-
Tăng huyết áp đột ngột có được dùng thuốc hạ áp trước khi chuyển đi BV không?
Câu hỏi
Chào BS, Mẹ tôi 70 tuổi, có tiền sử huyết áp cao (không bị tiểu đường và mỡ máu). Hàng ngày vẫn uống thuốc huyết áp. Một hôm mẹ tôi có vấn đề về gia đình nên tâm lý bị ảnh hưởng và gây tăng huyết áp (tự đo ở nhà là 190). Gia đình cho uống ngay 1 viên hạ huyết áp, nhưng do mẹ tôi đau đầu dữ dội nên gia đình khẩn trương đưa vào BV (từ lúc khởi phát đến lúc vào viện là 3 tiếng). Sau chiếu chụp BS kết luận có tổn thương nhẹ (mẹ tôi chỉ bị đau đầu dữ dội, không có biểu hiện khác về đột quỵ như nhận thức, hay méo miệng) sau 2 hôm thì mẹ tôi khá hơn và đi lại ăn uống đã bình thường. Câu hỏi tôi muốn hỏi chương trình như sau: Tôi có tìm hiểu xem cách sơ cứu đối với người bị tai biến mạch máu não (TBMMN) thì thấy nhiều bài báo có nói đến việc không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp trong khi chờ xe cấp cứu. Tôi rất chú ý đến chi tiết này (các chi tiết khác tôi hiểu và không đề cập). Người ta giải thích là có thể TBMMN do tắc nghẽn hoặc do xuất huyết não. Nếu do tắc nghẽn mà uống hạ áp thì gây nguy hiểm hơn. Điều này tôi đồng ý. Nhưng trường hợp mẹ tôi là tiền sử huyết áp cao, không bị mỡ máu. Do cảm xúc quá nên gây tăng huyết áp đột ngột thì liệu có được dùng thuốc hạ áp trước khi chuyển đi BV hay không? Xin BS làm rõ giúp tôi vấn đề đó. Chân thành cảm ơn!
Trả lời
Bạn đã biết tai biến mạch máu não có 2 thể là nhồi máu não (80% trường hợp) và xuất huyết não (20% trường hợp). Nhồi máu não là khi mạch máu não bị tắc nghẽn và xuất huyết não là khi mạch máu não bị vỡ.
Trong nhồi máu não, các tế bào não do vùng chi phối của động mạch bị tắc không được cung cấp máu nên nếu để huyết áp hạ thấp, các tế bào này sẽ bị thiếu máu nhiều hơn, làm nặng thêm tình trạng tổn thương tế bào não. Do vậy, không nên tự ý dùng thuốc hạ huyết áp sau khi bị nhồi máu não.
Trong trường hợp xuất huyết não, nếu huyết áp quá cao, có thể gây ra tình trạng máu tiếp tục chảy và làm tăng thể tích máu tụ trong não nên BS sẽ điều trị huyết áp để về mức tối ưu (khoảng 140/90mmHg). Nhưng nếu điều trị huyết áp xuống quá thấp sẽ làm nặng thêm tình trạng thiếu máu cho những tế bào não ở xung quanh khối máu tụ.
Do đó, bạn cần phải xác định là thể đột quỵ nào mới nên dùng thuốc hạ áp cho bệnh nhân trước khi được chuyển đến BV. Nếu không xác định được thể đột quỵ nào, bạn không nên tự ý dùng thuốc hạ áp, trừ trường hợp huyết áp quá cao.
Cao
huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp, xảy ra khi áp lực máu lên các
thành động mạch cao hơn so với bình thường. Bạn có thể mắc cao huyết áp
trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Mặc dù không có
triệu chứng, nhưng về lâu dài bệnh có thể dẫn đến nhiều biến cố trầm
trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ. Bệnh cao huyết áp rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Hầu hết các trường hợp cao huyết áp thường không có nguyên nhân. Đây được gọi là cao huyết áp nguyên phát. Các
yếu tố nguy cơ của cao huyết áp như béo phì, ăn mặn, hút thuốc lá, lối
sống tĩnh tại kém vận động hoàn toàn có thể cải thiện được khi chúng ta
thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. |
Trưởng khoa Nội thần kinh tổng quát, BV Nhân dân 115
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình