Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Rối loạn lo âu kèm tim đập nhanh kéo dài, em nên làm gì bác sĩ ơi?
Câu hỏi
Chào bác sĩ.
Em 26 tuổi. Từ khi bị Covid vào tháng 9 năm ngoái thì em thấy tim đập nhanh và dễ tụt năng lượng. Cụ thể tim đập trên 100 cũng thường xuyên và hôm nay em dùng apple watch đo thì có lúc trên 120 130 140. Em đang tìm cách xác nhận chỉ số trên đồng hồ là đúng hay không. Huyết áp thỉnh thoảng em đo thì không quá cao, tầm 107/77 trong khoảng này.
Em đã khám sau âm tính covid thì có kết luận không đáng lo ngại, nhưng tình trạng kéo dài đến giờ khiến em lo lắng. Em từng khám ở BV Tim Hà Nội và chưa dùng thuốc gì cả. Em có bị lo âu và suy nghĩ nhiều sau Covid. Bác sĩ tư vấn giúp em nên làm gì ạ?
Trả lời
Chào em,
Việc đầu tiên là em nên kiểm tra lại vấn đề tim mạch của mình. Em bắt đầu có những rối loạn từ tháng 9 năm ngoái, đến nay cũng gần 1 năm rồi, tình trạng tim đập nhanh vẫn kéo dài, tim đập nhanh kể cả lúc nghỉ ngơi thì em nên kiểm tra lại tim mạch chuyên sâu hơn. Các trắc nghiệm em cần làm là siêu âm tim, đo điện tim 24 giờ, trắc nghiệm gắng sức, xét nghiệm kiểm tra máu tổng quát (trong đó bao gồm cả xét nghiệm chức năng tuyến giáp), xem có rối loạn gì hay không.
Sau khi kiểm tra sức khỏe tim mạch bình thường hết thì bước tiếp theo là em nên tầm soát và điều trị rối loạn lo âu.
Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, người bệnh có lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.
Rối loạn lo âu là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tâm thể. Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”. Và bệnh rối loạn lo âu là 1 thể nhẹ trong các rối loạn tâm thần nói chung và có thể điều trị được. Vì thế, em nên đến khám BS chuyên khoa bệnh tâm thể để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu) sẽ tốt cho em.
Song song đó, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng để giải stress, hạn chế cafe bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, có lịch nghỉ phép du lịch ngắn hạn, đi chùa, ngồi thiền, yoga...chọn cái nào phù hợp với bản thân em nhất và áp dụng, kiên trì.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình