Fitobimbi - Những điều đọng lại sau hành trình đến với trẻ em vùng biên giới Campuchia
Chương trình thiện nguyện khám bệnh, tặng quà cho hơn 500 em nhỏ ở Tây Ninh do AloBacsi và Nhãn hàng Fitobimbi - Công ty Cổ phần Dược phẩm Delap phối hợp thực hiện đã khép lại, nhưng dư âm về chuyến đi vẫn còn đọng lại trong lòng các y bác sĩ và các thành viên của đoàn.
Cùng AloBacsi và Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM khởi xướng chuỗi Khám bệnh từ thiện “Hành trình vi chất: Đi khắp nẻo đường - Cùng con vững bước”, Công ty Dược phẩm Delap mong muốn góp sức mình vào hành trình cải thiện sức khỏe và tầm vóc thế hệ trẻ tương lai của đất nước. “Các vùng sâu vùng xa không phải là thị trường mục tiêu của nhãn hàng Fitobimbi và Dược phẩm Delap, nhưng chúng tôi muốn dành sự chia sẻ từ tâm tới trẻ em cũng như đồng bào nơi đây. Chúng tôi không coi đây là chương trình PR bán hàng, mà là trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước” - chị Lê Thanh Nội, TGĐ Công ty Cổ phần Dược phẩm Delap cho hay.
Xuất thân là Dược sĩ, người đứng đầu Công ty Dược phẩm Delap chọn đứng chốt ở điểm phát thuốc để xử lý kịp thời các tình huống. Ngay khi thấy phát sinh những loại thuốc không có trong danh mục đã chuẩn bị, chị lập tức cho người đi mua bổ sung để cấp đủ cho các bé. Hòa lẫn trong đám đông, lặng lẽ làm bất cứ việc gì để chương trình được vận hành trơn tru, không ai nghĩ chị là sếp, là người đứng đầu một doanh nghiệp là đối tác chiến lược của nhiều hãng dược uy tín tại châu Âu.
Ngoài phần thuốc men, vật tư y tế, công tác tổ chức, Delap còn chuẩn bị chu đáo những phần quà rất dễ thương và ý nghĩa cho các em. Dịp này, nhãn hàng Fitobimbi và Công ty còn dành tặng 6 hoàn cảnh khó khăn mỗi bé 1 triệu đồng và phần quà đặc biệt, AloBacsi cũng góp thêm 6 triệu đồng cho các bé.
Bé Nguyễn Thị Anh Thư (12 tuổi) là một trong những hoàn cảnh đặc biệt được nhận hỗ trợ. Nằm gọn một góc nhỏ trong hội trường, căn bệnh bại não khiến Anh Thư không thể chạy nhảy như bao trẻ khác. Khi mẹ em lựa chọn một cuộc sống khác, chỉ có ba và bà nội làm điểm tựa cho em. Thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào những đợt công phụ hồ bữa có, bữa không của ba.
12 năm nhọc nhằn, nhưng điều đó không làm bà nội bớt yêu thương em. “Cháu mình mà, đâu bỏ được. Thấy thương lắm, bị bệnh nhưng gì cũng biết. Khi đói biết đập vai bà nội cho ăn. Biết cầm sữa để uống”. Với bà, những cử chỉ đơn giản của Minh Thư là cả một thành tích lớn rất đáng để “khoe”.
BS Trịnh Ngọc Bình cho biết, nhờ sự chăm sóc tận tình của bà nội, khi thăm khám hầu như bé Thư không mắc các căn bệnh khác, vệ sinh thân thể rất tốt, chỉ cần bổ sung thêm thuốc bổ, vi chất dinh dưỡng và hướng dẫn thêm về chế độ ăn uống.
Rất nhiều bệnh nhi mắc các bệnh mạn tính phải gián đoạn việc điều trị vì kinh tế cạn kiệt như bướu máu trong gan, Thalassemia, bệnh tim bẩm sinh… Với những trường hợp này, ban tổ chức đã kết nối với Hội chữ thập đỏ và hướng dẫn gia đình đưa trẻ đến các BV Nhi ở địa phương hoặc TPHCM. Ngoài Bảo hiểm Y tế còn có sự trợ giúp từ các tổ chức xã hội, qua đó sẽ tiết kiệm được kinh phí điều trị, mở ra một cơ hội mới cho trẻ được đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn.
Bé Nguyễn Thị Năng (9 tuổi) bị dị tật dính ngón tay, ngón chân, không chỉ ảnh hưởng sinh hoạt mà còn tác động rất lớn đến tâm lý. BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp đã ghi lại số điện thoại, chỉ dẫn ba mẹ bé liên lạc với Bác sĩ chuyên tách, ghép ngón ở TPHCM để chữa trị cho em. BS Diệp cũng là người khám và kết nối điều trị phục hồi cho bé Võ Hoàng An (5 tuổi) bị điếc bẩm sinh nhưng do ba mẹ không biết để can thiệp sớm khiến em mất luôn khả năng nói.
Trong vai trò là PGĐ BV Nhi đồng Thành phố, ThS.BS Nguyễn Trần Nam bị “dí” nhiều nhất. Gặp các ca khó cần được điều trị lâu dài, các BS trong đoàn liền dắt đến chỗ BS Nam để kết nối, nhờ tìm cách chuyển viện. Còn các bệnh nhi thì thích được bác Nam khám lắm vì được bác cho nghịch ống nghe, được đập tay, được chơi ú oà… với bác sĩ.
Không chỉ có bà xã đi theo phụ đoàn, BS Nam còn có hai “đệ tử chân truyền” đang học lớp 5 và lớp 7, hăng say khiêng vác và phát quà cho các bạn. Nhìn cách hai bé ân cần trao quà, hỏi han các bạn, thấy thương lắm.
Bé Tô Tô - con trai BS Nha khoa Phan Bá Ngọc, cùng ba mẹ tham gia phát quà rất tích cực. Trước chuyến đi Tây Ninh, Tô Tô đã quyết định đập heo đất, lấy tiền lì xì để mua 2.000 cuốn tập tặng cho các bạn. Những tháng ngày Sài Gòn bị phong tỏa trong dịch COVID-19, Tô Tô cũng thường bê gạo, phân loại rau củ để tặng cho những gia đình khó khăn.
Nếu như nói, “con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”, “con cái là của để dành” thì các thành viên trong đoàn thiện nguyện đã có thể tự tin với “tấm gương” của mình và an lòng với “của để dành” này. (Trong ảnh: Con trai nhà báo Thái Tâm phụ trách đo chiều cao, cân nặng và hướng dẫn hàng trăm em nhỏ vào điểm khám).
Con gái BS Trịnh Ngọc Bình (thứ 3 từ phải qua) tham gia phát thuốc và thỉnh thoảng chạy lại phụ mẹ ghi toa, dẫn bệnh.
Quay cuồng trong buổi sáng với hơn 300 em bé cùng với chừng đó phụ huynh đi kèm, tới chiều, đoàn bác sĩ mới thảnh thơi hơn chút do trẻ em hai xã lân cận đi rải rác từ 1g-4g chiều. Đã đôi lúc muốn chốt lại để về thành phố cho sớm, nhưng không ai bảo ai, cố nấn ná chờ thêm từng bé: “Lỡ các con có tới trễ, không được khám thì tội lắm!”
Một trong những em bé tới khám cuối cùng là hai anh em mồ côi - Đỗ Gia Thiện (7 tuổi), Đỗ Gia Hân (6 tuổi). Bà nội của các bé không có xe chở đi nên mãi tới gần 4 giờ chiều mới nhờ được hàng xóm. Cô hàng xóm kể: “Trời sanh trời dưỡng bác sĩ ơi. Chỉ mình bà nội vừa kiếm cơm vừa chăm cháu thôi mà hai nhỏ ngoan lắm, lớn vù vù hà”.
Nhìn hai con, cả đoàn không khỏi rưng rưng. Người lớn ưu tư đủ thứ, chứ hai đứa nhỏ vẫn vui như Tết, cười híp mắt luôn, lon ton cầm bịch thuốc và quà theo chân cô hàng xóm ra về. “Tự nhiên thấy những khó khăn trong đời thỉnh thoảng mình gặp nhỏ bé quá” - một bác sĩ trong đoàn nói.
Tạm biệt các em bé nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc, dọc đường về thành phố, định ghé mua chút quà địa phương biếu các bác sĩ. Nhưng ai cũng nói: “thôi khỏi mua, để tiền đó mua thuốc, mua quà cho tụi nhỏ chuyến sau…”. Chưa kết thúc đã hẹn hò rồi đó, những chuyến đi thiện nguyện cứ vậy mà nối dài ra mãi!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình