Giáo sư Pamela Weathers: Cây thanh hao hoa vàng có hoạt tính chống COVID-19
Báo Tiền Phong chủ nhật ra ngày 9/5/2021 có dịch tin thế giới, về loài thực vật có hoạt chất chống được virus COVID -19 nhưng nhầm cây thanh hao hoa vàng thành cây ngải cứu. CTV của Tiền Phong tại Mỹ đã thực hiện phỏng vấn giáo sư Pamela Weathers là chuyên gia tầm cỡ thế giới chuyên nghiên cứu về cây thanh hao hoa vàng (còn có tên là “ngải hoa vàng”, “thanh hao hoa vàng” – artemisia annua) hoạt chất được chiết xuất từ cây này – artemisinin, thuốc chống sốt rét và một số bệnh khác.
Bà giành được học vị tiến sỹ ngành thực vật học tại Đại học Michigan năm 1974. Một phần ba trong số hơn 100 bài báo khoa học của bà chuyên nghiên cứu sâu về loài thảo dược này. Bà có 3 bằng sáng chế và 2 bằng khác đang chờ được công nhận.
Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Worcester, bang Massachusetts, bà còn tham gia rất nhiều hoạt động khoa học trên toàn thế giới.
+ Thưa giáo sư Weathers, nghiên cứu của GS và đồng nghiệp về cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua – thanh hao hoa vàng, ngải hoa vàng) cho thấy khả năng tiềm ẩn của loài thảo dược này có thể chữa trị được Covid-19. Có thể nói đây là “thần dược” nếu như số ca lây nhiễm tăng nhanh như ở Mỹ trong năm qua, nhất là ở những quốc gia điều kiện y tế còn hạn chế, vắc-xin chưa đến được với từng người dân. Xin bà chia sẻ thông tin về đề án nghiên cứu này: lí do, thành viên, thời gian và kết quả nghiên cứu.
- Vâng, từ các tài liệu khoa học, tôi biết rằng thảo dược này có hoạt tính chống virus, vì thế khi dịch COVID bắt đầu hoành hành vào năm ngoái tôi đã tìm đọc tài liệu và phát hiện một bài báo vào năm 2005 khi dịch SARS, hay còn gọi là COVID -1 xảy đến. Tài liệu nghiên cứu của người đi trước quả thật là tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Trong những công trình nghiên cứu, các nhà khoa học tìm kiếm phương thuốc chống SARS và đề cập tới cây thanh hao hoa vàng (Artemia annua). Tôi thấy các kết quả nghiên cứu được công bố nên tôi nghĩ một khi loài thảo dược này có thể chống được COVID-1 thì nó cũng có thể chống được COVID-2, tức là COVID-19.
Vấn đề tiếp theo là kết nối với những nhà khoa học cùng chung mục đích và hướng nghiên cứu. Tôi được hai cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Worcester (WPI) giới thiệu với các nhà khoa học ở Đại học Columbia vì chúng tôi không có đủ trang thiết bị để làm thí nghiệm phân tích tại Đại học Bách khoa Worcester. Nghiên cứu này đòi hỏi phòng thí nghiệm có an toàn sinh học cấp độ 3 (BSL3).
Hơn nữa, Đại học Columbia rất giàu kinh nghiệm nghiên cứu về virus và trên 20 năm nghiên cứu HIV. Họ rất quan tâm và chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu chiết xuất của cây thanh hao hoa vàng (ngải hoa vàng/thanh hao hoa vàng).
“Chiết xuất” thực ra là chế nước sôi vào lá khô như ta pha trà. Đây là phương pháp
truyền thống mà hầu hết người dân các nước đang phát triển sử dụng cây thuốc này. Lấy 5 gam lá khô (trà thanh hao hoa vàng) cho vào một lít nước sôi, đun khoảng 10 phút, để nguội, chia đều làm ba phần uống vào buổi sáng, trưa và tối. Đó cũng chính là phương pháp truyền thống người ta sử dụng ngải hoa vàng để trị sốt rét.
Sau khi thu thập dữ liệu ban đầu về hoạt tính chống SARS-CoV-1, chúng tôi có thêm một cộng sự từ Đại học Washington, Seattle - giáo sư Steve Polyak, tham gia nghiên cứu cơ chế hoạt động bằng cách sử dụng “giả virus”(pseudo virus). “Giả virus” là một loại virus có nhiều đặc tính tương tự như virus gây bệnh, nhưng ít nhiều đã bị mất đi khả năng gây hại, ví dụ như COVID-19, để chúng ta có thể nghiên cứu cơ chế hoạt động của nó một cách an toàn trong phòng thí nghiệm có cấp độ an toàn 2 và 3 (BSL2 và BSL3). Điều này làm cho thí nghiệm an toàn và dễ dàng hơn.
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hai chủng virus phổ biến nhất, từ Vương Quốc Anh và từ Nam Phi. Cây thanh hao hoa vàng đã có hiệu quả chống lại tất cả virus: virus nguyên bản và hai biến thể từ Anh và Nam Phi. Vật liệu chúng tôi dùng để nghiên cứu là các mẫu lá lấy từ bốn châu lục: Châu Á (Trung Quốc), châu Phi, Nam Mỹ (Brazil) và Bắc Mỹ (Hoa Kỳ), hiện đang có trong phòng thí nghiệm của tôi. Một số mẫu lá đã có 12 năm tuổi, vẫn có tác dụng chống virus rất tốt.
+ Cơ chế hoạt động của chiết xuất từ cây ngải hoa vàng như thế nào? Bằng cách nào loại dược liệu này tác động lên virus?
- Trà thanh hao hoa vàng không có khả năng ngăn chặn virus thâm nhập vào tế bào. Đó là kết quả nghiên cứu do phòng thí nghiệm của giáo sư Steve Polyak cho thấy.
Tuy nhiên, thảo dược này có thể ngăn chặn được khả năng nhân rộng của virus bên trong tế bào. Vì thế, nếu virus không thể tạo ra virus mới, về cơ bản là chúng đã bị tiêu diệt. Trà thanh hao hoa vàng dường như tác động lên virus một khi nó đã ở bên trong tế bào. Điều này không giống với cơ chế hoạt động của một số dược phẩm khác.
Cần lưu ý rằng, trà thanh hao hoa vàng không phải là vắc-xin. Đó là thuốc chữa bệnh. Thảo dược này có thể có khả năng phòng bệnh, tuy nhiên chưa có tài liệu đầy đủ và công bố chính thức.
+ Xin GS giải thích rõ hơn về thuật ngữ “chiết xuất” trong nghiên cứu của mình? Đó có phải là một quy trình chế biến không?
- Không, rất đơn giản, giống như pha trà. “Chiết xuất” chính là đối tượng chúng tôi nghiên cứu trực tiếp. Ban đầu chúng tôi định dùng phương pháp tách dung môi nhưng điều này gây ra nhiều vấn đề khi phân tích kết quả thí nghiệm. Sau đó, chúng tôi thử chiết xuất bằng cách nhúng lá cây vào nước sôi như pha trà (tách nước). Kết quả cho thấy phương pháp này rất hiệu quả và làm thí nghiệm dễ dàng hơn. Ai cũng có thể làm được.
Cá nhân tôi cũng uống trà này. Tuy nhiên, tôi không thích vị của cây này. Nó rất đắng, nên tôi tán lá khô thành bột, cho vào viên con nhộng, rồi uống. Bạn có thể mua online máy làm thuốc con nhộng cũng như vỏ thuốc với giá không đắt lắm. Phương pháp chiết xuất truyền thống vẫn là chế nước sôi như pha trà.
+ GS đã nói cây này là thuốc chữa bệnh chứ không phải vắc-xin. Tuy nhiên, từ trải nghiệm cá nhân của GS về công dụng cũng như kết quả nghiên cứu, liệu cây này có thể dùng để phòng bệnh không? Nó có thể tăng cường khả năng chống đỡ trước khi virus có cơ hội tấn công vào tế bào hay không?
- Đúng vậy, 5 gam trong một lít nước là liều thuốc chữa bệnh hiệu quả nhất, nhưng tôi biết chúng tôi không thể công bố chính thức vì chưa có dữ liệu đã được kiểm chứng.
Tuy nhiên, cá nhân tôi và nhiều người khác đã trải nghiệm dùng cây này như một
cách ngăn ngừa COVID. Chúng tôi dùng hàng ngày, một viên con nhộng chứa 1 gam lá khô tán nhỏ và không bị nhiễm Covid ngay cả khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID.
