“Dù chỉ sống một ngày, tôi vẫn sẽ cứu người đột quỵ”
Tạm gói lại những bộn bề của cuộc sống, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã trải lòng với AloBacsi như một người bạn về chuyện đời, chuyện nghề. Có lẽ, chưa bao giờ anh chia sẻ với giới truyền thông nhiều như thế.
Xây dựng bệnh viện không phải để cạnh tranh
Thưa TS.BS Trần Chí Cường, khi mở Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, ngay tại các bệnh viện ở TPHCM cũng cảm thấy đây là mối đe dọa, “ngắt” bệnh nhân ở tuyến miền Tây. Hoặc tại vùng ĐBSCL cũng cảm thấy bác sĩ và bệnh viện cướp “cần câu cơm” của họ. Anh có cảm thấy áp lực?
Đây không phải là áp lực. Tôi muốn dấn thân vào công việc này, vì chính tôi đã trải nghiệm sâu sắc nhất việc đào tạo một bác sĩ can thiệp thần kinh khó đến mức nào.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân và S.I.S Cần Thơ cạnh tranh với ai. Vì miền Tây là “vùng đen” về cấp cứu và can thiệp đột quỵ. Một năm có hơn 10.000 bệnh nhân đột quỵ, liệu họ sẽ đi đâu, về đâu?
Tôi xây dựng bệnh viện cũng chính vì các đồng nghiệp. Tôi không thể thức trắng đêm hay 1-2g sáng nhận cuộc điện thoại “Cường ơi, người nhà anh/chị/tôi ở miền Tây bị đột quỵ” mà không thể làm gì khác hơn.
Bác sĩ là người chúng ta luôn luôn cần đến. Có thể lúc mạnh khỏe thì không thích nhau nhưng khi bệnh tật, nếu người đó cứu được mình chẳng lẽ không tìm đến. Ngay cả tôi cũng vậy thôi.
Ông bà có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”, một đám cháy chỉ đang len lỏi, nếu phát hiện và chữa kịp thời chỉ cần một ly nước nhỏ cũng có thể dẹp được đám cháy. Nhưng để đến khi đã cháy cả cánh rừng thì làm sao có thể khống chế được. Đột quỵ cũng như đám cháy kia.
Vì vậy, theo tôi đối với người bác sĩ quan trọng nhất là lòng vị tha. Tôi nghĩ rằng, từ sâu thẳm trong lòng họ sẽ không bao giờ nghĩ tôi là người cạnh tranh. Tôi cũng cứu không ít bác sĩ tại chính bệnh viện này.
Tôi có thể thất bại, nhưng bệnh viện thì không. Xã hội yêu cầu quá lớn, nếu thất bại là do mình dở, là lỗi của mình chứ không phải ý tưởng hay định hướng sai.
Tôi sẽ làm tốt vai trò là người đứng phía sau, để khi bệnh nhân đến, có thể là bác sĩ hay người thân của họ lỡ chẳng may bị đột quỵ thì tôi sẵn sàng cứu chữa hết mình.
Làm được điều gì đó cho người bệnh là liều thuốc bổ tiếp thêm năng lượng cho BS Cường
Có thể làm một phép tính, với một bác sĩ có học hàm Tiến sĩ, nếu công tác TPHCM với lượng bệnh nhân đông và rất nhiều ca mổ, mỗi tháng anh có thể mang lại kinh tế vững chắc cho gia đình. Vậy việc đánh đổi tất cả để về Cần Thơ có làm anh hối tiếc? Hay sự hy sinh của người thân, anh có cảm thấy xứng đáng?
Thực sự, nếu chỉ nghĩ đến bản thân, thì tôi nghĩ đó là sự đánh đổi hoàn toàn xứng đáng. Nhưng nghĩ về gia đình tôi vẫn cảm thấy có lỗi. May mắn là tôi có sự hậu thuẫn và sự ủng hộ của người thân. Nhất là mẹ và vợ tôi đã thấu hiểu mục đích xây dựng bệnh viện. Biết là còn nhiều khó khăn nhưng mọi người luôn bên cạnh và ủng hộ hết mình.
