Hậu đại dịch COVID-19, thay đổi xu hướng tiêu dùng thực phẩm nâng cao sức khỏe
Đây là một trong những thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại chương trình hội thảo khởi động năm 2023 diễn ra vào sáng ngày 7/1, do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tổ chức với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”.
1. Xu hướng dinh dưỡng và sức khỏe năm 2023
Hội nghị thực hiện dưới cả hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, quy tụ trên 600 đại biểu là các chuyên gia về tiêu hóa, dinh dưỡng, thực phẩm tham gia đến từ 15 tỉnh thành với nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, kéo dài đến 13g nhưng vẫn còn đông đủ người tham dự. Để có được sự thành công này, bên cạnh công tác tổ chức chuyên nghiệp, nội dung chất lượng của hội thảo là dấu ấn quan trọng nhất.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM chia sẻ: “Liên chi Hội Thực phẩm TPHCM là đơn vị đầu tiên trong Hội Y học TPHCM mở màn trong năm mới 2023 bằng một chương trình khoa học. Với hai hình thức tổ chức song song, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các cán bộ y tế ở địa phương trên toàn quốc cùng tham gia.
Qua đó sẽ cập nhật thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới. Đồng thời có cơ hội để tìm hiểu thêm những công nghệ mới trong việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng nhằm chiết suất được hàm lượng cao nhất, góp phần tạo cơ hội tăng thêm chọn lựa cho cán bộ y tế để giúp người bệnh, người cần nâng cao sức khỏe giải quyết được vấn đề rất quan trọng đó là hấp thu và an toàn”.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM chia sẻ phát biểu khai mạc hội nghị
Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cho biết thêm, hội nghị lần này tập trung vào hai nội dung chính. Một là xu hướng về thực phẩm và can thiệp dinh dưỡng sức khỏe năm 2023. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của các vi chất dinh dưỡng và các yếu tố vi lượng, đặc biệt là các hợp chất sinh học trong việc nâng cao sức khỏe, can thiệp dinh dưỡng ở cấp độ tế bào.
Hai là đề cập đến vấn đề phổ biến - rối loạn hấp thu và không dung nạp lactose, tình trạng này không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn ở người trưởng thành. Chuyên gia đánh giá, đây thực sự là hai chủ đề phức tạp và cũng là bài toán rất khó với với các nhà Nhi khoa, Tiêu hóa và cả Dinh dưỡng, “bởi chúng ta phải vừa tìm hiểu được nguyên nhân, vừa phải đưa ra được những giải pháp can thiệp phù hợp”.
Cũng trong dịp này Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 với nhiều hoạt động sôi nổi và nhiều thành tích được ghi nhận. BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp thông tin, bên cạnh hội thảo dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa, năm 2023, LCH còn rất nhiều hội nghị đang chờ đón phía trước, đặt ra các chủ đề thiết thực như Can thiệp dinh dưỡng trong bệnh lý ung thư; Can thiệp dinh dững cho Nhi khoa; Béo phì; Sữa và các tiến bộ công nghệ trong sản xuất sữa; Thực phẩm chức năng, đặc biệt tập trung vào hợp chất sinh học…
Chương trình được thực hiện qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút khoảng 600 người tham dự
2. Vi chất nào cho tuổi thọ, sức đề kháng, trí nhớ và cảm xúc?
Hội nghị khoa học với 5 chủ đề liên quan đến ứng dụng vi chất dinh dưỡng và các yếu tố sinh học nhằm chủ động nâng cao sức khỏe và điều trị bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, hấp thu lan tỏa thông điệp chính là tập trung vào can thiệp dinh dưỡng ở mức độ tế bào theo vòng đời nhằm chủ động nâng cao sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, lão hóa khỏe mạnh.
Trong đó, BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM sẽ chia sẻ những kiến thức đúc kết nhiều thập kỷ qua chủ đề “Cập nhật xu hướng ứng dụng yếu tố vi lượng trong thực phẩm nâng cao sức khỏe”.
Chuyên gia nêu bật vấn đề, sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể và thúc đẩy rất nhanh xu hướng tiêu dùng thực phẩm nâng cao sức khỏe. Theo khảo sát của công ty Mintel, cứ 5 người thì có 3 người tiêu dùng toàn cầu tăng nhu cầu sử dụng thực phẩm và đồ uống nhằm cải thiện hệ miễn dịch. Có đến 54% người tiêu dùng toàn cầu trong thời gian đại dịch đã chủ động tự học về các yếu tố dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng.
Thế giới tiếp tục đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống và dân số già ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tăng nhu cầu đối với các thực phẩm tăng cường vi chất có thể cải thiện và duy trì sự cân bằng dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe trong cả vòng đời đã và đang tăng nhanh trên toàn cầu.
