Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn dinh dưỡng, lưu ý khi sinh hoạt cho bệnh nhân suy thận lọc máu tại nhà

Lọc màng bụng là một trong những giải pháp tối ưu mang lại cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cơ hội sống còn, được tận hưởng cuộc sống bình thường. Song để làm được điều đó, người bệnh cần phải tuân thủ hướng dẫn điều trị cùng với chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý.

Lọc màng bụng, bệnh nhân không cần kiêng khem thực phẩm giàu kali như khi chạy thận nhân tạo (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận lựa chọn phương pháp lọc màng bụng

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng với người suy thận giai đoạn cuối. Một chế độ ăn uống đúng, lành mạnh không chỉ gánh trọng trách là nguồn nhiên liệu cho cơ thể hoạt động mà còn giúp làm chậm diễn tiến của bệnh, phòng ngừa gánh nặng “kép” suy dinh dưỡng.

Trong các giải pháp điều trị thay thế thận, nếu chạy thận nhân tạo người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khắt khe về kali, lượng nước nạp vào cơ thể thì với phương pháp lọc màng bụng (hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc) yêu cầu sẽ được “nới lỏng” hơn. Đây là một trong những ưu thế của lọc màng bụng góp phần nâng cao chất lượng - giá trị sống cho người bệnh.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo sau một thời gian sẽ không còn nước tiểu nên chỉ được nhập nước vào cơ thể bị giới hạn khoảng 500-1000 ml/ ngày, thường chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu uống thuốc. Trong khi đó, bệnh nhân khi lọc màng bụng không cần phải căn đo khắt khe theo mức này.

Cụ thể, lượng nước bệnh nhân lọc màng bụng sẽ bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước cộng lượng mồ hôi và con số hằng định là 500ml, như vậy trung bình khoảng 900ml/ ngày. Lượng nước này không chỉ đáp ứng việc uống thuốc mà còn phục vụ cho sở thích ăn các món nước như canh, phở, hủ tiếu…

Ngoài ra, người bệnh lọc màng bụng không cần kiêng khem kali như người chạy thận nhân tạo, ngược lại còn phải cung cấp nhiều hơn. Nhờ đó, công đoạn chế biến món ăn được giảm bớt, chẳng hạn như khi luộc rau không cần đến 2 nước để loại bỏ bớt kali. Thực phẩm trong bữa ăn cũng sẽ đa dạng, phong phú hơn, từ thực vật như đậu hà lan, đến các loại thịt, sữa, rau quả, trái cây như cam chuối, nước dừa, sầu riêng, xoài, đặc biệt là trái cây khô như nho khô đều có thể sử dụng mà không lo dư thừa.

Về năng lượng, người lọc màng bụng dưới 60 tuổi được khuyến cáo 35Kcal/kg/ngày, trên 60 tuổi từ 30-35 kcal/kg/ngày. Về nhu cầu đạm, người lọc màng bụng sẽ có nhu cầu cao hơn khi chưa lọc máu, thậm chí cao hơn người bình thường. Bởi mỗi lần thay dịch, bệnh nhân sẽ mất đi 8-12g đạm/ chu kỳ, vì vậy sẽ cần ăn nhiều hơn để thay thế lượng đạm đã mất, mỗi ngày cần khoảng 1,2 - 1,3g/kg trọng lượng cơ thể.

Bên cạnh đó, loại đạm nạp vào cơ thể cũng rất quan trọng. Nên ăn đạm chất lượng cao từ thịt, gia cầm, cá và trứng, vì nó tạo ra ít độc tố hơn. Người bệnh cần tránh da động vật vì nó chứa nhiều cholesterol, hay các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích vì hàm lượng natri, photphat cao. Đạm chất lượng thấp cũng cần được hạn chế trong chế độ ăn uống, nó đến từ các nguồn thực vật như rau và ngũ cốc.

Lưu ý, người bệnh lọc màng bụng cũng cần ăn nhạt, không dùng các gia vị chứa muối (nước mắm, gia vị, mì chính, muối) trong chế biến thức ăn.

Nguyên tắc sinh hoạt, tập luyện cho bệnh nhân lọc màng bụng

Khi suy thận giai đoạn cuối, thận mất chức năng đến 90% hoặc hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là các cơ quan khác cũng ngừng hoạt động. Vì vậy, việc tập luyện thể dục thể thao là điều rất cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho người bệnh, không chỉ giúp cải thiện chức năng tim, kiểm soát huyết áp tốt hơn, kiểm soát glucose ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng sức mạnh cơ mà còn giúp giảm lo âu, trầm cảm. Hơn nữa, tập thể dục là “liều thuốc” hữu hiệu để quản lý cân nặng hiệu quả.

Người bệnh nên tránh các môn thể thao hoặc các hoạt động gây đổ mồ hôi nhiều vì có thể gây ứ đọng catheter, lâu ngày sẽ gây nhiễm trùng, chẳng hạn như chạy bộ, đá banh, tennis, leo núi, aerobics, làm việc nhà nặng (lau nhà), làm vườn nặng (cuốc), cưa, trộn hồ...

Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và tâm trạng (Ảnh minh họa)

Thay vào đó, bệnh nhân lọc màng bụng nên lựa chọn các môn thể thao với cường độ tập luyện nhẹ nhàng để tránh ra nhiều mồ hôi như đi bộ chậm, chơi golf, cầu lông. Ngay cả khi người bệnh làm việc nhà cũng là một cách để tập luyện hiệu quả, vừa hoạt động nhẹ nhàng vừa giúp tâm trạng bản thân tốt hơn khi đóng góp công sức xây dựng gia đình.

Ngoài ra, bệnh nhân vẫn có thể bơi lội nhưng với điều kiện nước phải đảm bảo vệ sinh, cần dán kín đầu ống thông và tháo bỏ sau khi bơi. Không nên tham gia những môn phải vận động mạnh như đá bóng hoặc những hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng, đổ nhiều mồ hôi. Chỉ nên tập khi bản thân thấy thoải mái, không nên gắng sức. Cũng cần đề cập thêm về vấn đề vệ sinh cá nhân, bệnh nhân có thể kết hợp tắm với cữ thay dịch vào buổi chiều tối, lưu ý nên tắm trước khi thay dịch, không nên thay dịch xong mới đi tắm.

Bài viết phần nào giúp bệnh nhân hiểu được phương pháp lọc màng bụng mang lại nhiều cơ hội sống còn, được tận hưởng cuộc sống bình thường, có thể ăn uống không quá kiêng khem và được vận động, tập luyện hợp lý.  Nhưng để làm được điều đó, người bệnh cần phải được huấn luyện sử dụng thành thục phương pháp này và luôn tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X