Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 4 trên thế giới
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h51 sáng 13/1, Hà Nội xếp thứ 4 trong danh sách thành phố ô nhiễm của IQAir.
Cụ thể, với với chỉ số AQI ở mức 198, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ - không lành mạnh.
Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu nâu - nguy hiểm, ở mức 328, tiếp theo là quận Tây Hồ với mức 304.
Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Tại Việt Nam, theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h45 phút sáng 13/1 thuộc về thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) và Thái Nguyên với chỉ số AQI lần lượt ở mức 263 và 230, màu tím chất lượng không khí rất xấu.
Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước ở thời điểm sáng 13/1 là tại thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) với chỉ số chất lượng không khí ở mức 14, mức Tốt.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình