Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú có nguy hiểm không?
Câu hỏi
Cho em hỏi bệnh thay đổi sợi bọc có nguy hiểm ko ạ. Bác sĩ không cho uống thuốc, chỉ hẹn em 3 tháng tái khám thôi ạ.
Trả lời
Chào bạn,
Thay đổi sợi bọc tuyến vú là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ và chiếm hơn 50% số phụ nữ mắc các bệnh tuyến vú. Đặc điểm của bệnh lý là sự biến đổi mô sợi tuyến ở vú, không phải ung thư, có thể xem là bình thường.
Bệnh thường gặp ở tuổi 40 đến tiền mãn kinh, hiếm gặp ở độ tuổi dưới 20 tuổi và sau mãn kinh. Nguyên nhân gây bệnh là do các yếu tố tác động tới nồng độ estrogen khiến mô vú có sự phát triển, tăng sinh gây nên hiện tượng hình thành bệnh thay đổi sợi bọc.
Cơ chế gây thay đổi sợi bọc tuyến vú như sau: Nồng độ estrogen bắt đầu từ tuổi dậy thì tác động lên sự phát triển của mô tuyến vú. Sau khi tuyến vú phát triển ổn định, estrogen vẫn có sự tác động nhất định khiến tuyến vú xuất hiện sự tăng sinh. Đặc biệt với các phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản, sự thay đổi nồng độ estrogen diễn ra thường xuyên.
Sự tăng về nồng độ estrogen, các tế bào mô tuyến vú tăng sinh, khi bắt đầu hành kinh sự tăng sinh ngừng diễn ra, các tế bào đang tăng sinh ngừng lại đột ngột, cuộn xoắn gây hình thành khối u, cục dẫn tới thay đổi sợi bọc tuyến vú.
Thay đổi sợi bọc tuyến vú được chia thành 3 dạng:
- Dạng nang: Đây là dạng bệnh thường gặp nhất, bên trong chứa dịch, vỏ nang thường mỏng.
- Dạng hóa sợi: Hiếm gặp, biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc, kích thước có thể đến vài cm, giới hạn không rõ, thường ở 1⁄4 trên ngoài của 1 vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh.
- Dạng tăng sản biểu mô: Biểu hiện dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn.
Để điều trị bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú, người bệnh cần một trạng thái tâm lý thoải mái, vui vẻ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng chế độ dinh dưỡng, đầy đủ chất, bổ sung nhiều rau củ và trái cây, tránh các thức ăn có nhiều muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như: cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá, uống nhiều nước.
Chỉ dùng thuốc giảm đau khi các triệu chứng đau và tăng nhạy cảm nhiều ở vú, dùng nịt ngực thích hợp. Điều trị thuốc có thể đặt ra trong 1 số trường hợp, nếu đáp ứng tốt thì duy trì, nếu không đáp ứng thì thôi không uống thuốc kéo dài.
Điều trị ngoại khoa chỉ thực hiện khi các nang chứa dịch to căng đau, và những xơ nang có kết quả siêu âm, nhũ ảnh hay chọc hút bằng kim nhỏ có nghi ngờ ác tính.
Kết quả sinh thiết của bạn lành tính và không triệu chứng bất thường thì có thể không cần uống thuốc, 3 tháng sau quay lại tái khám với bác sĩ chuyên khoa vú là được nhé.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình