Hay bị giật ở sau tai phải và nhói lên, bệnh gì AloBacsi ơi?
Trong 2 tiếng tư vấn cùng bạn đọc AloBacsi, BS Lan Hương cũng nhận và trả lời rất nhiều thắc mắc của bạn đọc gọi điện về cho chương trình. Mời bạn theo dõi nội dung tư vấn ngày 17/9.
Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:
- Vũ Đại, 23 tuổi
Cháu chào BS,
5 ngày nay thi thoảng cháu hay bị giật ở sau tai phải và nhói lên. Mong BS có thể chuẩn đoán giúp cháu với ạ. Cháu cảm ơn bác!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Nếu em không có kèm bất kỳ triệu chứng nào khác (như sốt, nhức đầu, chảy mủ tai, nghe kém...) thì có thể đây chỉ là do mỏi cơ, căng cơ, thiếu vi khoáng chất (canxi, magie, kali, vitamin B).
Em cần nghỉ ngơi, điều chỉnh lại tư thế ngồi/nằm cho đúng, nếu thấy căng cơ vùng vai gáy nhiều thì xoa bóp, day ấn, bổ sung thêm vi khoáng chất kể trên (có trong các loại vitamin mua ngoài nhà thuốc). Nếu có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào kèm theo thì cần phải vào viện kiểm tra.
- Cao Tiến Sỹ - Hà Nội
BS ơi cho em hỏi: Hội đồng xác định chết não là gì? Ở nước ta những bệnh viện nào có Hội đồng xác định chết não ạ? Em cám ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào bạn,
Chết não là tình trạng não bị tổn thương không hồi phục và nặng đến mức phản xạ thở, nhịp tim mạch, phản xạ đồng tử và các phản xạ sống khác không còn nữa. Để duy trì chức năng thở, tim mạch thì người bệnh cần đến máy thở, thuốc vận mạch...
Tuy nhiên có hồi sức tốt thì người chết não cũng chỉ tồn tại tối đa là 5 - 6 ngày, trung bình từ 2 - 4 ngày. Hội đồng khoa học xác định chết não hoạt động độc lập, thường gồm 3 chuyên gia thuộc hồi sức cấp cứu, nội - ngoại thần kinh, và một chuyên gia để mở có thể do thủ trưởng cơ quan quyết định.
Do vậy, bất kỳ bệnh viện thuộc tuyến trung ương nào có đủ 2 chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nội ngoại thần kinh thì có thể lập thành hội đồng.
- T.V Thành, 25 tuổi
Chào BS,
Em bị khó thở khi hít vào nửa năm nay. Em hít vào cảm giác cạn hơi, hơi nông không sâu và phải căng người để hít, khó chịu nhất khi ăn no.
Em đã đi khám nhiều nơi, Đông Tây y kết hợp, chụp xquang, chụp cắt lớp phổi, đo chức năng hô hấp, điện tim, lấy khí máu động mạch, siêu âm tim, siêu âm vùng cổ, xét nghiệm máu tuyến giáp và toàn thân… đủ hết ạ. Và cũng có vài chẩn đoán sơ bộ, kê thuốc nhưng không thấy giảm. Em rất hoang mang. Mong BS tư vấn. Em cảm ơn BS.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào bạn,
Khó thở có thể do nguyên nhân bệnh lý (có tổn thương thực thể) hay không phải bệnh lý (khó thở cơ năng). Em đã làm đầy đủ các xét nghiệm kiểm tra, có cả các xét nghiệm cao cấp, tất cả đều bình thường thì em có thể tạm thời yên tâm là em không có bệnh lý tổn thương thực thể nào cả, khó thở ở đây là khó thở cơ năng mà thôi.
Những nguyên nhân gây khó thở cơ năng như thừa cân, rối loạn lo âu, stress, ít vận động thể lực, thay đổi môi trường sống (ô nhiễm, nhiều khói bụi, không gian kín ngột ngạt...), do rối loạn vận động dạ dày...
Trước mắt, em cần bình tĩnh lại, thay đổi một số điều sau: giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục (các bài tập thở như yoga, chạy bộ...), xem lại môi trường sống, hạn chế thức khuya, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe, hạn chế lo lắng, không ăn quá no cũng như để bụng quá đói, không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu, cay chua. Sau 1 thời gian bệnh sẽ cải thiện dần. Càng lo lắng, càng khó trị.
