Hotline 24/7
08983-08983

Hóa chất VOCs - nguy cơ tiềm ẩn trong nhà bạn

VOCs là một nhóm hợp chất hữu cơ có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nếu thường xuyên tiếp xúc với nồng độ cao, trong thời gian ngắn.

Đầu năm nay, chị Hương háo hức cùng gia đình chuyển đến ngôi nhà mới xây ở quận 7, TP HCM. Đây là thành quả của vợ chồng chị sau gần 6 tháng xây dựng. Tuy nhiên cảm giác háo hức ban đầu sụt giảm phần nào vì mùi sơn mới. Gia đình chị luôn có cảm giác ngột ngạt khó chịu trong suốt tuần lễ đầu tiên.

Còn chị Quỳnh, ở Hoàng Mai, Hà Nội thường xuyên thấy nôn nao mỗi khi đột ngột bước vào chiếc xế hộp nhà mình, sau cả ngày để ngoài trời nắng nóng.

Chị Hương và chị Quỳnh là hai trường hợp điển hình liên quan đến một nhóm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, thường được biết đến với cái tên là VOCs (Volatile Organic Compounds).

VOCs và nguy cơ tiềm ẩn?

Thật ra, hiện nay khái niệm VOCs còn khá mới mẻ với đại bộ phận người Việt Nam mặc dù VOCs tồn tại rất phổ biến trong ngôi nhà của chúng ta cũng như môi trường xung quanh. Do chúng hiện diện trong nhiều sản phẩm mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày như chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng, mỹ phẩm, nước hoa xịt phòng, vật liệu xây dựng (sơn, gỗ ghép, keo chống thấm ...)

Không chỉ có mặt trong các sản phẩm hàng ngày, mà cả một số thói quen như nấu ăn, giặt khô, in ấn, hút thuốc lá, photo tài liệu... cũng có thể tạo ra VOCs.

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù những chất này hiện diện khá phổ biến xung quanh chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận biết chúng vì có một số chất VOCs không có mùi và mùi không phải là yếu tố chính phản ánh mức độ ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe và môi trường.

Theo tiến sỹ Cù Thành Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Thiết bị Khoa học và Phân tích Hóa lý của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, VOCs là một nhóm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.

Các chất hữu cơ trong nhóm này có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nếu thường xuyên tiếp xúc với nồng độ cao, trong thời gian ngắn như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, kích thích mắt mũi.

Nghiêm trọng hơn, nếu thường xuyên phải tiếp xúc với VOCs nồng độ cao trong thời gian dài thì sẽ làm tăng khả năng mắc các chứng bệnh mãn tính như ung thư, tổn hại gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Cần lưu ý là nồng độ VOCs trong nhà thường cao hơn nồng độ ở môi trường bên ngoài khá cao (từ 2 đến 5 lần).

Ông Sơn cho biết thêm, do tác hại của VOCs đối với sức khỏe con người và môi trường, các nước phát triển như Mỹ, và ở châu Âu đã có nhiều quy định khá nghiêm ngặt về mức an toàn của nhóm chất này trong sản phẩm.

Nhằm khuyến khích các nhà sản xuất đưa ra các sản phẩm an toàn, chính phủ các nước này đã thực hiện chương trình xác nhận nhãn sản phẩm không có hoặc có ít VOCs để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Sản phẩm muốn nhập khẩu vào các quốc gia nói trên đều phải được xét nghiệm bởi các tổ chức giám định uy tín.

Cách phòng tránh

Do VOCs tồn tại phổ biến trong môi trường xung quanh nên chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi cuộc sống. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên nên giảm thiểu tiếp xúc với các nguồn sản sinh VOCs cũng như thực hiện một số cách đơn giản nhằm hạn chế ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe như:

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa luôn sạch sẽ và thông thoáng để tăng đối lưu không khí;

- Hạn chế hút và ngửi khói thuốc lá;

- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm không có hoặc có ít VOCs;

- Tuân thủ theo các hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng các sản phẩm gia dụng, vật liệu xây dựng và vứt bỏ ngay các chai lọ đựng hóa chất đã qua sử dụng.

Theo Huỳnh Minh Trí - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X