Hotline 24/7
08983-08983

Thiếu máu khi mang thai, có nên truyền máu?

Câu hỏi

Em có bầu 6 tháng. Đi xét nghiệm huyết học bị thiếu máu nhiều (tỉ lệ 98, bình thường ít nhất là phải đạt 125). Giờ em có nên truyền máu không ạ, hay phải làm thế nào để thai phát triển ạ?

Trả lời
xét nghiệm huyết học khi mang thai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Xét nghiệm huyết học khi mang thai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Tùy mức độ thiếu máu và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc có nên truyền máu hay không, vì truyền máu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần cân nhắc lợi và hại. Hơn nữa, muốn truyền máu là phải làm hồ sơ nhập viện, xét nghiệm nhóm máu, đăng ký máu, theo dõi sát trong khi truyền máu, và theo quy định của bộ y tế thì thiếu máu nhẹ là không có chỉ định truyền máu. Truyền máu không phải là một loại hình dịch vụ mà người bệnh yêu cầu truyền là được truyền.

Em có thai nên không có lấy ngưỡng Hemoglobin là 125 như người bình thường, và trị số Hemoglobin của em là 98 thì chỉ là thiếu máu nhẹ, không phải thiếu máu nhiều đến mức cần truyền máu, nếu truyền máu sai quy định có thể gây hại cho bé như vàng da sớm sau sinh.

Em cần khám bác sĩ Sản khoa, để bác sĩ đánh giá tình trạng của thai nhi, làm xét nghiệm nguyên nhân thiếu máu (do thiếu sắt hay bệnh lý di truyền như Thalassemia) để có hướng xử trí thích hợp, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Tình trạng thiếu máu khi mang thai có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt nếu chỉ thiếu máu nhẹ. Một số triệu chứng có thể nhận thấy là thường mệt mỏi, cảm giác yếu trong người và chóng mặt. Đây cũng là những triệu chứng nhiều phụ nữ gặp phải khi mang thai dù có thiếu máu hay không nên rất khó xác định.

Bạn cũng có thể thấy mình xanh xao hơn, đặc biệt là ở đầu ngón tay, dưới mi mắt và vùng môi. Các triệu chứng khác bao gồm tim đập nhanh, mạnh, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, khó chịu và khó tập trung.

Nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ sẽ kê các loại dược phẩm bổ sung sắt cho bạn. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu khi mang thai nhưng thường sẽ nằm trong khoảng 60 đến 120mg sắt nguyên tố mỗi ngày, chưa kể lượng sắt bổ sung trong các loại thuốc bổ cho thai phụ. Bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và đừng bao giờ bổ sung nhiều sắt hơn so với lượng sắt được kê đơn.

Lưu ý rằng các liều lượng này dùng để chỉ lượng sắt nguyên tố hay sắt nguyên chất được bổ sung, một số nhãn hiệu chỉ thể hiện lượng sắt sunfat, một loại muối sắt, thay cho lượng sắt nguyên tố. Một liều bổ sung với 325mg sắt sunfat, liều lượng thường được kê để bổ sung sắt, sẽ cung cấp cho bạn 60mg sắt nguyên tố.

Để hấp thu nhiều sắt nhất có thể, nên uống viên sắt khi đang đói, uống thuốc bằng nước lọc hoặc nước cam, vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn, nhưng đừng uống với sữa vì canxi cản trở quá trình hấp thu sắt. Cà phê và trà cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt.

Trong khoảng một tuần kể từ khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ tạo ra nhiều hồng cầu mới và lượng hemoglobin cũng tăng cao. Thường chỉ sau một tháng điều trị là có thể hoàn toàn thoát khỏi tình trạng thiếu máu khi mang thai, nhưng bạn nên tiếp tục bổ sung sắt trong vài tháng tiếp theo để tăng cường nguồn sắt dự trữ.

Một lưu ý quan trọng nữa là luôn để các loại thuốc có chứa sắt xa tầm tay trẻ em. Trong số các loại hình ngộ độc dược phẩm ở trẻ em, uống viên sắt quá liều gây tử vong cao nhất. Thực tế, chỉ cần một liều cho người lớn cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ nhỏ.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X