- Quyền Linh, 14 tuổi – Thái Bình
Thưa BS,
Cháu 14 tuổi, cao 1.64m, nặng 48kg. Cháu muốn sau này hết dậy thì cháu có chiều cao là 1.80m thì cháu phải tập luyện vào ăn những gì ạ? Giờ không biết sao cháu có hiện tượng bong da tay và chân, không đau rát gì. Cháu chưa dùng thuốc gì cả. Mong BS tư vấn.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Giai đoạn tăng chiều cao nhanh nhất và dễ kích thích tăng chiều
cao nhất là giai đoạn dậy thì, tức dao động quanh mốc 12 - 13 tuổi nếu em là nữ
và 14 - 15 tuổi nếu em là nam.
Để có thể đạt mốc chiều cao tối đa của cơ thể, em cần tích cực tập luyện thể lực (bóng rổ, bóng chày, bơi lội, tập gym...), kết hợp với chế độ ăn giàu dưỡng chất, tăng cường bổ sung thêm canxi qua sữa, thuốc bổ sung canxi dùng hàng ngày.
Tuy nhiên, chiều cao còn phụ thuộc yếu tố di truyền, do đó dù phối hợp tốt cả 2 yếu tố trên thì cũng không ai có thể khẳng định em có thể đạt được mốc 1.80m khi hết dậy thì hay không. Hơn nữa sự tăng chiều cao diễn ra trong thời gian dài, tính theo năm chứ không phải ngày 1 ngày 2 là thấy được kết quả.
Còn vấn đề bong da tay da chân thì có thể do da khô, do vẩy nến... cần phải khám bác sĩ da liễu mới kết luận chắc chắn được.
- Huong Nguyen
Xin chào AloBacsi,
Tôi đang rất băn khoăn một vấn đề về nghiện ma túy. Bạn trai tôi trước đây là một người nghiện, hiện anh ấy không hút chích thường xuyên, đi làm và mọi vấn đề khác thì khá bình thường. Tuy nhiên tôi vẫn có nghi ngờ thỉnh thoảng anh ấy vẫn sử dụng ma túy, có thể là lắc hoặc ma túy đá. Tôi muốn chứng minh điều mình nghi ngờ bằng việc dùng que thử nước tiểu. Xin hỏi, không biết cách thử này có đảm bảo tính chính xác và thời gian người sử dụng ma túy bao lâu thì vẫn phát hiện được? Tức là nếu anh ấy sử dụng cách đây 1 tháng thì bây giờ tôi thử có phát hiện ra được không, vì tôi biết anh ấy không sử dụng thường xuyên? Que thử này thì tôi có thể mua ở đâu? Nếu phương pháp sử dụng que thử không chính xác thì liệu có biện pháp nào hữu hiệu hơn không? Phương pháp thử máu thì như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn?
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào bạn,
Que thử ma túy tổng hợp có bán ngoài nhà thuốc lớn, có thể phát hiện được ma túy đá, cần sa, thuốc lắc, thuốc phiện, bạn có thể mua tại đây. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phát hiện được sự hiện diện của ma túy trong cơ thể của người có sử dụng ma túy.
Vì trong 24 giờ đầu ma túy đá chỉ có trong máu (không tìm thấy trong nước tiểu); trong 24 - 96 giờ (từ 2 - 4 ngày) thì xuất hiện trong nước tiểu (không tìm thấy trong máu) và sau 96 giờ (sau 4 ngày) thì không tìm thấy ma túy cả trong nước tiểu lẫn trong máu.
Ít khi có dân nghiện ma túy nào mà dùng ma túy cách mỗi 1 tháng, ráng lắm là vài ngày đã “nhớ”, đó cũng là ma lực của ma túy. Và với đối tượng có sử dụng ma túy, nên kiểm tra HIV, viêm gan B, viêm gan C định kỳ hàng năm.
- Le Hung – sieunhan…@icloud.com
Chào BS,
Cách đây 3 tháng cháu bị điếc đột ngột và đã được điều trị ở BV Tai Mũi Họng TW. Khi ra viện sức nghe của cháu có cải thiện nhưng cứ có tiếng ù ù trong tai. Cháu muốn hỏi là có khi nào cháu bị tái phát không ạ? Lắm lúc cháu thấy tai cháu nặng nặng nữa ạ.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comEm ơi,
Em đã được chẩn đoán và điều trị như thế nào (dùng thuốc, ráy tay, vá nhĩ...), điều trị trong thời gian bao lâu, BS có hẹn em tái khám hay dặn dò gì không. Vì chúng tôi cần những thông tin trên mới nắm rõ bệnh tình của em mà tư vấn cụ thể được.
- Quang Truong, 23 tuổi
Thưa BS,
Em bị 1 số triệu chứng như: đau nhẹ hai bên bẹn, nhức mỏi các cơ sau đùi, nhức phía sau xương mu. Xin BS tư vấn, em phải làm gì để giảm các triệu chứng đau đó ạ? Em cảm ơn BS rất nhiều.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Giảm đau thì rất dễ, chỉ cần dùng thuốc giảm đau là xong, các thuốc giảm đau có thể mua ngoài nhà thuốc như paracetamol, ibuprofen, ultracet... hay chườm ấm cũng có tác dụng giảm đau.
Nhưng việc quan trọng hơn là xác định nguyên nhân gây đau để điều trị đánh vào nguyên nhân đó thì mới trị dứt điểm được. Tính chất đau của em chưa rõ để định khu cơ quan nào tổn thương, như thần kinh cơ hay cơ quan vùng chậu... Do đó, em cần khám bác sĩ để được kiểm tra và điều trị thích hợp.
- Phạm Hương, 30 tuổi – Hải Dương
Chào BS,
Em mới cắt amidan bằng máy cao tần cách đây gần 1 tháng. Sau khi hết đau giờ em thấy cuối lưỡi xuất hiện những mụn nhỏ gần bằng hạt đậu xanh, màu đỏ,không đau và có cảm giác khó chịu như vướng gì đó. Em cũng không bị sốt hay đau gì cả. BS cho em hỏi em bị như vậy là sao ạ? Có phải ung thư khoang miệng không? Em rất sợ. Xin BS giúp em ạ.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Ở cuống lưỡi bình thường có nhiều loại nhú lưỡi, đó là nụ thần kinh vị giác, là tổ chức lympho của lưỡi, có màu đỏ, không đau. Em được cắt amidan thì thường amidan đã bị viêm tái đi tái lại làm kích thích tổ chức lympho ở cuống lưỡi và thành sau họng hơi phì đại gây nuốt vướng, sau 1 thời gian sẽ hết.
Khi quyết định cắt amidan thì BS cũng đã tầm soát ung thư vòm họng cho em rồi, không có gì mới cắt, em yên tâm.
Nhớ giữ ấm vùng hầu họng, tránh uống nước lạnh, tránh môi trường ô nhiễm khói bụi, nên súc miệng bằng nước muối mỗi ngày trước và sau khi ngủ dậy để tránh viêm họng, vì thành sau họng không chỉ có amidan, cắt bỏ amidan rồi nhưng giữ gìn họng không kỹ vẫn có thể viêm họng như thường.
- Dan – dan…@yahoo.com
Kính thưa BS,
Em vừa phát hiện bệnh lao da qua 1 vết thương ở cẳng chân có tiết dịch và bắt đầu điều trị. Xin hỏi BS bệnh lao da này có lây nhiễm cho người nhà không? Xin hướng dẫn em cách giữ gìn vệ sinh, cách sinh hoạt để không lây cho những người xung quanh? Xin cảm ơn!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào bạn,
Trực khuẩn lao được đưa đến da từ cơ quan nội tạng hoặc hiếm hơn từ bên ngoài. Hay nói cách khác, ít khi có lao da đơn thuần, mà lao da thường đi kèm với các thể lao khác, như lao phổi, lao hạch...
Nếu lao da kèm lao phổi thì sự lây nhiễm cho người khác chủ yếu qua đường hô hấp nhiều hơn, người bệnh cần đeo khẩu trang liên tục trong những tháng đầu điều trị.
Nếu chỉ lao da đơn thuần, hay lao da kèm lao khác không phải ở phổi thì khả năng lây nhiễm cho người lành từ chất dịch rỉ ra từ sang thương là rất thấp, không lây qua đường hô hấp nên người bệnh không cần phải đeo khẩu trang hay cách ly, chỉ cần chăm sóc tốt vết thương chủ yếu để ngừa bội nhiễm thêm vi trùng.
Với các sang thương lao ở da thì khó lành hơn vết thương thông
thường khác, khi điều trị thuốc lao đúng phác đồ thì vết thương mới khô dần và
lành hẳn, nhưng thường để lại sẹo xấu.
Việc chăm sóc vết thương trong giai đoạn rỉ dịch chú ý là vệ sinh hàng ngày với nước muối sinh lý, dung dịch sát khuẩn povidine pha loãng, đắp gạc khô không buộc quá chặt tránh thiếu máu nuôi chi. Chú ý khi có biểu hiện sưng nóng đỏ đau, chảy mủ thì phải tái khám bs ngay.
- Hạnh Phúc – hanhphuc…@gmail.com
Chào BS,
Em vừa bị tai nạn khi chơi trò chơi. Em có đi BV chấn thương chỉnh hình thì BS nói em bị gãy đốt D11. Sau đó BS chỉ cho em uống thuốc giảm đau và cho em về nằm 1 chỗ ở nhà. Nhưng em nằm 2 tuần hơn vẫn chưa hết đau. Xin hỏi BS có cách điều trị nào khác không? Em không thấy BS ở BV cho em thuốc gì về xương cho mau liền cả? Và cho em hỏi em có BHYT nhưng BV vẫn không nhận, em phải đi khám theo dịch vụ ngoài giờ. Vậy em làm sao để được khám chữa bệnh bằng BHYT? Mong BS tư vấn dùm em.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Trường hợp của em là nứt xương, hay gãy lún, gãy có di lệch, gãy kèm trật khớp hay không? Em đã khám bv chấn thương chỉnh hình là nơi đầu ngành về mảng này rồi, nếu BS cho y lệnh chỉ dùng thuốc giảm đau và nghỉ ngơi, thì nhiều khả năng là em chỉ bị nứt xương mà thôi.
Thời gian đầu sẽ đau nhiều, nếu thuốc giảm đau chưa đủ mạnh thì em có thể tái khám để được chỉnh lại thuốc. Còn về thuốc mau liền xương thì cho đến nay không có thuốc nào được khoa học chứng minh có hiệu quả cả, ngay cả thuốc bổ sung thêm canxi người ta cũng thấy không tăng khả năng lành xương có ý nghĩa, chủ yếu là nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất là được.
Về vấn đề BHYT thì nếu em nhập viện trong tình trạng cấp cứu thì BV nào cũng sẽ thụ lý, nhưng nếu không phải cấp cứu thì muốn hưởng BHYT thì cần có giấy chuyển của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu có in trên thẻ BHYT của em.
- Minznguyen…@gmail.com
Thưa BS,
Môi cháu sưng, rát, có
những nốt nhỏ li ti mọc viền môi. BS có thể tư vấn giúp cháu đây là bệnh gì và
chữa trị như thế nào không ạ?
Chào em,
Hình ảnh em gửi về cho chúng tôi rất mờ, tôi không nhìn thấy được “những nốt nhỏ li ti trên viền môi” nào cả. nhưng nhìn chung thì thế này, nếu em có sử dụng các sản phẩm dưỡng da, sữa rửa mặt, son môi nào lạ gần đây, thì coi chừng là dị ứng rồi, cần phải ngưng ngay.
Nếu mụn nước mọc thành chùm gây đau rát nhiều thì coi chừng là Herpes. Khả năng nào cũng cần phải khám bs da liễu để được kê thuốc bôi thích hợp. Trong thời gian này hạn chế tối đa ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, nhớ uống nhiều nước, nên bổ sung thêm vitamin C, PP mỗi ngày sẽ mau khỏi bệnh hơn.
- Phương Thảo – phuongthao…@gmail.com
BS ơi cho cháu hỏi,
Cháu bị khó thở và cơ thể mệt mỏi, đau đầu. Cháu đi khám và xét nghiệm máu thì bình thường nhưng họng bị viêm, khi nuốt cháu thấy sợ nhưng lại không đau họng. BS cho cháu hỏi liệu cháu có sao không? Chỉ viêm họng vì sao người cháu mệt vậy ạ? Cám ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Khi cơ thể có cơ quan nào bị viêm nhiễm thì đều gây khó chịu toàn thân, tùy cơ địa mỗi người mà các biểu hiện này nhiều hay ít, thường gặp là mệt mỏi, đau cơ (trong đó có đau đầu), hơi thở nóng (hay sốt)...
Nếu ở người nữ cơ thể vốn suy nhược hay thiếu cân, thiếu máu từ trước thì sẽ mệt nhiều hơn. Em cần uống thuốc theo hướng dẫn của BS, ăn uống đầy đủ chất, nhớ uống thật nhiều nước để thanh lọc, ăn nhiều rau xanh và trái cây, nếu được nên bổ sung thêm vitamin C mỗi ngày, nghỉ ngơi ngủ đủ giấc thì bệnh sẽ mau khỏi. Trong quá trình điều trị nếu mệt nhiều hơn, cần phải tái khám lại ngay.
