Hotline 24/7
08983-08983

Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội trở lại trường: có nhất thiết theo khẩu trang xuyên suốt?

Tin sáng 6/4: Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội trở lại trường có nhất thiết theo khẩu trang xuyên suốt?; Học sinh tự tử, nhìn lại khoảng trống tư vấn tâm lý học đường; Mỹ lập lực lượng "đặc nhiệm" chống COVID-19 dài hạn.

Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội trở lại trường: có nhất thiết theo khẩu trang xuyên suốt?

Hôm nay 6/4, gần 1 triệu học sinh từ lớp 1 - lớp 6 tại 30 quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội chính thức trở lại trường sau gần 1 năm học tại nhà. Nhiều trường thông báo quy định nghiêm ngặt đeo khẩu trang suốt cả ngày, không cho học sinh ra sân trường giải lao… nhưng các chuyên gia cho rằng cần linh hoạt, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ tới trường.

Liên quan tới vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu khẳng định, hiện việc đeo khẩu trang trong lớp học là không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích: “Việc thực hiện 5K không có nghĩa lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, khi ăn uống, ngủ… thì thực hiện như thế nào? Tùy vào lứa tuổi và điều kiện để áp dụng, tạo sự thoải mái cho trẻ tới trường”.

Vị chuyên gia dịch tễ cho rằng, các trường nên áp dụng quy định 5K một cách linh hoạt, mềm dẻo trong bối cảnh chúng ta đang thích ứng an toàn với dịch COVID-19, bên cạnh đó “nới lỏng nhưng không buông lỏng”. Ông lấy ví dụ, không nên cấm trẻ em ra sân trường mà nhà trường có thể bố trí các khu vực riêng, hoặc chia theo khung giờ để các lớp không cùng đổ ra một lúc.

Học sinh tự tử, nhìn lại khoảng trống tư vấn tâm lý học đường

Người trẻ đang phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống dẫn đến những trở ngại về tâm lý, đưa đến những hành động tự hủy hoại bản thân. Thế nhưng, ở hầu hết trường học, khâu tư vấn tâm lý cho học sinh gần như bỏ trống.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TPHCM) Nguyễn Đoan Trang đánh giá, “sức đề kháng” của HS hiện nay rất yếu. Chỉ gặp một vấn đề nhỏ như điểm kiểm tra kém hơn bạn, bị ba mẹ rầy la, ba mẹ chưa đáp ứng đòi hỏi về vật chất… là các em đã có thể phát sinh trầm cảm, lo âu, buồn bực, có suy nghĩ và hành động thiếu suy nghĩ. Trong rất nhiều trường hợp, GV chủ nhiệm không thể giải quyết trọn vẹn được, chỉ có thể là người bạn, người lắng nghe vì không có chuyên môn về tâm lý.

Để “nâng chất” tư vấn cho gần 1.000 HS, trường đã hợp đồng với giảng viên tâm lý theo giờ. Nhân viên tâm lý này túc trực ở trường vào ngày cố định, còn lại công tác lắng nghe, nắm bắt sẽ luôn được ghi nhận qua email, điện thoại. Khó nói việc tư vấn tâm lý từ xa có hiệu quả, nhất là 1.000 HS mà lại chỉ có 1 người hỗ trợ.

Nhận định về vai trò của tư vấn tâm lý học đường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng khẳng định vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như trước thách thức của mạng xã hội. Thế nhưng, nhân viên tâm lý học đường trong trường học đang rất thiếu và yếu do quy định của Bộ GD-ĐT chưa có chức danh nghề nghiệp riêng biệt cho vị trí này mà chỉ là kiêm nhiệm.

Sở đã đề xuất UBND, HĐND TPHCM có chính sách đặc thù cho vị trí nhân viên tâm lý và nhân viên y tế học đường nhằm hỗ trợ các trường thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần HS.

Mỹ lập lực lượng "đặc nhiệm" chống COVID-19 dài hạn

Nhà Trắng đang cố gắng tăng tốc độ phản ứng của quốc gia đối với dịch COVID-19 kéo dài bằng cách thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới để điều phối các nỗ lực nghiên cứu trong toàn chính phủ.

Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra làm lãnh đạo lực lượng "đặc nhiệm'' liên ngành trong một bản ghi nhớ được ban hành ngày 5/4.

Chỉ thị mới của Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi Viện Y tế Quốc gia đẩy nhanh dự án nghiên cứu trị giá 1,15 tỷ USD, tăng tốc hơn để thực hiện cam kết thu hút 40.000 người Mỹ tham gia các nghiên cứu COVID-19 kéo dài.

Các nỗ lực khác của Nhà Trắng cũng đòi hỏi khoảng 45 triệu USD tài trợ, tất cả đều phụ thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội. Khoảng 25 triệu USD sẽ dành cho nghiên cứu COVID-19 dài hạn và 20 triệu USD sẽ được phân bổ cho các trung tâm tài trợ đang tiến hành điều trị COVID-19 dài hạn.

Các chuyên gia ủng hộ chính phủ làm nhiều hơn để đối phó với dịch COVID-19 dài hạn nhưng nói rằng tiền không phải là mối quan tâm chính mà ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng tiến hành nghiên cứu để có được một bức tranh rõ ràng về mức độ lan rộng của dịch bệnh và mức độ khẩn cấp mà quốc gia cần ứng phó.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X