Hội thảo phòng chống đột quỵ: Chuỗi mạng lưới từ phòng ngừa đến điều trị chuyên sâu
Ngày 20/4/2025, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Báo Tiền Phong phối hợp với trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”, nhằm góp phần thúc đẩy nhận thức cộng đồng, cập nhật kiến thức y khoa mới và phát triển sự liên kết giữa đào tạo, điều trị, truyền thông sức khỏe.
Gần 1.000 lãnh đạo Bộ Y tế, sở y tế, bệnh viện, chuyên gia hàng đầu về đột quỵ, tim mạch… tại hội thảo phòng chống đột quỵ
Hội thảo đón nhận gần 1.000 đại biểu về tham dự là lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo ngành Y tế các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh, tim mạch đến từ các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam; cùng giảng viên, sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe trường Đại học Hồng Bàng.
Chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng hội thảo đã mang đến 7 bài báo cáo diễn ra song song tại 2 hội trường. Trong đó phiên toàn thể với 3 bài báo cáo, bàn về các vấn đề hấp dẫn như: “Tổng quan tình hình cấp cứu, điều trị đột quỵ tại Việt Nam” do TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ; “Thực tế điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115 và phương hướng phát triển mạng lưới cấp cứu đột quỵ trên toàn quốc” của PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115; và “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động - mô hình tại S.I.S Cần Thơ” của TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Song song đó là 2 phiên báo cáo tham luận chuyên đề “Chủ động phòng ngừa bệnh cho cộng đồng và định hướng phát triển cấp cứu, điều trị chuyên sâu bệnh đột quỵ” và “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cấp cứu, điều trị đột quỵ”.

Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: “Hội thảo ngày hôm nay không chỉ là nơi cập nhật các tiến bộ trong nghiên cứu điều trị đột quỵ mà còn là cơ hội kết nối trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp từ thực tiễn đến hành động nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này.
Nhà báo kỳ vọng qua hội thảo sẽ có nhiều sáng kiến, khuyến nghị được đưa ra, đóng góp vào việc hoạch định chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng là dịp để Bộ Y tế có thêm nhiều hiến kế về cả chính sách và chuyên môn để xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ lan tỏa hiệu quả trong tương lai”.

Chia sẻ tại sự kiện lần này, TS.BS.CK2 Nguyễn Tri Thức - Thứ Trưởng Bộ Y tế nhận định: “Hội thảo này rất đặc biệt vì không chỉ có những nhà khoa học chuyên sâu, giảng viên, sinh viên mà còn có bạn đọc của báo Tiền Phong đang theo dõi trực tuyến, do đó từ các kiến thức về đột quỵ rất đa dạng và khác nhau tạo nên nền tảng chung để truyền tải kiến thức đồng bộ tất cả đến những người tham dự là điều không hề đơn giản”.
Bên cạnh đó, Thứ Trưởng Bộ Y tế cho rằng, hội thảo này có sự lan tỏa đến cộng đồng cực kỳ to lớn, nội dung các bài báo cáo đi từ mạng lưới ban đầu đến phòng ngừa cộng đồng, điều trị cơ bản, điều trị chuyên sâu, đó là một chuỗi mạng lưới từ phòng ngừa đến điều trị chuyên sâu, đây là điều rất ý nghĩa của hội thảo.
Thông qua hội thảo, thứ trưởng mong muốn các bạn đọc của báo Tiền Phong và theo dõi trên Fanpage của trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ nắm được kiến thức cơ bản nhất, chung nhất về đột quỵ. “Ví dụ như yếu tố nguy cơ là gì, từ gia đình, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, chế độ vận động, chế độ ăn uống… tất cả mọi thứ rất mong cộng đồng nắm rõ, biết rõ để phòng ngừa, điều trị, không phải sợ đột quỵ như sợ ma.
Chúng ta không biết gì về đột quỵ thì ăn gì, đi đâu, mắc bệnh tăng huyết áp đều sợ bị đột quỵ. Qua hội thảo ngày hôm nay, từ nỗi sợ hãy đưa nó trở thành kiến thức để phòng ngừa hiệu quả. Đồng thời, chúng ta sẽ biết được cơ sở y tế, cơ sở phòng ngừa đột quỵ có uy tín trên cả nước, sau đó giới thiệu người nhà hoặc bản thân đến kiểm tra sức khỏe cơ bản, chính xác, từ đó phòng ngừa tốt nhất bệnh đột quỵ”, TS.BS.CK2 Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Những "nút thắt" của đột quỵ tại Việt Nam cần tháo gỡ
Đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), cứ mỗi 6 người thì có một người bị đột quỵ trong đời, và cứ 2 giây lại có một ca đột quỵ mới xảy ra trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% ca bệnh dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nghiêm trọng.
Nhà báo Lê Minh Toản nhấn mạnh, đột quỵ, căn bệnh được xem là “kẻ giết người thầm lặng” đang trở thành một vấn đề y tế nghiêm trọng tại Việt Nam và trên thé giới. Điều đáng lo ngại là hiện nay đột quỵ không còn là căn bệnh xuất hiện ở người cao tuổi mà đang có xu hướng trẻ hóa.
Tuy nhiên, một thực tế là ý thức phòng bệnh của cộng đồng còn rất hạn chế, nhiều người chưa nhận biết được dấu hiệu sớm của đột quỵ, chưa kiểm tra sức khỏe định kỳ, lối sống lành mạnh. Điều này dẫn đến việc cấp cứu, điều trị đột quỵ gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam hiện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là khu vực nông thôn, cùng sâu, vùng xa… do đó việc tiếp cận y tế chuyên sâu còn nhiều khó khăn gây nên sự chênh lệch đáng kể về khả năng điều trị của các địa phương.
Chính vì vậy rất cần một chính sách mạnh mẽ, cụ thể, phát triển mạng lưới cấp cứu và điều trị đột quỵ đồng bộ, hiệu quả, từ việc đào tạo đội ngũ y tế, đầu tư trang thiết bị đến việc xây dựng các cơ chế phối hợp giữa bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng.
Nhân hội thảo lần này, Thứ trưởng Bộ Y tế TS.BS.CK2 Nguyễn Tri Thức đã gửi gắm hai nội dung:
Thứ nhất, các báo cáo viên tại hội thảo nên báo cáo đơn giản, dễ hiểu nhất, làm sao lan tỏa rộng nhất đến cộng đồng.
Thứ hai, các cơ sở phòng ngừa đột quỵ trên cả nước, khi bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ cần tập trung khám lâm sàng trước khi tầm soát để giảm bớt những cận lâm sàng không cần thiết, giảm bớt chi phí không cần thiết của người bệnh.
Ví dụ, không được mặc định một bệnh nhân đến cơ sở tầm soát ung thư là làm cận lâm sàng từ a-z sau đó mới gặp bác sĩ, điều này rất lãng phí, không tụ chung vào một vấn đề sức khỏe.
Bác sĩ cần giải thích cho người nhà và bệnh nhân bảng chỉ số nguy cơ đột quỵ, nếu thấy trường hợp này không có yếu tố nguy cơ hoặc rất thấp mà chỉ là lo lắng của người nhà, cần mạnh dạng giải thích để không làm cận lâm sàng và tốn chi phí không cần thiết.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình