sau khi neo ghe được 7-8 giờ đồng hồ thì sóng to gió lớn 'nhồi' dữ dội. Tàu chịu đến ba lần nhồi tới nhồi lui thì chìm nên chúng tôi ôm bè. Một lúc sau bè bị đứt làm đôi, một bên 4 một bên 5 người và trong 4 người mất tích có thằng Ruôl lúc đó 17 tuổi. Lúc đó 22g ngày 2/11/1997, tôi bất lực nhìn con chìm mất", ông Vũ kể lại.

Hai ngày sau, 6 người còn lại của chiếc tàu bị chìm do ông Vũ làm tài công đã ôm phao trôi đến hòn Củ Tron ở Kiên Giang và được tàu cứu hộ vớt được. Lúc này, những người còn sống sót trên chiếc ghe có con trai ông Năm Lửa bị mất tích cũng trôi đến hòn Củ Tron và được cứu.

Ngồi nghe đài báo tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, ông Năm Lửa hớp ngụm trà nói: "Thằng út Lưu Minh Đà con tôi chết cũng năm 17 tuổi. Đau nhất là chết trong vòng tay của anh nó vì hai anh em đi cùng tàu Danh Nghĩa".

Ông Năm Lửa kể khi bão Linda quét qua Cà Mau, ngư dân này có 3 con trai đi biển trên hai chiếc tàu đánh cá. Trong đó, Đà với anh trai Lư Minh Đường đi cùng và trên đường chạy bão thì tàu chìm.

"Ghe của thằng Đường có 8 người thì mất tích 3. Thằng út tôi được anh nó nắm tay nhiều giờ lênh đênh trên biển. Lúc anh em nó đuối sức quá thì Đà với Đường buông tay nhau và thằng anh thấy em chết nhưng bất lực", người cha chua xót kể.

Trong khi đó, đứa con còn lại của ông Lửa là Lư Minh Duyên cũng đi trên chiếc tàu chìm. Sau khi được một ghe gần đó cứu vớt thì ghe này lại chìm và anh Duyên phải bơi đến chiếc ghe thứ 3 mới có cơ hội sống sót để trở về đất liền.

Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, sau 20 năm bão Linda, những nạn nhân mất tích được xem như đã chết vì không ai trở về hoặc được tìm thấy xác.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết do áp thấp nhiệt đới nên tỉnh đã hoãn lại lễ tưởng niệm nạn nhân của bão Linda dự kiến tổ chức vào sáng 2/11 tại cửa biển Khánh Hội. Hiện, Cà Mau không cho tàu thuyền ra khơi sau 18h kể từ ngày 1/11 và di dời dân tại những nơi nguy hiểm.

Cà Mau cho học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học vào chiều ngày 2/11 tại những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các xã ven biển. Hiện, Cà Mau còn 171 tàu với 1.057 ngư dân chưa thể liên lạc được. Bộ đội Biên phòng đang tăng cường công tác thông tin liên lạc, kết hợp với gia đình xác định vị trí, kịp thời vào bờ hoặc vượt ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đến sáng 1/11, Cà Mau có 3.387 tàu, với 15.645 ngư dân vào bến, neo đậu an toàn tại các bến trong tỉnh. Các lồng bè nuôi cá bớp dưới chân đảo Hòn Chuối đã được di chuyển sang vị trí tránh gió, không để người dân ở lại trên lồng bè. Không còn người trực canh ở lại trên các vị trí đáy hàng khơi.

Tại huyện Trần Văn Thời có hơn một nghìn hộ sống tại các vùng ven biển, nơi có khả năng sạt lở cao vào những nơi tránh trú an toàn. Huyện U Minh cũng đã lên phương án di dời dân hiện đang sống ngoài đê.


Theo Việt Tường - Hàm Yên - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X