Hotline 24/7
08983-08983

Khóa học mùa hè tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, chuyên gia quốc tế kỳ vọng gì?

Khóa học Chẩn đoán và điều trị Bệnh mạch máu thần kinh đột quỵ - từ lý thuyết đến thực hành khai giảng nhằm giúp các học viên được lĩnh hội các kiến thức và thảo luận các ca lâm sàng với các bác sĩ nổi tiếng về Thần kinh - Đột quỵ trong và ngoài nước.

Tiếp nối thành công của khóa học PLANET diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiếp tục tổ chức khóa học Chẩn đoán và điều trị Bệnh mạch máu thần kinh đột quỵ - từ lý thuyết đến thực hành (Asian Stroke Summer School 2019) với sự kết hợp cùng Hội Đột quỵ châu Âu.

Buổi lễ khai giảng có sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, Hội Điện Quang và Y học Hạt Nhân Việt Nam, Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Hội Thần kinh thế giới, Hội Đột quỵ TPHCM, Hội Đột quỵ châu Âu; các báo cáo viên là giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực thần kinh đột quỵ đến từ Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Canada, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản… và 100 học viên là các bác sĩ chuyên khoa ở Việt Nam và các nước bạn như Indonesia, Pakistan, Malaysia, Ấn Độ, Zimbabwe…

Học viên trong và ngoài nước đến tham dự khóa học
Học viên trong và ngoài nước đến tham dự khóa học

Phát biểu trong lễ khai giảng, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ rất hân hoan và vui mừng chào đón các chuyên gia và học viên đến tham gia khóa đào tạo. Bác sĩ cho biết mục tiêu hàng đầu của khóa học là điều trị liên kết các bác sĩ đột quỵ trẻ với các bác sĩ thần kinh trẻ nhằm tăng cường quản lý liên ngành cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính.

TS.BS Trần Chí Cường phát biểu khai mạc khóa học
TS.BS Trần Chí Cường phát biểu khai mạc khóa học

Chuỗi series các buổi giảng dạy chất lượng cao tập trung về quản lý đột quỵ cấp tính sẽ trả lời các câu hỏi như: Làm thế nào có thể xây dựng một mạng lưới điều trị đột quỵ trong khu vực? Vai trò của CTscan trong điều trị đột quỵ cấp? Những bệnh nhân “tiềm năng” cho tái thông mạch nội mạch? Đào tạo bác sĩ đột quỵ và can thiệp như thế nào?

Mục tiêu thứ hai đó là cung cấp chương trình đào tạo thực hành cho các bác sĩ phẫu thuật thần kinh can thiệp và các buổi giảng dạy đặc biệt cho các bác sĩ đột quỵ.

GS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện Quang và Y học Hạt Nhân Việt Nam đánh giá cao khóa học hoàn toàn Anh ngữ này, khẳng định đây đang là xu hướng chung của thế giới. Các học viên tham dự khóa học sẽ được cập nhật về các chẩn đoán, điều trị của thế giới, bổ sung kiến thức cơ bản về đột quỵ não, qua đó nâng cao lý thuyết, áp dụng thực hành ở các cơ sở đột quỵ lớn có điều trị can thiệp. Việc được lĩnh hội các kiến thức từ những giáo sư nổi tiếng trong và ngoài nước không phải lúc nào cũng có dịp, bởi vậy đây là cơ hội hiếm có giành cho các học viên. Giáo sư cũng khẳng định chắc nịch: khóa học này sẽ rất tuyệt vời.

Trong không khí trang trọng của lễ khai giảng, GS Minh Thông đọc quyết định của Bộ Y tế - Cục Khoa học Công nghệ về việc cấp mã cơ sở đào tạo liên tục cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn bệnh viện rất vui mừng. Ông bày tỏ mong muốn bệnh viện không chỉ là nơi điều trị cho bệnh nhân, mà còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo nâng cao tay nghề cho các bác sĩ chuyên ngành Thần kinh - Đột quỵ trong nước cũng như các nước lân cận.

TS.BS Trần Chí Cường nhận quyết định cấp mã đào tạo liên tục do GS Minh Thông trao
TS.BS Trần Chí Cường nhận quyết định cấp mã cơ sở đào tạo liên tục của Bộ Y tế do GS Phạm Minh Thông trao.

GS Jan Gralla - Chủ tịch Hội Đột quỵ châu Âu, đại diện Ban tổ chức cho biết đây là khóa học giành cho các bác sĩ đột quỵ trẻ từ nhiều nơi trên thế giới yêu thích học tập và vận dụng lý thuyết vào thực hành. Ông đánh giá cao công tác tổ chức của bệnh viện và kỳ vọng khóa học sẽ đạt chất lượng ngang bằng với các khóa đào tạo thực hành tại các trung tâm cấp cứu đột quỵ lớn của các nước tiên tiến trên thế giới.

GS Jan Gralla - Chủ tịch Hội Đột quỵ châu Âu
GS Jan Gralla - Chủ tịch Hội Đột quỵ châu Âu

Báo cáo viên của khóa học gồm GS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam; TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM; TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM; PGS Lê Văn Trường - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng các báo cáo viên là giáo sư nổi tiếng thế giới như: GS Sirintara Pongpech - Đại học Mahidol, Thái Lan; GS Geogre KC Wong - Đại học Hồng Kông; GS Jan Gralla và GS Urs Fischer, GS Pasquale Mordasini - Bệnh viện Đại học Bern, Thụy Sĩ; PGS.TS Blaise Baxter - Đại học Tennessee, Mỹ; GS Christophe Cognard, Bệnh viện Đại học Toulouse, Pháp; GS Valeria Caso, Đại học Perugia, Ý; GS Umair Rashid Chauhdry, Bệnh viện Quốc tế Kulsum, Pakistan; PGS Kittipong Srivatanakul, Đại học Y dược Tokai, Nhật Bản và GS Rajsrinivas Parthasarathy, Đại học Alberta, Canada.

Các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành Thần kinh - Đột quỵ
Các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành Thần kinh - Đột quỵ

PGS.TS Blaise Baxter
PGS.TS Blaise Baxter

GS Sirintara PongPech
GS Sirintara PongPech

Trong lúc diễn ra hội thảo, ngay tại bệnh viện có nam bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch tủy, đích thân GS Sirintara Pongpech trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ phương pháp can thiệp.

Khóa học bắt đầu từ ngày 18 - 21/6 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Đây không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi chuyên môn và thảo luận các ca lâm sàng giữa các chuyên gia thần kinh đột quỵ và các bác sĩ trẻ; mà còn là nơi đào tạo chuyên sâu về thực hành trên Animal Lap (bệnh nhân là các chú ỉn con).

Hải Yến - Ảnh: Viết Hưởng/Trung Úy
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X