Đây không phải là vắc-xin. Nếu nó có chức năng phòng bệnh thì không phải là nó tạo ra chất kháng thể như cơ chế hoạt động của vắc-xin, mà là vì nó diệt virus một cách nhanh chóng khi virus thâm nhập vào cơ thể. Nhanh đến mức bạn không cảm thấy là bạn đã từng bị nhiễm.
Cây này mọc ở đâu? Theo nghiên cứu thì mẫu lá được lấy về ở 4 châu lục: Châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Cây này mọc ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam và trên cao nguyên, tỉnh Lâm Đồng, nơi khí hậu ôn đới?
Thông thường bạn có thể thấy cây này mọc như cây dại, nhưng ở Mỹ thì người ta trồng trong vườn. Tôi cũng trồng trong vườn nhà và thu hoạch hàng năm phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Người ta trồng để kinh doanh ở một số bang như Massachusetts, Florida và Kentucky. Có thể còn ở một số nơi khác. Nhưng đó là ba nơi tôi biết.
Cây này chắc chắn có rất nhiều ở Việt Nam. Theo tôi biết là người Việt đã dùng cây này chống sốt rét trong thập kỉ 60-70.
+ Chiết xuất của cây ngải hoa vàng được sử dụng để chế tạo thuốc chống sốt rét ở Việt Nam từ những năm 80. Khi dịch mới bắt đầu hoành hành, nhiều người khuyến cáo dùng thuốc chống sốt rét để điều trị Covid -19. Khi đó khuyến cáo này không mấy thuyết phục. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây ngải hoa vàng có tính năng chữa cả hai loại bệnh. Người ta có thể dùng cây này/thuốc artemisinin để điều trị tại nhà, thể nhẹ, trước khi đến bệnh viện hay không?
- Tôi không nghĩ rằng người ta đã được xét nghiệm việc sử dụng thuốc chống sốt rét để trị Covid. Tôi cũng không biết một công trình nghiên cứu nào về tác dụng của thuốc chống sốt rét đối với Covid.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, cũng như một số dự án nghiên cứu khác, thì người ta cũng dùng thuốc artemisinin, artemsian, artesunates, v.v... Một số thuốc cũng có hiệu quả nào đó, nhưng cây thanh hao hoa vàng hiệu nghiệm hơn hẳn.
+ Bà có lời nhắn nhủ gì với bạn đọc Việt Nam giữa đại dịch này?
- Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng ngải hoa vàng rất an toàn. Tôi dùng nó hàng ngày, vì một lí do nữa là nó chống được bệnh lyme, căn bệnh do bị côn trùng đốt. Tuy nhiên, cũng không có dữ liệu được kiểm chứng, mà chỉ là trải nghiệm cá nhân. Cá nhân tôi và rất nhiều người dùng nó hàng ngày như một phương pháp phòng bệnh. Cây này an toàn, đa số người sử dụng không bị tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số người có thể buồn nôn, tiêu chảy, ngoài ra không có gì nguy hiểm.
Cũng có thông tin sai lệch, đặc biệt là từ các bộ y tế của nhiều quốc gia, ngay cả các nước thuộc EU. Họ cho rằng ngải hoa vàng là độc dược nhưng không phải như vậy. Tôi cho rằng họ nhầm lẫn với một số loài ngải, ví dụ: Artemisia absinthium có thể là độc dược, nhưng Artemisia annua - thanh hao hoa vàng thì rất an toàn.
Thứ hai, cây này không phải là vắc-xin, nó là thuốc chữa bệnh.Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu, còn đang chờ kết quả thử nghiệm trên cơ thể người. Thứ ba, cách sử dụng thanh hao hoa vàng hiệu quả nhất là phương pháp truyền thống, chế nước nóng vào lá khô như pha trà, rồi uống nước.
Tôi không khuyến cáo phương pháp nào khác, ví dụ, rang/sao thường ở nhiệt độ cao, chúng ta không biết cách đó có phá huỷ chất nào không. Còn phương pháp truyền thống là cách chúng tôi thấy có hiệu quả và đã báo cáo kết quả nghiên cứu này.
Theo NGUYỄN MINH PHƯƠNG - Đại học Massachusetts, Boston -Tiền Phong online
Link gốc: https://tienphong.vn/cay-thanh-hao-hoa-vang-co-hoat-tinh-chong-covid-19-post1349718.tpo
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình