Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp cấp thường gặp

Viêm đường hô hấp cấp có thể tự khỏi nhưng cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Cùng tìm cách điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp cấp thường gặp!

1. Viêm đường hô hấp cấp- viêm phế quản cấp

1.1. Điều trị viêm đường hô hấp cấp- viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp là bệnh lý viêm đường hô hấp thường gặp, bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có trường hợp phải điều trị bằng thuốc, nhập viện:

- Viêm phế quản cấp đơn thuần ở người trưởng thành có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

- Điều trị loại bỏ triệu chứng:

+ Nghỉ ngơi, bỏ thuốc lá, giữ ấm, uống đủ nước và bổ sung đủ dinh dưỡng.

+ Giảm ho, long đờm:

●            Terpin codein 15-30 mg/ngày hoặc

●            Dextromethorphan 10-20 mg/ngày ở người lớn hoặc

●            Nếu ho có đờm: acetylcystein 200 mg x 3 gói/ngày

+ Giảm co thắt phế quản: Salbutamol (đường phun hít, khí dung) 5 mg x 2-4 nang/ngày hoặc uống Salbutamol 4 mg x 2-4 viên/ngày.

- Không dùng kháng sinh nếu chỉ mắc viêm phế quản cấp đơn thuần, chỉ định dùng khi:

+ Ho kéo dài trên 7 ngày.

+ Ho, khạc đờm mủ rõ.

+ Viêm phế quản cấp ở người có bệnh lý mạn tính nặng như suy tim, ung thư.

- Chọn kháng sinh căn cứ vào mô hình vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương. Có thể tham khảo:

+ Ampicillin, amoxicilin liều 3g/24h, hoặc

+ Amoxicillin + acid clavulanic; ampicillin + sulbactam: liều 3g/24h, hoặc

+ Cephalosporin thế hệ 1: cephalexin 2-3 g/24h, hoặc

+ Cefuroxim 1,5 g/24h, hoặc

+ Macrolid: Erythromycin 1, 5g ngày x 7 ngày, azithromycin 500 mg x 1 lần/ngày x 3 ngày

- Điều trị bệnh lý ổ nhiễm trùng khác.

Trích dẫn nguồn: “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH HÔ HẤP” do Bộ Y Tế ban hành.

1.2. Phân tích case lâm sàng

●            Case bệnh 1:

Bệnh nhân nam 45 tuổi vào viện vì lý do ho, sốt ngày thứ 3

Bệnh sử:

Cách ngày vào viện 3 ngày người bệnh ở nhà xuất hiện ho có đờm, sốt cao. Cùng ngày vào viện người bệnh xuất hiện ho nhiều có đờm, sốt 38.5 độ C, uống thuốc hạ sốt ở nhà không đỡ vào viện khám và điều trị.

Tình trạng lúc vào viện:

Người bệnh tỉnh, niêm mạc hồng, sốt 38 độ C, ho từng cơn, có đờm, nhịp thở 22 lần/phút, tim nhịp đều tần số 95 ck/phút, nghe phổi có ran ẩm ,ngáy 2 bên phổi. Các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.

Tiền sử: khoẻ mạnh

Cận lâm sàng:

Xét nghiệm công thức máu: BC: 16.3 G/l; NE: 80.9 %; Hb: 138 g/l

Sinh hoá: ure: 6.68 mmol/l; creatinin: 77.75 umol/l; CRP: 50.3 mg/l

Xquang ngực thẳng: Hình ảnh tăng đậm các nhánh phế quản

Chẩn đoán: Viêm phế quản cấp

Thuốc điều trị: Amoxicilin + A.clavulanic (Klamentin) 500 mg/ 125 mg x 3 lần/ ngày, long đờm Acetylcystein 200 mg- 1viên/lần x 2 lần/ngày, hạ sốt Paracetamol 500 mg uống 01 viên lúc sốt >= 38.5 độ C (2 lần uống cách nhau ít nhất 4-6h), vitamin C 500 mg x 01 viên/ngày

Sau 4 ngày điều trị người bệnh tỉnh, không  sốt, còn ho ít, không khó thở, NT 18 l/p, tim nhịp đều tần số 82 ck/phút, nghe phổi có ít ran ẩm 2 bên phổi.

●            Ca bệnh 2:

Bệnh nhân nữ 75 tuổi vào viện với lý do khó thở, ho có đờm, ngày thứ 4

Bệnh sử:

Cách ngày vào viện 4 ngày người bệnh tự nhiên xuất hiện ho, ho nhiều về đêm và sáng sớm. Hai hôm sau ho nhiều hơn kèm theo khạc đờm đục nhiều, xuất hiện khó thở 2 thì, mệt mỏi, đau tức ngực hai bên. Vào viện khám và điều trị.

Lúc vào viện:

Người bệnh tỉnh, da niêm mạc hồng, không phù, huyết áp 110/70 mmHg, khó thở, nhịp thở 27 lần/phút, SPO2: 91 %, đau tức ngực  bên trái, sốt nhẹ 37.7 độ C. Khám thực thể: tim nhịp không đều tần số 84 chu kì/phút, thổi tâm thu 3/6 tại mỏm tim. Phổi nghe thông khí hai bên giảm có ran rít, ẩm vừa nhỏ hạt 2 bên, ran nổ 2 đáy phổi. Khám cơ quan khác chưa phát hiện gì bất thường.

Tiền sử: suy tim, hẹp - hở van 2 lá đang điều trị 5 năm nay, đã mắc covid 19 cách đây 7 tháng.

Cận lâm sàng:

Công thức máu: bạch cầu 20.8 G/l; NE: 78.5 %; HB: 96 g/l

Sinh hoá: ure: 13.47 mmol/l; creatinin: 80.6 umol/l; CRP: 61.73 mg/l

Xquang ngực: hình ảnh mờ rải rác trường phổi 2 bên

Kết quả sau 3 ngày cấy đờm: vi khuẩn: Klepsisella pneumonia, nhạy cảm với kháng sinh Amoxicilin + A.clavulanic và Azithromycin

Đã được chẩn đoán: viêm phế quản phổi/ suy tim – hẹp hở van 2 lá

Bệnh nhân được xử trí: thở oxy gọng mũi 3 lít/phút, khí dung thuốc giãn phế quản salbutamol 2,5 mg/ống - 01/lần x 3 lần /ngày, long đờm Acetylcystein 200 mg- 1viên/lần x 2 lần/ngày

Kháng sinh Amoxicilin + A.clavulanic 1g/lần mỗi 8h pha tiêm tĩnh mạch, Azithromycin (Zaromax) 500 mg/ngày ngày đầu tiên, 4 ngày sau: 250mg (1/2 viên)/ngày, thuốc điều trị suy tim theo sổ ngoại trú.

Hiện tại sau 3 ngày điều trị: Người bệnh tỉnh, HA: 110/80 mmHg, không sốt, còn ho có đờm, không đau ngực, đỡ khó thở, nhịp thở 22 lần/phút, ăn uống được.

2. Viêm đường hô hấp cấp- viêm amydal cấp tính

2.1. Điều trị viêm đường hô hấp cấp- viêm amydal cấp tính

- Đối với viêm amydal cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.

- Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều.

- Giảm đau, hạ sốt: paracetamol…

- Kháng sinh: trong trường hợp nhiễm khuẩn dùng nhóm β lactam, nếu dị ứng thì dùng nhóm macrolid.

- Nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng nhẹ.

- Súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm: bicarbonat natri, borat natri… (nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).

- Tăng cường thể trạng: yếu tố vi lượng, sinh tố, calci…

Trích dẫn nguồn: “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH VỀ TAI MŨI HỌNG” do Bộ Y Tế ban hành.

2.1. Phân tích case lâm sàng

Bệnh nhân nữ 50 tuổi vào viện với lý do đau rát họng ngày thứ 2

Bệnh sử:

Cách 2 ngày vào viện người bệnh xuất hiện đau họng tăng dần, nuốt khó, kèm theo chảy mũi, ngạt mũi, ở nhà uống thuốc kháng sinh (không nhớ tên thuốc) không đỡ, vào viện khám và điều trị.

Lúc vào viện:

Người bệnh tỉnh, da niêm mạc hồng, sốt nhẹ 37.8 độ C, HA: 120/70 mm Hg, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng. Khám họng 2 amydal sưng nề, tấy mủ lấn ra đường giữa che kín thành họng. Mũi: cuốn mũi phù nề, hốc mũi có ít dịch. Tai: màng nhĩ sáng. Tim nhịp đều tần số 85 ck/p, phổi thông khí đều 2 bên, không rales. Khám cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.

Tiền sử: Người bệnh có tiền sử khoẻ mạnh

Kết quả xét nghiệm: BC: 11.6 G/l; NE: 76.5 %; Hb: 137 g/l, xét nghiệm sinh hoá máu bình thường.

Đã được chẩn đoán: Viêm amydal cấp

Thuốc điều trị: Cefuroxime (Haginat) 500 mg/lần mỗi 12h, giảm đau hạ sốt Paracetamol 500 mg uống 01 viên lúc sốt >= 38.5 độ C hoặc đau (2 lần uống cách nhau ít nhất 4-6h), giảm phù nề Alpha chymotrypsin 4.2 mg – 02 viên/lần x 2 lần/ngày, vitamin C 500 mg x 01 viên/ngày. Xúc miệng họng 3 lần/ngày.

Sau 5 ngày điều trị người bệnh tỉnh, không sốt, đỡ đau họng, khám họng amydal không tấy đỏ, không có mủ trắng. Người bệnh được ra viện.

Trên đây là hai bệnh lý viêm đường hô hấp cấp thường gặp. Để đọc thêm nhiều thông tin và bàn luận trên các case lâm sàng cụ thể, quý Bác sĩ tham khảo bài viết tại đây.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X