Hotline 24/7
08983-08983

Khớp háng nhân tạo có những loại nào, thời hạn sử dụng bao lâu?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong chỉ định thay khớp háng cũng như chất lượng, thời gian sử dụng của các loại khớp háng nhân tạo. Mời bạn đọc đón xem.

1. Những bệnh lý có thể gặp phải ở khớp háng?

Xin BS cho biết khớp háng của chúng ta có thể có những bệnh lý nào thường gặp?

Khớp háng là một trong những khớp chịu lực chính trong các hoạt động đi lại của cơ thể. Một số bệnh lý thường gặp ở khớp háng bao gồm: thoái hóa khớp háng, hoại tử chỏm xương đùi, đặc biệt các bệnh lý chấn thương (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi…), gây ảnh hưởng đến chức năng đi lại của bệnh nhân.

2. Thay khớp háng nhân tạo được chỉ định trong trường hợp nào?

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được chỉ định trong trường hợp nào?

Đối với những bệnh lý về hoại tử xương đùi có thể do nhiều nguyên nhân:

- Do chấn thương

- Bệnh lý từ nhỏ như loạn sản sụn. Trường hợp này xương khớp háng có vấn đề từ nhỏ, người bệnh chỉ phát hiện khi lớn với triệu chứng đau. Kết quả chụp chiếu cho thấy khớp háng đã “biến mất”, khi đó để phục hồi vận động, sinh hoạt bắt buộc phải thay khớp háng. Với một khớp háng nhân tạo, bệnh nhân có thể sử dụng từ 20-25 năm, có thể đi lại, thậm chí chơi thể thao.

Bệnh nhân sẽ có chỉ định thay khớp háng trong trường hợp:

- Khớp háng bị tổn thương bao gồm: gãy cổ xương đùi di lệch từ độ II trở lên (theo Garden). Trong trường hợp này sẽ thay khớp háng bán phần.

- Đối với trường hợp thoái hóa khớp háng hoặc hoại tử chỏm xương đùi khiến bệnh nhân đau nhiều, mặc dù vẫn đi lại được. Khi đó, chỉ định thay khớp háng để giảm đau và phục hồi chức năng vận động gần như bình thường cho người bệnh.

- Đối với bệnh nhân trẻ tuổi có bệnh lý khớp háng, ưu tiên thay khớp háng toàn phần, vì chức năng sử dụng còn về lâu dài, để hạn chế phải thay lại khớp háng.

Thời gian sử dụng của khớp háng bán phần khoảng 10 năm, khớp háng toàn phần từ 15-20 năm. Do đó, bệnh nhân có bệnh lý khớp háng với độ tuổi càng trẻ thì càng ưu tiên chỉ định thay khớp háng toàn phần. Với bệnh nhân lớn tuổi có tổn thương khớp háng, để tránh cuộc mổ kéo dài và tránh tổn thương nhiều nên thường ưu tiên thay khớp háng bán phần.

ThS.BS Nguyễn Anh Trung thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

3. Khớp háng nhân tạo được làm bằng chất liệu gì?

Khớp háng nhân tạo được làm bằng chất liệu gì, sau phẫu thuật người bệnh có gặp bất tiện gì với khớp nhân tạo này hay không?

Thành phần chính của các khớp háng là titanium - một chất thích hợp với cơ thể. Ngoài ra, ở các khớp háng nhân tạo còn phủ thêm lớp HA, các lớp xương nhân tạo… để giúp hòa hợp với cơ thể tốt hơn, giúp dính vào xương nhanh hơn và giúp bệnh nhân vận động gần như bình thường. Đôi khi bệnh nhân không cảm nhận được khớp háng nhân tạo đang tồn tại trong cơ thể.

4. Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp có phải trở ngại lớn khi thay khớp háng nhân tạo?

Nhiều gia đình không muốn cho ông bà, cha mẹ làm phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo vì e ngại lớn tuổi quá, hay là đang có bệnh tiểu đường, sợ vết thương không lành được… liệu đó có phải là trở ngại lớn hay không?

Người bệnh tiểu đường có bệnh lý khớp háng nếu có chỉ định can thiệp thì vẫn có thể thực hiện. Để an toàn, bệnh viện sẽ xây dựng hướng điều trị: kiểm tra, theo dõi và điều chỉnh đường huyết về mức ổn định. Đối với tăng huyết áp, chúng tôi có thể điều chỉnh, kiểm soát huyết áp rất tốt trong cuộc mổ. Do đó sẽ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp nếu có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng.

5. Không phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, điều gì sẽ xảy ra?

Nếu bệnh nhân cao tuổi có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhưng họ từ chối thì việc điều trị tiếp theo như thế nào, có dẫn đến bất lợi gì cho bệnh nhân không ạ?

Với bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, ví dụ như hoại tử chỏm xương đùi, gãy cổ xương đùi và mắc thêm các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp nhưng sợ thay khớp háng, lo lắng thì bác sĩ sẽ theo dõi. Qua đó, khi có chỉ định thay khớp háng sẽ tư vấn cho người bệnh về các mặt lợi và hại: nếu không mổ sẽ không đi lại được, phải nằm lâu; các biến chứng của tiểu đường, tăng huyết áp sẽ nhiều hơn nếu không mổ, bao gồm loét, viêm phổi, các bệnh lý khác liên quan đến rối loạn dinh dưỡng khiến bệnh nhân teo cơ, không đi lại được và hạn chế vận động. Đồng thời kéo giảm tuổi thọ, và rút ngắn thời gian sống còn lại của bệnh nhân. Do đó, ưu tiên vẫn là phẫu thuật nếu có chỉ định.

6. Sau phẫu thuật thay khớp háng, bao lâu được vận động, đi lại như bình thường?

Sau phẫu thuật, người bệnh nên vận động như thế nào, nhờ BS hướng dẫn?

Sau khi phẫu thuật thay khớp háng 6 tiếng, bệnh nhân sẽ được chuyển lên trại (phòng bệnh). Sau 12-24 tiếng, bệnh nhân sẽ được cho ngồi dậy. 24 tiếng sau khi ngồi dậy (nếu đỡ đau hoặc giảm đau bằng thuốc giảm đau tốt), bệnh nhân có thể được hướng dẫn đi lại sớm. Ưu tiên đối với bệnh nhân sau thay khớp háng là đi lại càng sớm càng tốt.

Thông thường, sau mổ và tập VLTL thì bao lâu bệnh nhân sẽ đi lại được?

Sau khi đi lại, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đi trên khung. Sau 3-4 tuần, bệnh nhân sẽ bỏ khung và đi lại như bình thường. Để trở lại sinh hoạt, chơi thể thao, đi bộ, chạy bộ, bệnh nhân có thể cần ít nhất 2-6 tháng.

7. Người bệnh thay khớp háng cần lưu ý gì khi chụp CT, MRI và đi qua cửa an ninh máy bay?

Nếu cần làm các chẩn đoán hình ảnh hay đi qua cửa an ninh máy bay thì bệnh nhân đã thay khớp nhân tạo có cần lưu ý gì hay không ạ?

Thành phần trong khớp háng nhân tạo có rất ít kim loại. Nếu bệnh nhân có chỉ định chụp CT, MRI vẫn có thể thực hiện an toàn. Khi lên máy bay, cửa an ninh vẫn báo bệnh nhân có dụng cụ kim loại trong người. Khi bộ phận an ninh nhìn hình ảnh quét vào cơ thể, họ hiểu bệnh nhân có bộ khớp nhân tạo nên không ảnh hưởng đến việc đi máy bay hay tham dự hoạt động khác.

8. Người lớn trên 80 tuổi, thay khớp háng nhân tạo nên chọn loại nào?

BS có thể cho biết BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân từ độ tuổi bao nhiêu đến bao nhiêu? Trong đó, bao nhiêu người từ 80 tuổi trở lên?

Những bệnh nhân thay khớp háng tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ:

- Người trẻ nhất là 32 tuổi được chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi độ IV (nghĩa là khớp háng hư hoàn toàn, bệnh nhân không đi lại được), chỉ định thay khớp háng một bên.

- Người lớn nhất là 95 tuổi với chẩn đoán gãy cổ xương đùi, chỉ định thay khớp háng bán phần. Sau thay khớp háng bệnh nhân đi lại tốt. Đến nay sau 2 năm hậu phẫu, bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh.

Người từ 80 tuổi trở lên chiếm khoảng 20-30% số lượng bệnh nhân cần thay khớp háng, bởi vì độ tuổi này yếu, dễ bị té, chấn thương và loãng xương, dẫn đến gãy cổ xương đùi và phải thay khớp háng. Thường, những trường hợp này sẽ thay khớp háng bán phần, thời gian phẫu thuật khoảng 30-45 phút. Sau phẫu thuật phục hồi vận động nhanh, 1-2 ngày bệnh nhân có thể ngồi dậy, đi lại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X