Hà Nội: Người đàn ông bị đột quỵ sau 3 năm mất ngủ kéo dài
Khó ngủ, ngủ không sâu giấc và chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng mỗi đêm trong gần 3 năm nay, ông N.V.H (68 tuổi) có kết quả chụp MRI cho thấy bị nhồi máu não cấp bán cầu phải.
Ông N.V.H ngụ tại Hà Nội gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ, do sợ tác dụng phụ của thuốc tây nên ông chỉ uống thảo dược. Sau 2 tuần gần đây, ông H thức trắng đêm, mệt mỏi và ăn uống kém, triệu chứng tê bì tăng nặng nên ông đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Sau khai thác tiền sử bệnh lý, được biết người bệnh gặp tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc và chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng mỗi đêm trong gần 3 năm nay.
Ngay khi khám lâm sàng cho ông H, các bác sĩ khoa Thần kinh - Đột quỵ đã nghi ngờ dấu hiệu của đột quỵ não và lập tức chỉ định người bệnh chụp MRI. Toàn bộ quy trình chẩn đoán chỉ diễn ra trong khoảng 45 phút kể từ khi tiếp nhận người bệnh. Kết quả MRI cho thấy, người bệnh bị nhồi máu não cấp bán cầu phải.
Kết quả chụp MRI cho thấy người bệnh bị nhồi máu não cấp bán cầu phải. Ngày 20/11, BS.CK2 Nguyễn Duy Hiền, khoa Thần kinh - Đột quỵ cho biết người bệnh bị đột quỵ não kèm mất ngủ, giải thích thêm “dù chưa thể khẳng định mất ngủ trực tiếp dẫn tới đột quỵ não nhưng thiếu ngủ kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ”. Mất ngủ không điều trị cũng có thể dẫn đến nhiều bệnh như rối loạn lo âu, suy giảm trí nhớ, tăng huyết áp, rối loạn nhịp, nhồi máu cơ tim…
Người bệnh được sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thúc đẩy tuần hoàn não và thuốc dinh dưỡng để bảo vệ tế bào não. Song song phác đồ điều trị đột quỵ, người bệnh dùng thêm thuốc có nguồn gốc thảo dược để chữa rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh nhằm nâng cao thể trạng, đáp ứng phác đồ điều trị. Các chuyên gia tâm lý cũng hỗ trợ người bệnh để cải thiện mất ngủ.
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt nửa người cải thiện đáng kể, người bệnh đi lại bình thường. Thời gian ngủ tăng lên 4 - 5 giờ mỗi đêm, ngủ ngon, sâu giấc hơn. Người bệnh xuất viện và sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ.
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến bao gồm khó ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc, không đủ thời lượng, thức dậy vào ban đêm, dậy quá sớm vào buổi sáng, ngủ ngày… Giấc ngủ giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi, tái tạo năng lượng, đảm bảo các hoạt động hàng ngày và giữ trạng thái tinh thần tốt. Trí nhớ, hiệu suất học tập, làm việc cũng được nâng cao khi ngủ đủ giấc.
Bác sĩ Hiền dẫn nghiên cứu trên 31.000 người, công bố trên Tạp chí Y khoa Mỹ, cho thấy những người có triệu chứng mất ngủ, khó ngủ hoặc thức dậy quá sớm dễ có nguy cơ đột quỵ hơn. Nguy cơ cao hơn nhiều ở người dưới 50 tuổi.
Mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với stress, mệt mỏi… có thể làm tăng quá mức các gốc tự do. Các gốc tự do tấn công toàn bộ cơ thể nhưng tập trung nhiều tại các nơi tiêu thụ nhiều oxy như mạch máu não. Từ đó thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa, huyết khối cản trở máu lên não. Các mảng xơ vữa này dày lên tạo thành cục máu đông gây bít tắc mạch. Lúc này thiếu máu xảy ra, gây đột quỵ.
Để ngăn ngừa đột quỵ, bác sĩ Hiền khuyến cáo mọi người ăn uống lành mạnh, sinh hoạt hợp lý, dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, 7 - 8 giờ mỗi đêm. Không ăn quá no trước khi ngủ, hạn chế sử dụng caffein sau 14h.
Người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ tuyệt đối không tự ý lạm dụng thuốc an thần, nên đến bác sĩ khám và điều trị sớm. Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị đột quỵ não nếu có dấu hiệu méo miệng, tê yếu tay chân hoặc nửa người, nói khó…
Người có yếu tố nguy cơ cao đột quỵ như tiền sử gia đình có người gặp tình trạng này, từng bị đột quỵ trước đó, cao huyết áp, mắc bệnh tim, cholesterol trong máu cao, béo phì, tiểu đường… nên chủ động tầm soát sớm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình