Hotline 24/7
08983-08983

Heo bơm nước, chích thuốc an thần!

Nếu sử dụng phải loại thịt có chất tăng trọng, giữ nước lâu ngày sẽ tích lũy trong cơ thể gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu…

Do giá thịt heo, gà đang tăng cao nên gần đây một số người chăn nuôi, lái heo, kể cả giới giết mổ, kinh doanh đã tìm đủ mọi cách làm tăng trọng lượng các vật nuôi này để hưởng lợi lớn. Theo giới chuyên môn, kiểu kinh doanh này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bơm nước: Phạt nặng vẫn không ngán

Giới kinh doanh cho biết tình trạng bơm nước vào heo đang bùng phát trở lại bởi vào thời điểm này, mỗi lít nước bơm người ta sẽ bỏ vào túi thêm được ít nhất 50.000 đồng.
 
Khảo sát tại một số lò giết mổ ở Long An, như lò giết mổ C.T (Cần Giuộc), lò Ch.Th (Bến Lức)… thường mỗi con heo trước khi giết mổ được bơm nước từ 1 đến 2 lần (một lần bơm khoảng 5- 6 lít nước). Riêng heo nái, gần như lò nào cũng bơm nước do loại heo này đã nuôi lâu năm, da nhăn nheo, nếu để nguyên sẽ khó bán.
 
Khi bơm nước, da thịt heo sẽ căng phồng lên, màu sắc miếng thịt hồng hào hơn nên dễ bán; đồng thời nước sẽ ngấm vào từng thớ thịt làm tăng trọng lượng heo thêm từ 4 kg- 10 kg, tùy bơm nhiều ít...
 
Thịt heo bán tại các chợ lẻ, chợ lề đường rất khó phát hiện có chứa chất tăng trọng,
bị bơm nước hay không. Ảnh: Hồng Thúy

Trạm Kiểm tra Vệ sinh Thực phẩm Bình Điền thuộc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, quận 8, TP.HCM cũng xác nhận: Tình trạng heo bơm nước đang bùng phát trở lại do giá thịt heo tăng cao. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý cũng đang gặp khó khăn do không bắt được tại trận. Hiện Chi cục Thú y TP.HCM và Chi cục Thú y Long An đang tăng cường phối hợp để có biện pháp phòng chống tình trạng này.
 
Ông Đinh Văn Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cho biết gần đây chi cục đã phát hiện và xử lý một số vụ. Nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/vụ, vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt đến 7 triệu đồng/vụ và số heo bơm nước bị buộc phải luộc chín trước khi tiêu thụ... Tuy nhiên, dù bị phạt nặng như vậy nhưng tình trạng bơm nước vào heo vẫn diễn biến phức tạp.

Chích thuốc an thần làm thịt heo “đẹp” hơn!

Ngoài việc bơm nước, nhiều người nuôi heo bằng chất tăng trọng bị cấm sử dụng (salbutamol, clenbuterol) để heo nhanh lớn và bán được giá cao cũng đang rất phổ biến, nhất là ở các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... Heo sử dụng chất tăng trọng được thương lái mua với giá cao hơn loại heo bình thường đến 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg do ít mỡ, nạc nhiều và thịt có màu đỏ như thịt bò.

Theo giới kinh doanh, heo nuôi bằng chất tăng trọng rất dễ bị chết khi vận chuyển nên gần đây thương lái đối phó bằng cách chích cho heo loại thuốc an thần để heo ngủ li bì, đờ đẫn trong lúc vận chuyển, heo không những không chết mà còn giữ được trọng lượng. Khi heo về lò mổ, họ tiếp tục chích loại thuốc này một lần nữa. Loại thuốc an thần này làm cho thịt heo có màu sắc đỏ hồng tự nhiên hơn (thịt heo nuôi bằng chất tăng trọng có màu đỏ đậm), giúp cho thịt bớt khô lại dẻo...

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết các chất cấm sử dụng đưa vào chăn nuôi gia súc, gia cầm đều gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Ăn loại thịt này sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu, chóng mặt… Chưa hết, để nuôi heo mau lớn, người nuôi còn sử dụng cả loại thuốc tích nước có gốc corticoid, dexamethason. Nếu sử dụng phải loại thịt này nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu… rất nguy hiểm. Sử dụng thịt heo bị tiêm thuốc an thần tích lũy lâu ngày sẽ tác hại đến thần kinh, đãng trí, lờ đờ, mệt mỏi, run tay, trầm uất kể cả mất ngủ.

Gà vịt cũng bị tăng trọng

Theo một số cán bộ thú y,  gà, vịt sống từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ hiện nay cũng thường được tăng trọng bằng cách bơm xác đậu, xác mì vào bầu diều. Gà, vịt tập kết đến các điểm bán trên địa bàn TP.HCM lại được bơm tiếp thêm 1- 2 lần trước khi đem bán. Bằng cách làm này, mỗi con gà, vịt khi bán đến tay người tiêu dùng sẽ có thêm trọng lượng từ 200 g - 300 g. Thịt gia cầm bày bán xung quanh các chợ tự phát, chợ lề đường cũng bị bơm nước để tăng trọng lượng và tạo cho miếng thịt căng phồng, mập mạp...
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo Nguyễn Hải - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X