Hotline 24/7
08983-08983

Nên uống thuốc hạ huyết áp và hạ cholesterol bao lâu thì dừng?

Câu hỏi

Cho mình hỏi, Mình đang bị huyết áp cao 160 và đã uống thuốc hạ áp huyết cũng như thuốc hạ lượng cholesterol trong máu. Mình muốn hỏi hai thuốc này uống chỉ định tối đa bao lâu thì nên dừng lại để không có tác dụng phụ. Xin cám ơn bác sĩ.

Trả lời
Uống thuốc hạ áp và hạ cholesterol. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Uống thuốc hạ áp và hạ cholesterol. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Tăng huyết áp, hay còn gọi là huyết áp cao, là bệnh lý mạn tính, có hai loại là THA nguyên phát vô căn và THA thứ phát. THA vô căn thì phải uống thuốc suốt đời. Còn THA thứ phát thì nếu trị được nguyên nhân gốc (ví dụ như cắt bỏ u tuyến thượng thận trong THA do u tuyến thượng thận) thì không cần phải uống thuốc suốt đời vì THA sẽ hết sau khi nguyên nhân bị loại trừ. Có tăng huyết áp thì nhất định phải điều trị tăng huyết áp, nhằm mục đích ngừa các biến chứng của THA, trong đó sợ nhất là đột quỵ, nhồi máu cơ tim (hay xảy ra vào buổi sáng sớm khi HA lên cao nhất), suy tim, suy thận...

Trường hợp bác sĩ chỉ nói là bạn bị THA, đồng nghĩa là bạn bị THA vô căn, khi đó điều trị tăng huyết áp là điều trị suốt đời, thuốc nào cũng có ưu điểm và tác dụng phụ riêng, bác sĩ sẽ chọn lựa loại thuốc phù hợp nhất cho từng người bệnh để điều trị dài hạn. Người bệnh không được ngưng thuốc ngay cả khi huyết áp về bình thường. Bởi vì, huyết áp bình thường này là do tác dụng của thuốc, thậm chí sau khi ngưng thuốc vài ngày, huyết áp vẫn còn bình thường nhưng sẽ tăng lên bất ngờ, đặc biệt khi gần sáng gây tai biến, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

Cách để phát hiện biến chứng của bệnh hay tác dụng phụ của thuốc nếu có xảy ra là bằng việc tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày, ghi nhận chỉ số huyết áp và báo với bác sĩ điều trị.

Về mỡ máu cao, trung bình sau 3 tháng uống thuốc hạ mỡ máu, bác sĩ sẽ xét nghiệm kiểm tra lại mức mỡ máu của bạn, có thể xét nghiệm thêm men gan (là tác dụng phụ thường gặp của thuốc hạ mỡ máu), nếu mỡ máu đạt mục tiêu điều trị thì có thể ngưng thuốc, duy trì lối sống lành mạnh.

Song song đó, bạn cần chú ý ăn nhạt, tránh ăn thức ăn chế biến sẵn như giò chả, lạp xưởng, đồ hộp, cá mắm, mắm tôm, cà muối, dưa muối, những loại thức ăn nướng, thức ăn ướp muối sẵn như các loại khô; hạn chế thực phẩm dầu mỡ chiên xào, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế bia rượu (tối đa 1 lon bia/ngày, 1 ly rượu vang/ngày), tập thể dục điều đặn và không hút thuốc lá.

Thân mến.


Tăng huyết áp là hiện tượng mạch máu tăng áp lực lên thành mạch máu. Tăng huyết áp được chia thành 2 loại: Tăng huyết áp có nguyên nhân và tăng huyết áp vô căn.

Sở dĩ gọi là tăng huyết áp vô căn vì cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác làm tăng huyết áp ở nhóm này. Tăng huyết áp vô căn chiếm tỷ lệ rất lớn (vào khoảng 95%), ngay cả trong tâm thức mọi người rằng mỗi khi nhắc đến tăng huyết áp thì người ta hiểu đó là tăng huyết áp vô căn.

Tất cả các phương pháp điều trị cao huyết áp kể cả đã biết nguyên nhân hay chưa biết nguyên nhân đều hướng đến việc điều chỉnh huyết áp về mức bình thường là dưới 140/90 mmHg. Tuy nhiên, đặc biệt đối với tăng huyết áp vô căn, việc điều trị cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Ổn định huyết áp từ từ, không thay đổi đột ngột.

- Giảm đồng đều cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương.

- Áp dụng được cho nhiều đối tượng có giới tính, độ tuổi khác nhau và cả các bệnh nhân mắc các bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, suy thận.

- Các phương pháp điều trị cao huyết áp vô căn phổ biến hiện nay:

+ Điều trị không dùng thuốc

+ Điều trị dùng thuốc

Nhiều trường hợp, người bệnh phải uống thuốc suốt đời hoặc phải theo dõi điều trị mỗi lần huyết áp tăng cao chứ không thể điều trị dứt điểm.



Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X