Tôi từng chia sẻ với gia đình, dù sau này bệnh viện có thế nào thì trách nhiệm là của tôi chứ không liên quan đến ai. Tôi là người "sinh" ra nó thì sẽ chịu trách nhiệm đến cùng.
Nhưng tôi tin điều xấu nhất sẽ không xảy ra với bệnh viện. Bởi đã có một ý tưởng, mục đích tốt, bệnh nhân đông mà bệnh viện chỉ có 100-200 giường thì chắc hẳn sẽ có nhiều người cùng chung vai gánh vác để đưa đến thành công.
Hai lần không chết lửa, không chết nước
Thoạt đầu, mọi người sẽ nghĩ BS Cường rất hiền lành và gần gũi, nhưng nếu quen biết lâu sẽ nhận ra anh rất cứng đầu, không ai có thể cản nổi?
Cứng đầu có thừa và hiền lành cũng có thừa, nhưng 2 chuyện này không có gì mâu thuẫn cả. Cứng đầu đồng nghĩa với việc đã xác định được mục tiêu là phải làm cho bằng được. Đương nhiên, trước khi làm vẫn phải tính toán đủ đường và khi bắt tay triển khai thì dốc sức đến cùng.
Còn hiền lành mà mọi người nhắc đến có lẽ vì thấy tôi dễ dàng quý mến người khác. Không thể đánh giá một người qua vẻ bề ngoài hay bằng cấp, chức vụ của họ. Tôi quý họ vì nhân cách, chứ không phải dựa vào túi tiền, cũng không phải vì là nông dân hay người chạy xe ôm mà đối xử một kiểu, rồi kỹ sư, bác sĩ lại kiểu khác. Tôi nghĩ ai cũng sẽ có suy nghĩ như vậy.
Con trai của anh từng chia sẻ, trong nhà ba sợ nhất là bà nội. Anh nghĩ vì sao con anh lại nói như vậy? Mẹ anh có ảnh hưởng như thế nào về tính cách của anh?
Tôi nghĩ với cuộc đời mỗi người, mẹ là người ta gần gũi nhất. Tôi thật sự nể phục má. Bà là một người phụ nữ bình thường, không địa vị, không học rộng hay giàu sang, dù chỉ học hết lớp 3 nhưng tôi cảm nhận cách dạy con của bà thực sự tuyệt vời.
Má tôi luôn dạy con sống làm sao cho đúng lương tâm, không ăn cắp, lừa gạt người khác. Bà cũng không yêu cầu con cái phải làm ông nọ bà kia, miễn là cố gắng học hành đặng có cái nghề để sinh sống.
Câu nói của má làm tôi nhớ mãi: "Cha mẹ có thể cố gắng lo tiền bạc để nuôi ăn học, chứ không thể lo được tri thức và con có may mắn hơn là được đi học".
Khi nhắc đến mặt trái trong ngành y bà cũng rất nhẹ nhàng. Có bữa má tôi ẵm con đi khám bệnh bị bác sĩ nạt “Sao ngu quá vậy. Sao không để ở nhà chết luôn đi” hay "Lớn vậy rồi còn không biết bế con ngồi cho đúng hả?". Khi về nhà má chỉ tự trách mình vì không có kiến thức về bệnh tật của con chứ không oán nửa lời về bác sĩ. Bà nghĩ bác sĩ nói như thế cũng là tốt cho con mình.
Tôi lớn lên với nỗi thắc mắc sao bác sĩ lại nói như vậy? Sao bác sĩ không nhẹ nhàng hơn để người bệnh không bỡ ngỡ? Và không biết từ khi nào, ước mơ làm bác sĩ cứ lớn dần trong tôi.
Má tôi dạy rất nhiều về đối nhân xử thế trong xã hội mặc dù lời nói của bà không hoa mỹ gì cả. Khi còn trẻ, có lúc tôi bực bội và muốn đánh nhau nhưng má chỉ hỏi sao không tìm cách giải quyết vấn đề mà lại dùng đến bạo lực? Tôi đã ngẫm nghĩ rất nhiều.
Hồi xưa, ba tôi thỉnh thoảng la rầy vợ con. Đôi khi chỉ cần một mồi lửa gia đình sẽ lục đục và gây gổ nhau. Nhưng má tôi nói, cho dù thế nào thì cha vẫn là cha, không được phép phạm lỗi. Đó là chuyện của người lớn, của cha mẹ, con cái không có quyền xen vào. Tôi nhớ mãi lời má đến bây giờ.
Tính cách điềm tĩnh khi giải quyết mọi chuyện của má làm tôi rất nể. Chính vì má dạy như thế nên dù có chuyện gì tôi cũng tìm cách hòa hợp với gia đình, tránh những xung đột và xích mích không đáng có.
Anh cảm thấy thừa hưởng từ má anh điều gì nhiều nhất?
Chắc có lẽ là khả năng chịu đựng và ứng xử.
Kỷ niệm nào về tuổi thơ làm anh nhớ nhất?
Nói về kỷ niệm thì nhớ nhất là 2 lần chết hụt. Lúc đó tôi còn nhỏ nên câu chuyện này chỉ được nghe má kể thôi.
Lần đầu tiên là những vết sẹo trên bàn tay phải. Ngày xưa nhà còn nấu bếp rơm, tôi thì mới biết bò, nhân lúc không có ai để ý thò ngay tay vào bếp rơm. Dì út sợ quá chạy xuống sông gọi dì sáu, nói được có một câu: Chị sáu ơi, em cháy.
Lúc này tôi mới được dập lửa, tay cháy đen “sẵn tiện” còn quẹt luôn vào bụng nên giờ vẫn còn sẹo. Má nói cái số tôi không chết, bởi hôm đó mặc đồ vải chứ không mặc đồ thun, lửa bén cũng chậm hơn. Mà chắc nhờ "bị thui" nên mới giàu năng lượng, ra bàn tay can thiệp đột quỵ như ngày nay (cười).
Lần thứ 2 chắc khoảng năm 1978, lụt khắp nơi như “đại hồng thủy”, năm đó tôi khoảng 2-3 tuổi, đang ngồi chơi trên phản thì bị té xuống ngợp nước. May thay ba má phát hiện kịp vớt lên nên thoát chết.
Người mẹ bình dị cũng là người thầy đầu tiên trong cuộc đời, dạy anh cách làm người, đối nhân xử thế
Bên cạnh ba mẹ và "thế hệ ngành y thứ hai " - cháu gọi anh bằng cậu cũng đang học bác sĩ
Cứu sống bệnh nhân là liều thuốc bổ vực lại tinh thần
Đã từng có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là khối u và đưa vào gamma knife để điều trị, nhưng thật ra ca này bị phình mạch máu. Anh đã giải thích với bệnh nhân và người nhà như thế nào để họ yên tâm và tránh “động chạm” đến đồng nghiệp?
Khi mình hiểu câu chuyện đó, nếu nói ra cũng không ai khen tài giỏi mà ngược lại ngành y sẽ bị tổn thương nhiều hơn và người dân cũng dần mất niềm tin. Với trường hợp này tôi chỉ nói, “bệnh của cô rất khó, nếu bắn tia không hết thì mình làm cách khác, cô nha”.
Bởi việc khoét sâu vào lỗi lầm của đồng nghiệp không giúp ích gì cho người bệnh. Càng “bới móc” càng sâu thì càng tổn thương người bệnh, vì họ sẽ tự trách mình dẫn đến sai lầm này, thực sự rất tội nghiệp. Giải quyết vấn đề mới là điều quan trọng.
Cường độ làm việc của anh so với người thường là quá sức. Nhưng hết ngày này đến ngày khác, anh lại có nguồn năng lượng như ban đầu. Anh có bí quyết gì chăng?
Tới bây giờ tôi cũng không giải thích được vì sao. Nhưng khi tôi cảm giác khi làm những việc tốt cho người bệnh thì thấy rất vui và khỏe, nó như liều thuốc bổ vậy.
Có những lúc gặp ca bệnh không may mắn, tôi thực sự rất buồn nhưng cố gắng nghĩ đến mặt tích cực hơn. Chẳng hạn như làm sao để cứu bệnh nhân? Mình nên làm tốt hơn nữa về mặt truyền thông để người bệnh hiểu rõ hơn về đột quỵ, có thể sẽ không có trường hợp đau lòng như vậy nữa… thì sẽ có niềm tin và năng lượng mới.
Cách sống cũng quyết định nhiều, buổi tối khi ngủ tôi không đưa vào đầu những câu chuyện buồn, bởi nếu càng rối, càng suy nghĩ nhiều thì càng mệt mỏi.
Đôi khi tôi cũng thấy cảm phục bản thân (cười) vì có lúc mệt đến mức nghĩ mình sẽ không làm được, nhưng hôm sau lại khỏe re, làm việc tốt hơn.
Khi TPHCM chưa có chuyên khoa can thiệp mạch máu não, một mình tôi với một bác sĩ nữa gánh các khâu từ A-Z, nghĩa là từ lúc nhập viện đến khi xuất viện. Công suất làm việc kinh khủng. Một thời gian sau tôi đột nhiên có triệu chứng ho không dứt, tưởng viêm họng nhưng xét nghiệm thì thấy bạch cầu giảm. Lúc đó, còn có tin đồn trong giới tôi bị ung thư máu. Nhưng may mắn, chỉ sau đợt nghỉ phép vài ngày, cơ thể lại khỏe mạnh, bạch cầu trở về mức bình thường.
Cũng có một câu chuyện năm 2005 - 2006, hồi mới tập sự, tôi bị gãy một đốt xương, tưởng không thể đứng để làm việc bình thường. Khi có bệnh nhân bị đột quỵ, tôi vẫn lao vào ứng cứu, đứng mổ mấy tiếng đồng hồ khiến chân sưng húp. Nhưng chỉ 3 tuần sau là tháo bột, đi lại bình thường, trong khi người khác chắc phải mất 2 tháng để phục hồi.
Làm việc ở phòng DSA, kỹ thuật viên và bác sĩ sẽ hứng một số tia xạ. Thế giới có quy định 1 BS trong đời nên làm bao nhiêu ca để đảm bảo an toàn?
Đương nhiên là có, bác sĩ phải đeo liều kế. Nhưng mười mấy năm nay tôi không đeo. Không chỉ riêng tôi đâu, nhiều bác sĩ cũng như vậy. Bởi khi người bác sĩ đã xác định công việc không thể thay đổi thì phải tìm cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân.
"Tôi có thể mặc áo chì đứng cả ngày trong phòng DSA can thiệp cho người bệnh"
Ngoài nỗ lực của mình, anh có cảm thấy một “thế lực”, nói nôm na là tâm linh đã gúp đỡ anh trong những ca bệnh ngặt nghèo?
Tôi tin là có. Thời gian qua rất nhiều ca thập tử nhất sinh, có thể nói là không còn hy vọng nhưng tôi và các anh em bác sĩ đã cứu sống được họ.
Tôi có thể tự tin nói rằng, tỷ lệ tái thông mạch máu não ở bệnh viện đạt tỷ lệ gần như 100%, tỷ lệ tai biến, biến chứng chưa đến 1%.
Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ điều này. Tôi có cảm nhận hiện nay tin tốt về bệnh viện đang lan truyền với tốc độ rất nhanh. Không phải điều gì lớn lao nhưng chính người bệnh đã tự trải nghiệm và chia sẻ với nhau.
Việc anh về Cần Thơ cũng là một thiệt thòi cho bệnh nhân TPHCM, Đông Nam Bộ hay là Nam Trung Bộ. Anh suy nghĩ thế nào ạ?
Đối với tôi, thực sự không thiệt thòi. Ở TPHCM nếu không có tôi họ vẫn có thể khám với bác sĩ khác. Nhưng ở Cần Thơ thì rất khác, bệnh nhân đột quỵ thì nhiều mà chưa có cơ sở y tế chuyên sâu nào cả. Việc tôi về đây sẽ giúp nhiều người hơn nữa.
Dự án không hoa hồng
Trường hợp người nông dân lên cơn đột quỵ khi đang mò ốc và được người dân đưa đến S.I.S cấp cứu. Nghĩa là trong cộng đồng đã biết đến bệnh viện của anh. Và khi thấy người bệnh có gia cảnh quá bi đát như vậy, nhưng vì sao anh vẫn quyết định thực hiện các thủ thuật y khoa để cứu người bệnh?
Chuyện này có thể nói là lời thề, một ngày tôi còn sống, khi người bệnh còn cơ hội thì bằng mọi giá tôi sẽ cứu họ.
Nhưng cứu những ca bệnh như vậy sẽ dồn trên vai anh gánh nặng cả về chuyên môn lẫn kinh tế?
Tôi đi “xin” các mạnh thường quân. Nhưng không phải lúc nào cũng đủ, nên tôi lấy tiền lương bù vào. Khi tôi quyết tâm cứu những bệnh nhân không đủ điều kiện về kinh tế thì đã chấp nhận ban tài chính bệnh viện và nhà đầu tư trừ vào lương, một ngày cho tôi ăn 3 bữa cơm ở căn tin bệnh viện là đủ rồi.
Hơn nửa năm khánh thành bệnh viện, có không ít ca bệnh khiến BS Cường trăn trở mãi không thôi. Anh đặt ra câu hỏi, vì đâu bệnh nhân đột quỵ đến muộn như thế? Vì thiếu kiến thức hay sự bất cập của ngành y? Và rồi tự vấn chính mình, có lẽ một phần cũng do bản thân anh truyền thông chưa đến tận nhà.
Cũng sẽ có nhiều mạnh thường quân hoặc chính bệnh nhân đã có những giúp đỡ về mặt tài chính khi xây dựng bệnh viện. Anh có thể nêu tên một số “gương mặt” được không?
Các mạnh thường quân đến với tôi, đóng góp xây dựng bệnh viện là duyên lành.
Như ngân hàng VietinBank. Ban đầu, anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng VietinBank phía Nam đến gặp tôi nhưng không phải là vai trò của người đầu tư mà trong vai một bệnh nhân cần bác sĩ khám bệnh. Lúc đó thực sự tôi không biết anh là ai, vẫn khám và tư vấn như những bệnh nhân bình thường khác. Có lẽ cảm nhận được điều gì đó, sau khi nghe tôi trình bày về dự án xây dựng bệnh viện cấp cứu đột quỵ ở miền Tây thì VietinBank đồng ý đầu tư cho dự án. Sau này, tôi mới biết chính anh Long là một người bạn cũng làm ở VietinBank giới thiệu.
Hay với Siemens, tôi chưa từng nghĩ họ sẽ bắt tay làm đối tác với tôi trước. Còn nhớ, hôm mang dự án bệnh viện đến gặp đại diện của Siemens là một ngày mưa tầm tã, chính sự chủ động chào hỏi, nhận được cái bắt tay từ họ đã khiến tôi cảm thấy may mắn và có thêm động lực.