Thực tế này đã khuyến khích các nhà khoa học trong các ngành dinh dưỡng, dược phẩm, thực phẩm nghiên cứu sâu về nguyên liệu, về các quá trình hóa lý phức tạp xảy ra trong thực phẩm, về công nghệ bổ sung vi chất dinh dưỡng, chất sinh học vi lượng với mức độ sáng tạo và chất lượng cao để tăng khả dụng sinh học của các hoạt chất sinh học có giá trị nhằm hỗ trợ phòng ngừa các bệnh liên quan đến lối sống như ung thư, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đột quỵ...
Xu hướng dinh dưỡng và sức khỏe năm 2023 được BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp cho thấy, thế giới dịch chuyển về dinh dưỡng dựa trên thực vật là sử dụng chất chiết xuất thực vật, đồng thời bổ sung vi chất dinh dưỡng, hợp chất thực vật, và microbiome với mục tiêu bổ sung chính nhằm nâng cao sức khỏe miễn dịch, lão hóa khỏe mạnh, tăng cường chất lượng giấc ngủ, cảm xúc, kiểm soát cân nặng. Về mặt quản lý, chuyên gia nhấn mạnh cần cá thể hóa dinh dưỡng, tăng cường trách nhiệm dinh dưỡng và ứng dụng công nghệ thực phẩm mới.
Trong đó, ứng dụng các vi chất dinh dưỡng mới các mục đích sức khỏe mới dựa trên chứng cứ khoa học. Điển hình như vi chất hỗ trợ tăng tuổi thọ gồm có selenium, vitamin C, vitamin E, coenzyme Q10, NMN (nicotinamide mono nucleotide). Vi chất hỗ trợ kiểm soát năng lượng - tập luyện, cho thấy có vai trò của vitamin B1, B2, B6, B12, biotin, calcium, niacinamide, valine, leucine, isoleucine, lecithin, caffein, royal jelly. Vi chất hỗ trợ tăng sức đề kháng như vitamin A, B6, B9, B12, C, K2, D3, Biotin, Cu, Se, sắt, Zn, Mg, bromelain, beta glucan, probiotics… Vi chất hỗ trợ trí nhớ và cảm xúc như vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12, C, E, Se, Sắt, Zn, gingo billoba, citicholine…
Đặc biệt, đi sâu vào góc độ công nghệ thực phẩm cũng như ở góc độ sản phẩm thực phẩm chức năng, BS.CK2. Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng, các nghiên cứu trong tương lai tập trung vào các phương pháp công nghệ, thiết kế thực phẩm và mối quan hệ giữa việc giải phóng các thành phần có hoạt tính sinh học (ví dụ phát triển vi nang cho các hợp chất hoạt tính sinh học để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng loại thực phẩm ứng dụng), dinh dưỡng cá nhân hóa, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường cũng là vấn đề đáng quan tâm và cũng góp phần hình thành ngành dược phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng.
Vấn đề này cũng được PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đề cập đến trong bài báo cáo “Yếu tố vi lượng và công nghệ trong thực phẩm nâng cao sức khỏe”.
Cả hai chuyên gia cũng nêu lên thực trạng còn tồn đọng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, trong đó có sắt, kẽm iod, vitamin còn tồn tại dai dẳng. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia gần nhất được công bố, có gần 60% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm, gần 20% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu. Trong khi đó, các chiến lược bổ sung kẽm, sắt, iod trong thực phẩm ở Việt Nam thông qua bổ sung các vi chất này vào bột mì và một số thực phẩm còn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.
Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng thường gặp ở các nhóm đối tượng nguy có cao là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, người cao tuổi, người chế độ ăn không cân đối, ăn kiêng, người bị bệnh mạn tính. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng thể chất mà còn tăng nguy cơ nhiều bệnh lý cả nhiễm trùng và không nhiễm trùng, làm giảm sức đề kháng, gây suy dinh dưỡng và tạo vòng xoắn bệnh lý.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến "hidden hunger" - nạn đói vi chất dinh dưỡng thầm lặng. Đây là khái niệm mới được FAO đưa ra, bởi vì sự thiếu hụt bên ngoài dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương có thể quan sát thấy, trong khi đó nếu tình trạng này diễn ra bên trong sẽ khó nhận diện. Đáng lưu ý là, tình trạng này lại phổ biến ở những quốc gia như Việt Nam.
Một khía cạnh khác trong bài báo cáo cũng cho thấy khả năng ứng dụng các vi chất trong các sản phẩm. Nhất là vai trò của khoa học - công nghệ thực phẩm tương đối quan trọng, bởi vì các vitamin, phytochemicals rất nhạy cảm với nhiệt độ và thời gian xử lý. Nếu không có phương án xử lý phù hợp sẽ không bảo tồn được hợp chất, điều này dẫn đến tình trạng, dù cho có bổ sung cũng sẽ thất thoát hoặc mất hoạt tính.
Cuối cùng, để giải quyết tình trạng thiếu hụt vi chất, các chuyên gia nhấn mạnh, cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối và phù hợp cá thể ngay từ khi mới ra đời chứ không nên để đến khi có nguy cơ mắc các rối loạn dinh dưỡng mới quan tâm.
3. Không dung nạp đường lactose ảnh hưởng đến khoảng 75% dân số thế giới
Các báo cáo trong hội nghị cũng đã chứng minh mối liên hệ giữa việc sử dụng thường xuyên các chất hóa thực vật (ví dụ như polyphenol, anthocyanin, proanthocyanidins, flavonol, carotenoid, lycopene, phytosterol…), probiotic, symbiotics & postbiotic và phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây.
Đặc biệt trong hai bài báo cáo “Rối loạn hấp thu và vai trò ứng dụng của probiotics-prebiotics” của PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM và “Điều trị rối loạn hấp thu lactose” của BS.CK2 Hoàng Thị Tín - Nguyên Trường Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Nhi Đồng 1, các chuyên gia nhấn mạnh, rối loạn hấp thu và không dung nạp lactose là tình trạng bệnh lý phức tạp, có thể gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Để điều trị kịp thời, việc phối hợp các chuyên khoa Tiêu hóa, Dinh dưỡng, Sinh hóa… là rất cần thiết.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM
Trong đó, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, trong điều trị bệnh lý rối loạn hấp thu ngoài việc điều trị tùy theo từng nguyên nhân cụ thể thì hiện nay đã có thêm cách tiếp cập nữa, đó là probiotics và prebiotics. Chuyên gia nhận định, đây là điều trị phụ trợ thêm, một hướng đi mới tác động lên hệ khuẩn chí đường ruột và hàng rào ruột. Hiện, bước đầu có những kết quả khả quan trên một số dưỡng chất.
Liên quan đến rối loạn hấp thu lactose, BS.CK2 Hoàng Thị Tín mang đến bài báo cáo hấp dẫn không kém. Theo đó, lượng đường lactose là đường đặc hữu chỉ có trong sữa của động vật, không có trong thực vật. Điều thú vị là tỷ lệ đường lactose trong sữa mẹ cao nhất (7%), hơn hẳn so với sữa heo hay sữa dê.
Ước tính có khoảng 70-75% dân số thế giới bị không dung nạp đường lactose. Điều không may là tình trạng này rất phổ biến ở người châu Á, mặc dù thời thơ ấu không xảy ra vấn đề, nhưng tình trạng này sẽ gia tăng ở độ tuổi càng lớn nếu sử dụng một lượng lớn đường lactose cùng lúc.
BS.CK2 Hoàng Thị Tín - Nguyên Trường Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Nhi Đồng 1
Các triệu chứng kém hấp thu đường lactose chỉ xảy ra sau khi cơ thể tiêu thụ thực phẩm từ sữa như đau bụng (thường xung quanh hoặc dưới rốn), đầy hơi, xì hơi, tiêu chảy (thường phân lỏng, sủi bọt và nước), nôn (điều này chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên).
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, cần thận trọng với bệnh nhân “tự chẩn đoán”, cho rằng bản thân có vấn đề bất dung nạp. Hiện nay, có nhiều cận lâm sàng để chẩn đoán cho bệnh nhân, trong đó cơ bản nhất là uống một lượng đường lactose lớn, sau đó quan sát các triệu chứng xảy ra hoặc đo lượng hydro trong hơi thở. Ngoài ra còn có thể đo lượng pH trong phân.
Về điều trị, chuyên gia nhấn mạnh, rối loạn hấp thu lactose là sự mất cân bằng giữa hoạt tính men bản thân đang có và lượng đường ăn/ uống vào. “Bất dung nạp đường lactose không có nghĩa là người bệnh không sở hữu một chút men nào, câu trả lời là có nhưng lượng men này không đủ so với lượng đường ăn vào. Như vậy, chúng ta chỉ cần chia nhỏ lượng đó ra hoặc bổ sung men vào bằng nhiều cách sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cao hơn, giúp người bệnh vẫn có thể cảm nhận, thưởng thức vị ngon của sữa, sữa chua hoặc các sản phẩm từ sữa. Lưu ý, cần được bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ chọn loại sữa và và cách thức sử dụng phù hợp tình trạng bệnh lý” - BS.CK2 Hoàng Thị Tín cho biết.
Chương trình nhận được nhiều câu hỏi từ người tham dự, hấp dẫn đến giờ phút cuối cùng. Dù quá trưa, đại biểu tham dự trực tiếp đều nán lại để lắng nghe các kiến thức hữu ích từ các Thầy, các Cô
Người tham dự chụp hình lưu niệm cùng các báo cáo viên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình