Hotline 24/7
08983-08983

Gia tăng bệnh đột quỵ

Mỗi năm tại TPHCM có hơn 19.000 người mắc căn bệnh trên, trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong. Điều đáng nói là người bị đột quỵ đang dần trẻ hóa.

Phải nhờ người thân nâng lên, cánh tay trái của anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, ngụ Tân Uyên, Bình Dương) mới giơ cao lên được. Nửa người bên trái của anh cũng gần như liệt hoàn toàn… Nhập BV Nhân dân 115 hôm 15/9 đến nay, anh Bình đang trong tình trạng can thiệp tai biến mạch máu não (còn gọi đột quỵ) nguy hiểm… Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm tại TPHCM có hơn 19.000 người mắc căn bệnh trên, trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong. Điều đáng nói, các chuyên gia y tế nhận định số người bị đột quỵ đang trẻ hóa.
 
Tắc mạch máu não tưởng bị... dị ứng

Ngủ dậy chuẩn bị đi cạo mủ cao su, anh Bình bỗng thấy trong người khó thở, chân tay bủn rủn, tê dại. Đứng dậy đi được vài bước thì té chúi đầu xuống đất và bất tỉnh. Hôm 15/9 vừa qua, người nhà đã đưa anh cấp cứu khẩn cấp và nay thì liệt gần hoàn toàn nửa người bên trái, miệng méo xệch. “Lâu nay có bệnh tình gì đâu, ai ngờ bỗng dưng thế này. Đầu hôm đi ngủ thấy tay chân bên trái tê tê tưởng là ăn phải món gì dị ứng. Ngờ đâu đó là dấu hiệu đột quỵ”, anh Bình nói lớ đớ.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Phượng (41 tuổi, ngụ Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM) đang phải nằm cấp cứu tại khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115. Vốn là nội trợ, công việc hàng ngày chỉ là lo dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, thế nhưng hôm 14/9 vừa rồi chị bỗng lên cơn huyết áp, xây xẩm mặt mày. Người nhà tưởng chị trúng gió đưa đi cấp cứu nhưng qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ cho biết bị tai biến mạch máu não, huyết khối làm tắc động mạch não.

Bác sĩ BV Nhân dân 115 siêu âm cho bệnh nhân bệnh lý mạch máu não

Bác sĩ BV Nhân dân 115 siêu âm cho bệnh nhân bệnh lý mạch máu não
 
Riêng anh Trần Thanh Tài (38 tuổi, ngụ Dầu Tiếng, Bình Dương) thì khó tin được mình bị đột quỵ. Là thanh niên khỏe mạnh, lại làm lò bánh mì nên sức khỏe mọi ngày của anh khá tốt. Vậy nhưng cách nay hơn 3 tháng, đang lúc làm việc anh Tài rùng mình, mặt đỏ gay, tay chân tê dại. Được người nhà đưa đến Trung tâm y khoa Hòa Hảo nhưng chưa kịp khám đã bất tỉnh và nhập BV Nhân dân 115 cấp cứu với chẩn đoán tắc động mạch não giữa bên phải… Ghi nhận tại khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 sáng 17/9 cho thấy đông nghẹt bệnh nhân điều trị nội trú do đột quỵ. Người thì bất tỉnh hôn mê, người liệt toàn thân, người liệt tay, chân, người mất tri giác và ngôn ngữ…

BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Trưởng khoa, cho biết đang điều trị nội trú cho hơn 160 bệnh nhân, trong đó chiếm gần 10% là bệnh nhân trẻ trên dưới 40 tuổi. “Có người bị nặng, người bị nhẹ nhưng bệnh lý mạch máu não là rất nguy hiểm và nếu không can thiệp kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Thắng nói.

Tại các bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đại học Y Dược TPHCM, Chợ Rẫy cũng quá tải với bệnh nhân liên quan bệnh lý mạch máu não, nhất là các trường hợp đột quỵ. Bác sĩ Trần Chí Cường, êkíp can thiệp thần kinh BV Đại học Y Dược, cho biết đột quỵ vốn dĩ khá phổ biến ở người lớn tuổi nhưng nay có xu hướng gia tăng trẻ hóa. Dù quy mô nhỏ, cơ sở chật hẹp nhưng theo bác sĩ Cường, mỗi tháng bệnh viện cũng can thiệp trên 50 ca bệnh lý mạch máu não, trong đó có cả những trường hợp 20 tuổi, 30 tuổi.

Theo các chuyên gia về bệnh lý mạch máu não, những năm gần đây số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ ở độ tuổi trẻ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7% lên 3%. Trong đó tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. “Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ thường nằm trong độ tuổi từ 50 - 60 trở lên thì nay đang trẻ hóa dần, từ 40 - 45 tuổi, thậm chí ở độ tuổi 20 - 30”, BS Trần Chí Cường cho biết…
 
Ảnh hưởng lối sống

Trong số phần lớn bệnh nhân đột quỵ ở nam giới, các chuyên giá đánh giá đa số có hút thuốc lá, bia rượu hoặc tiền sử bệnh cao huyết áp. Bệnh nhân Trần Thanh Tài cho biết đã hút thuốc lá hơn 20 năm nay, bình quân mỗi ngày hết nửa gói. Trong khi đó, công việc nặng nhọc cộng với áp lực cuộc sống cũng là nguy cơ gây đột quỵ ở nữ giới. Dù rằng, theo các chuyên gia y tế, nữ giới có tỷ lệ đột quỵ thấp hơn nam giới nhưng xu hướng ngày càng gia tăng. “Quá căng thẳng với việc cơ quan, việc nhà, con cái khiến một bộ phận phụ nữ có nguy cơ bệnh lý mạch máu não cao”, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng nói.

Cụ thể như sáng 17-9, bác sĩ Thắng đã phải đích thân siêu âm chẩn đoán cho bệnh nhân Nguyễn Thúy Mai (42 tuổi, ngụ phường 10, quận Tân Bình, TPHCM) bị tắc động mạch cảnh bên trái. “Tôi làm nghề buôn bán, thức khuya dậy sớm, lại chăm con nhỏ ăn học nên nhiều khi lo nghĩ nhiều. Ai dè bị bệnh thế này”, chị Mai than thở.

Qua các nghiên cứu gần đây của các bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM, cuộc sống công nghiệp với lối sống mất cân bằng đang khiến nguy cơ đột quỵ ngày càng cao. Công việc vất vả, thực phẩm nhiều chất béo, hóa chất độc hại, rượu bia, thuốc lá được xem là những yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh không lường trước được cho đến khi phát bệnh. Thậm chí khó nhận biết được dấu hiệu bệnh ban đầu.

Qua tổng kết của BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy cũng như một số bệnh viện khác, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người nhà coi đó là biểu hiện của bệnh khác, như trúng gió, lên cơn đau tim, hạ đường huyết và tự chữa như cạo gió, châm cứu mà bỏ qua việc cấp cứu trong thời gian đầu. Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo các dấu hiệu triệu chứng của đột quỵ như đột ngột yếu, liệt hoặc tê mặt, liệt tay hay chân, liệt một bên thân người, nhìn không rõ hoặc không nhìn thấy, đột ngột nói không được, nói lắp bắp khác thường… thì cần đi khám để phòng ngừa đột quỵ.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau tim mạch, ung thư. Hàng năm tại Việt Nam đột quỵ khiến 200.000 trường hợp mắc mới, trong đó gần 11.000 người chết và để lại nhiều dị tật cho số còn lại. Theo thống kê, cứ 45 giây, thế giới có 1 người bị đột quỵ, và 3 phút có 1 ca chết do đột quỵ. Đột quỵ đang ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới… Vì vậy, phòng ngừa, nhận biết và can thiệp sớm đột quỵ có ý nghĩa sống còn. Thông thường 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ là “thời gian vàng” vì khi đó các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Trong giai đoạn này, cứ một phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại khó phục hồi.
 
BS Trần Chí Cường

AloBacsi.vn
 Theo Tường Lâm - SGGP

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X