Ngay khi nghe về dự án, phía đối tác đã rất muốn cùng chung tay thực hiện. Vì vậy, Giám đốc tài chính toàn cầu của Siemens trực tiếp sang Việt Nam gặp tôi, duyệt tất cả phương án. Chính Siemens cũng hỗ trợ giúp tôi nhận được cái gật đầu của Ngân hàng Đức đồng ý bảo lãnh.
Tôi cũng không quên công ty Lý Bảo Minh đã đầu tư dàn bếp hiện đại cho bệnh viện và ủng hộ 1 tỷ đồng để mua xe cấp cứu. Dù trước đó chúng tôi chỉ mới có duyên gặp nhau 1 lần duy nhất trên chuyến xe từ Sài Gòn đến Cần Thơ nhưng giám đốc công ty đã quyết định ủng hộ tâm huyết xây dựng bệnh viện cho người dân miền Tây.
Chính những bệnh nhân hay ngay trong ban lãnh đạo bệnh viện cũng từng có người thân được tôi cứu sống thì nay trở thành mạnh thường quân đóng góp tài chính xây dựng bệnh viện.
Dự án bệnh viện đã sống lên từ đó.
Ảnh tư liệu
Trong mỗi bước đi của anh đều không thể thiếu bóng dáng của người vợ - BS Phan Trịnh Minh Hiếu. Chị sẽ luôn là người giữ dây diều cho chồng cất cánh. Đôi lúc có những tranh luận nhưng đều vì lo lắng cho sức khỏe, muốn tốt cho anh.
Anh có dự định sẽ xây dựng quỹ cho người bệnh đột quỵ. Nhưng thực trạng chung hiện nay cho thấy so với quỹ mổ tim cho trẻ em sẽ dễ nhận được đóng góp và quan tâm của các mạnh thường quân hơn. Bởi họ cho rằng cứu em bé thì tương lai rộng mở hơn, khả năng hồi phục sẽ cao hơn người bệnh đột quỵ. Vậy có lý do nào đặc biệt để các mạnh thường quân nên chung tay vào quỹ cứu bệnh nhân đột quỵ?
Ở Việt Nam và các nước đang phát triển nói chung, vấn đề an sinh xã hội còn kém. Lương hưu và những chuyện xã hội bù đắp về già không đủ để điều trị về y tế kỹ thuật cao như bây giờ. Vì vậy rất cần các mạnh thường quân cũng như tổ chức xã hội chung tay góp sức.
Dù là quyên góp để cứu cháu bé bị mắc bệnh tim bẩm sinh hay người đột quỵ thì đều mang ý nghĩa nhân văn như nhau, bởi sinh mạng nào cũng bình đẳng.
Với riêng bản thân tôi, việc cứu giúp bệnh nhân đột quỵ thật sự có giá trị. Thường những người gặp phải căn bệnh này là trụ cột của gia đình, họ đã có đóng góp nhất định cho xã hội nên cũng rất xứng đáng nhận được sự hỗ trợ.
Ngoài ra, một ý nghĩa nữa quan trọng không kém, đó là thời gian. Người mắc bệnh tim vẫn có thêm một chút thời gian và chờ được kinh phí hỗ trợ thì bệnh nhân đột quỵ không có sự lựa chọn, họ khẩn cấp hơn giữa sự sống và chết chỉ là tích tắc.
Hơn nữa, hiện nay đã có một số quỹ hỗ trợ cho người bệnh tim được biết đến rộng rãi nên thu hút các mạnh thường quân đóng góp nhưng với dự án quỹ vì bệnh nhân đột quỵ thì rất hiếm, thậm chí có thể nói là chưa có.
Dự án xây quỹ cho bệnh nhân đột quỵ là tâm huyết, không có hoa hồng. Dù bằng cách nào, kể cả ra đến Trung ương tôi cũng sẽ xin bằng được để thành lập quỹ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình