Dính nước bọt của người nghi nhiễm HIV, liệu em có bị lây bệnh?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ,
Hôm trước do xảy ra xung đột với 1 người nghi nhiễm HIV nên giờ em rất lo lắng. Người này đã nhổ nước bọt lên mặt em trong quá trình mâu thuẫn xảy ra, nước bọt có dính vào mồm em một chút, khi ấy em lại đang bị nứt nẻ và chảy máu.
Sau khi sự việc xảy ra thì ở chỗ môi bị nứt nẻ xuất hiện bệnh Herpes. Giờ em thật sự rất lo bị lây nhiễm bởi em mới 17 tuổi. Liệu em có bị nhiễm HIV không và nên làm gì bây giờ ạ? Em cảm ơn bác sĩ.
Trả lời
Virus HIV. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,
HIV là căn bệnh nguy hiểm nhưng không dễ lây lan đến như vậy đâu em, HIV có thể lây qua ba con đường chính là đường máu như tiêm chích, truyền máu của người có nhiễm HIV, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con. HIV không thể lây qua tiếp xúc thông thường như ôm hôn, dùng chung đồ, mặc chung quần áo, ngủ chung trên giường, tay vô tình chạm vào dịch gì không rõ…
Đằng này em còn chưa chắc người đó có bị HIV hay không, chỉ có 1 giọt nước bọt dính vào miệng em đang bị nẻ thì khả năng lây nhiễm HIV là rất thấp. Việc em bị nổi Herpes sau đó 1 ngày cũng không nói lên rằng em bị nhiễm HIV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV ngay cả đối với 1 lần bị kim tiêm có HIV đâm là khoảng 0,3 - 0,5%, nghĩa là cực kỳ thấp.
Như vậy, an toàn nhất là em vẫn nên xét nghiệm máu kiểm tra, nếu làm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV thì kết quả chính xác nhất là từ 3-6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, còn xét nghiệm PCR HIV thì khả năng phát hiện sớm cao hơn.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
HIV là tên gọi của một loại virus gây nên tình trạng suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus), và đồng thời là virus gây bệnh AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome).
HIV có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, do đó cho phép các bệnh cơ hội, vi khuẩn, virus khác tấn công vào các bộ phận trên cơ thể. Không giống như các virus khác, một khi đã nhiễm HIV, cơ thể của bạn không thể thoát khỏi nó và chỉ có thể sống chung với nó mà thôi.
Các con đường lây nhiễm HIV:
- HIV/AIDS lây nhiễm qua việc quan hệ tình dục
Trong giao hợp thông thường, dương vật của người nam và âm đạo người nữ tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau. Nếu người nam mang HIV thì HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo người nữ (da mỏng ở bên trong che phủ bề mặt âm đạo) vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm virus HIV.
Nếu người nữ mang HIV thì có thể truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ dương vật hoặc qua lớp da bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Nguyên nhân chính là do lớp da này mỏng nên trong khi giao hợp dễ bị vết xước rất nhỏ không nhận thấy, tạo điều kiện cho vi rút HIV xâm nhập.
Khi giao hợp bằng miệng (như dương vật - miệng, hay miệng - âm hộ), khả năng lây truyền HIV thấp hơn so với giao hợp thông thường. Nhưng nếu trong miệng có lở xước, hay chảy máu răng thì HIV có khả năng lan truyền. Virus HIV ở sinh dục có thể xâm nhập vào vết xước ở miệng người kia. Hoặc HIV trong máu ở vết xước trong miệng có thể xâm nhập cơ thể người kia qua con đường âm đạo hoặc dương vật. Vấn đề là nhiều khi trong miệng có những vết xước rất nhỏ mà ta không biết đến.
Giao hợp dương vật - hậu môn là hình thức giao hợp dễ làm lây HIV nhất. Đó là do hậu môn và trực tràng (ống trong hậu môn) rất dễ xước bởi không có chất dịch làm trơn như âm đạo nên tạo điều kiện rất tốt cho HIV chuyển từ người này sang người kia.
- HIV/AIDS lây nhiễm qua đường máu
Trong truyền máu, máu của người khác đi thẳng vào mạch máu của bạn, hơn nữa lượng máu này lại rất lớn. Do đó bất cứ ai bị truyền máu của người nhiễm HIV đều bị lây nhiễm.
- HIV/AIDS lây nhiễm từ mẹ truyền sang con
Phụ nữ nhiễm virus HIV nếu sinh con sẽ có khả năng khoảng 30% là con nhiễm HIV theo mẹ, có nghĩa là cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 30 trẻ bị nhiễm. Virus HIV có thể lây sang bé qua nhau thai khi bé còn nằm trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, và một số nhỏ lây qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú.
- Dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng
Dùng chung bơm kim tiêm mà không tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng khiến cho máu người trước còn đọng trên bơm kim đi thẳng vào mạch máu của người sau. Dù không nhìn thấy thì bơm kim vẫn có máu đọng đó. Do đó nếu có virus HIV thì chúng sẽ lây sang người lành bệnh một cách dễ dàng.
Những người có tiền sử nghiện ma túy hay đang nghiện ma túy thì khả năng mắc HIV/AIDS về sau là rất cao.
Ngoài những đường lây thông thường là tình dục không có bao cao su bảo vệ, chung bơm kim tiêm không tiệt trùng, truyền máu nhiễm HIV và truyền từ mẹ sang con, HIV/AIDS hầu như không lây nhiễm qua các đường khác.
|