- Mạnh Hưng - hungnd…@gmail.com
Thưa BS,
Cháu hay bị buồn nôn buổi sáng khi đánh răng và thường xuyên viêm họng. Do tính chất công việc cháu hay phải uống rượu, bia nhưng khi uống cháu thấy nóng ran trong bụng và đi ngoài. Cháu ăn đồ nhiều mỡ hoặc chua là cháu đau bụng đi vài lần xong là hết đau. Hôm qua cháu uống hơi nhiều cả này hôm nay cháu thấy đầy bụng và buồn nôn. Vậy có phải cháu bị dạ dày không ạ?
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Nhiều khả năng là em có vấn đề về đường ruột, trong đó có dạ dày. Những yếu tố làm nặng hơn tình trạng bệnh là việc đánh răng không đúng (chọc sâu vào thành sau họng thì sẽ kích thích phản xạ nôn, viêm họng), uống rượu bia (ảnh hưởng cả lên hệ gan mật tụy và đường ruột), dầu mỡ (khó hấp thu), căng thẳng đầu óc.
Em nên khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra và điều trị thích hợp, đồng thời cũng phải điều chỉnh lại công việc của mình nếu muốn giữ sức khỏe tốt và không tái phát bệnh sớm.
- chumai…@gmail.com
Thưa BS,
Em muốn xin tư vấn về việc tiêm vacxin phòng cúm trước khi mang bầu. Tháng 5 vừa rồi em có đi tiêm phòng cúm trước khi mang bầu. BS có dặn tháng 6 năm sau mới tiêm nhắc lại vì vacxin có tác dụng trong 1 năm. Tuy nhiên, vợ chồng em lại thay đổi kế hoạch, đến khoảng tháng 6 năm sau mới mang bầu. Như vậy thì thời gian có tác dụng của văcxin đã hết, mà nếu tiêm mới thì phải kiêng sau 3 tháng đúng không ạ? Vậy em muốn hỏi rằng em có thể đi tiêm nhắc lại vắcxin phòng cúm vào tháng 2/2016 được không? Tiêm “đè” như vậy có được không ạ? Em xin trân trọng cảm ơn!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Vắc xin chủng ngừa cúm thay đổi mỗi năm tùy thuộc vào chủng
virus cúm mùa của năm đó. Năm nay em chích loại vắc xin A thì năm sau em sẽ
chích loại vắc xin B.
Nếu dự định tháng 6/ 2016 mới mang bầu thì trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 của năm 2016, em chích lại vắc xin ngừa cúm lúc nào cũng được ngay khi cơ sở y tế nhập loại vắc xin cúm mới cho năm 2016.
- Phát Thu – Thanh Hóa
Em chào BS,
Em có mẹ già 70 tuổi bị đau ngực nhiều năm nay. Có đi khám ở BV huyện, BS khám bảo thiếu máu cơ tim có cho thuốc về uống nhưng không thấy đỡ. Vừa rồi có ra BV tỉnh khám được BS ở đây siêu âm tim thì có kết quả như sau: HoHL nhẹ, HoC nhẹ, HoBL (+). Chức năng tâm thu thất trái trong giới hạn bình thường. Màng ngoài tim không có dịch.
Xin BS cho em biết bệnh tình như vậy có nguy hiểm nhiều đến tính mạng không? BS có cho 3 loại thuốc là: PAQ-10, Domitral 2,5mg, Vastarel MR Tab 35mg. Vậy các loại thuốc trên đã đủ để điều trị chưa? Uống hết có thể tự đi mua để uống dài ngày được không? Mong BS cho em lời khuyên. Cám ơn BS rất nhiều!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.comChào em,
Kết quả siêu âm tim ghi cụ thể ra như sau: Hở van tim 2 lá nhẹ, Hở van động mạch chủ nhẹ, Hở van tim 3 lá nhẹ, Chức năng tâm thu thất trái trong giới hạn bình thường, màng ngoài tim không có dịch.
Với người 70 tuổi thì kết quả siêu âm tim này bình thường.
Nhưng đừng hiểu nhầm là thiếu máu cơ tim thì siêu âm tim phải bất thường, vì bệnh lý nằm ở cơ tim, tùy mức độ thiếu máu làm cơ tim hư hại đến đâu mới gây biến đổi cấu trúc và chức năng tim được.
Bệnh thiếu máu cơ tim là bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, loạn nhịp tim, hay nhẹ nhàng nhất là khó chịu cho người bệnh làm giảm chất lượng sống.
Người bệnh uống thuốc mà vẫn còn đau ngực nhiều là thuốc không đủ để điều trị rồi, em cần đưa mẹ tái khám hoặc tìm 1 bác sĩ chuyên khoa tim mạch uy tín để được chỉnh thuốc phù hợp hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình