Hotline 24/7
08983-08983

Gặp người tử tù có công lớn làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm

Ông chính là người đã nổ “phát súng trên cao nguyên” ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm tại “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” được tổ chức ở Buôn Mê Thuột vào ngày 22/2/1957.

Ông Mười Thương

Tuy vụ ám sát không thành công, nhưng sự kiện này đã làm rối loạn, gây nghi kỵ, chia rẽ trong chính quyền và quân đội Diệm, dẫn đến cuộc chính biến 1/11/1963, Diệm - Nhu bị giết chết. Cuộc đời của ông ly kỳ không thua bất cứ bộ phim trinh thám nào.

Đến TP.Tây Ninh, hỏi thăm nhà ông Mười Thương, hầu như người dân nào cũng biết. Đến một ngôi nhà cấp 4 cũ, nằm giữa khu vườn rộng, trồng nhiều cây trái, một cụ già nhỏ người, đeo một chân giả ra đón tôi.

Đó chính là ông Hà Minh Trí (tức Mưởi Thương, tên khác Đinh Văn Phú), người tử tù từng gây chấn động Sài Gòn và nước Mỹ khi ám sát Ngô Đình Diệm và gây chia rẽ sâu sắc nội bộ chính quyền Sài Gòn.

Sáng tạo cách đánh địch

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Thế nhưng, một ngày sau khi Hiệp định được ký kết, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam là Ngô Đình Diệm đã ra lệnh treo cờ rủ trên toàn miền Nam, mở đầu cho kế hoạch phá hoại Hiệp định, quyết tâm chia cắt đất nước.

Trong khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng cách mạng còn nằm lại miền Nam chủ trương không bạo động, kiên trì đấu tranh chính trị đòi chính quyền Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, thì Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định, thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ.

Nhiều chiến sĩ cách mạng đã nghĩ ra một kế đánh địch mà không sợ vi phạm chủ trương chung, đó là giả danh giáo phái Cao Đài, Bình Xuyên để đánh Diệm. Nhiều chi đội, tiểu đoàn mang danh Cao Đài, Bình Xuyên nhưng thực ra là người của cách mạng được thành lập ở Bà Rịa -Vũng Tàu, rừng Sác và bắt đầu đánh những trận lớn gây tiếng vang dọc theo sông Soài Rạp.

Một chiến sĩ cách mạng ở Bà Rịa -Vũng Tàu còn tính chuyện “làm ăn” lớn khi lên kế hoạch tham gia lính Cao Đài để có điều kiện tiếp cận, hòng ám sát cho bằng được kẻ bán nước Ngô Đình Diệm. Người đó tên là Đinh Văn Phú, sau này được cả thế giới biết đến với cái tên Hà Minh Trí khi đã cảm tử thực hiện vụ ám sát Ngô Đình Diệm tại “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” tại Buôn Mê Thuột.

“Đón” Diệm ở Tây Ninh

Được tổ chức phân công, Đinh Văn Phú rời khỏi Đội Biệt động N2 ở Vũng Tàu, về vùng đất thánh địa của đạo Cao Đài với nhiệm vụ trở thành tín đồ Cao Đài để có điều kiện tiếp cận, ám sát Ngô Đình Diệm. 

Cũng giống như nhiều địa phương khác trên toàn miền Nam, tại tỉnh Tây Ninh, hàng trăm cán bộ kháng chiến bị chính quyền Diệm bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu, cầm tù. Lãnh đạo cách mạng ở tỉnh Tây Ninh quyết định không đứng yên chờ chết, mà phải hành động. Người được giao nhiệm vụ tối mật, cực kỳ nguy hiểm này không ai khác hơn là Đinh Văn Phú, tức tín đồ Cao Đài Triệu Thiên Thương.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, có 2 giáo phái giương cờ chống Pháp là Hòa Hảo và Cao Đài. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm lộ rõ bản chất bán nước, ôm gót ngoại bang, các giáo phái nói trên cũng chống Diệm.

Cùng lúc với việc đàn áp, bắt bớ, tù đày, giết hại những người cộng sản, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc tấn công lớn vào lực lượng võ trang Hòa Hảo ở miền Tây và chiến dịch chinh phạt lực lượng võ trang Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh.

Lực lượng võ trang Cao Đài vốn không được tổ chức tốt, lại bị CIA Mỹ dùng tiền mua chuộc một số nhân vật lãnh đạo, nên đã dễ dàng thất bại trước sự tấn công của quân đội Diệm. Cuối năm 1955, quân đội Việt Nam Cộng hòa tấn công vào chiến khu Cao Đài ở Tây Ninh.

Sau một thời gian cầm cự, Hộ pháp Phạm Công Tắc (người đứng đầu Cao Đài Tây Ninh) chạy sang Cao Miên. Phần lớn binh sĩ Cao Đài buông súng xin quy hàng, số còn lại tản mác về vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục chiến đấu chống Diệm và tan rã dần.

Ngay sau đó, Ngô Đình Nhu tổ chức cho “Ngô tổng thống” đích thân lên Tây Ninh để xoa dịu và cũng là để dằn mặt các tín đồ Cao Đài còn có xu hướng chống Diệm. Thông tin cuộc thân chinh đi Tây Ninh của Ngô Đình Diệm đến với những nhà lãnh đạo cách mạng tỉnh Tây Ninh. Tín đồ Triệu Thiên Thương được giao nhiệm vụ tổ chức “đón tiếp” Ngô Đình Diệm bằng 1 khẩu súng tiểu liên và mấy quả lựu đạn.

Ông Phú và các đồng đội chỉ biết chuyến đi diễn ra trong tháng 10, còn ngày giờ cụ thể thì mờ tịt. Các ông chỉ biết theo dõi động thái của chính quyền Diệm ở Tây Ninh để phán đoán tình hình. Kết thúc tuần lễ đầu của tháng 10, các ông bỗng thấy chính quyền Diệm triển khai tuần tra, kiểm soát người ra vào thị xã Tây Ninh nhiều hơn bình thường.

Nhận định Diệm sắp đến Tây Ninh, ông Phú và đồng đội tăng cường theo dõi. Nhưng sau nhiều ngày trực chiến mà không có bất cứ động tĩnh gì, các ông đành rút quân. Những ngày cuối cùng của tháng 10 sắp đi qua, các ông nghĩ rằng tin mật báo về chuyến đi của Diệm lên Tây Ninh có lẽ không chính xác.

Bất ngờ, trưa 28/10, khi ra đường dò la tin tức, các ông thấy 1 đoàn xe có cảnh sát hộ tống dày đặc từ trung tâm thị xã chạy về hướng Sài Gòn. Thì ra Diệm đã bí mật đến Tây Ninh lúc sáng sớm, không có tiền hô hậu ủng, làm việc xong là về ngay. Anh lính Cao Đài Triệu Thiên Thương chỉ biết tiếc rẻ nhìn theo đoàn xe trên ấy có Ngô Đình Diệm.

Diệm thoát chết tình cờ

Từ ngày về chấp chính ở Sài Gòn, đêm Giáng Sinh nào Diệm cũng cùng gia đình đến Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hành lễ như một con chiên ngoan đạo. Chuẩn bị kỳ Giáng Sinh năm 1956, Nhà thờ Đức Bà trang hoàng lộng lẫy hơn hẳn mọi năm để chào đón con chiên đặc biệt Ngô Đình Diệm.

Một kế hoạch giả làm con chiên ngoan đạo để vào nhà thờ và tiếp cận Ngô Đình Diệm được ông Phú và đồng đội triển khai. Phương án tấn công là: Ông Phú cùng 1 đồng đội trà trộn vào ngồi hàng ghế thứ 3 (hàng thứ 1 dành cho gia đình Diệm, hàng thứ 2 cho bộ máy chính quyền Diệm), chỉ cách Diệm khoảng 2 - 3m, mỗi người 1 khẩu súng ngắn.

Bên ngoài ở đầu đường Catinat có 2 đồng đội sẵn sàng yểm trợ bằng cách khi nghe tiếng súng nổ thì cắt cầu dao trạm biến điện và tung lựu đạn khói để 2 chiến sĩ bên trong thoát thân.

Đêm Giáng Sinh cuối cùng rồi cũng đến. Ngay từ chiều tối, ông Phú đã vào vị trí “hàng thứ 3”. Thế nhưng, tới 23h45, khi tiếng chuông nhà thờ đã gióng lên liên hồi báo hiệu giờ Giáng Sinh đã đến, mà trên đường Catinat vẫn yên ắng, không có dấu hiệu nào cho thấy có một yếu nhân đang chuẩn bị đến nhà thờ hành lễ.

Ông Phú không thể ngờ rằng, kế hoạch đi dự lễ Giáng sinh của Ngô Đình Diệm bất ngờ bị thay đổi vào phút chót. Thay vì đến hành lễ tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Ngô Đình Diệm đã lên đường trực chỉ hướng huyện Đức Huệ - tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc Long An) để dự lễ Giáng Sinh.

Vì sao Ngô Đình Diệm lại cất công đến tận biên giới xa xôi dự lễ Giáng Sinh thay vì làm chuyện đó ở tại trung tâm Sài Gòn? Sự tình cờ ngẫu nhiên đó là do một phút ngẫu hứng của viên quận trưởng quận Đức Huệ, đồng hương Quảng Bình với Ngô Đình Diệm.

Trong số mấy trăm ngàn dân miền Bắc bị các thế lực phản động dụ dỗ, khống chế di cư “theo Chúa vào Nam”, có khoảng 1.000 người được đưa đến huyện Đức Huệ. Họ đến định cư ở các “khu trù mật” dọc theo biên giới.

Tay quận trưởng Đức Huệ lúc đó muốn “bắt quàng làm họ” với gia đình họ Ngô. Do vậy, một lần nghe viên thiếu tá tỉnh trưởng cho biết “Ngô tổng thống” khuyến khích các địa phương xây dựng các “khu trù mật” có người dân di cư thành khu dân cư “kiểu mẫu”. Ai làm được điều đó, đích thân tổng thống sẽ đi thăm và tưởng thưởng.

Tay quận trưởng vốn ranh mãnh, đã chớp thời cơ để lập công. Dịp tốt tới, trước lễ Giáng Sinh mấy bữa, thông qua tay tỉnh trưởng Hậu Nghĩa cũng đang rất muốn lập công, một bản báo cáo “khu trù mật lý tưởng” ở huyện Đức Huệ đã được trình lên Ngô Đình Diệm, trong đó có cả kế hoạch tổ chức lễ Giáng Sinh chu tất.

Sau này, ông Mười Thương cho rằng, nếu vụ ám sát Ngô Đình Diệm diễn ra ở Nhà thờ Đức Bà, khả năng thành công (giết chết Ngô Đình Diệm) sẽ rất cao vì ông ở sát mục tiêu. Còn ở “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” Buôn Mê Thuột sau đó, ông đứng cách xa Ngô Đình Điệm 20m…

Theo Song Kỳ  - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X