Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng khoa học trong thai kỳ và những yếu tố tác động đến thực hành nuôi con bằng sữa mẹ

Tại hội thảo kết hợp tập huấn “Tối ưu hóa dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ” do Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tổ chức vào ngày 22/5/2024, các chuyên gia cập nhật những điểm mới trong chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ và hướng dẫn cụ thể những tư thế cho bú đúng, xử trí các tình huống khó khăn có thể gặp phải khi nuôi con bằng sữa mẹ.

3 báo cáo viên trong hội thảo kết hợp tập huấn “Tối ưu hóa dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ”

Trẻ được bú mẹ trong ít nhất 12 tháng có IQ trung bình cao hơn, thu nhập tốt hơn

BS.CK1 Nguyễn Ngọc Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM mở đầu báo cáo “Sữa mẹ và lợi ích của sữa mẹ với sức khỏe” bằng nhận định: Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và cứu sống trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ đã được thúc đẩy, hỗ trợ từ năm 2009 bằng các văn bản hướng dẫn, quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, gần 2/3 trẻ không được dùng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tỷ lệ này không cải thiện trong 2 thập kỷ.

Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng cho trẻ vì tính an toàn, sạch và chứa nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh thường gặp. Sữa mẹ cung cấp tất cả năng lượng và dinh dưỡng cần thiết trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cung cấp hơn 50% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong 3 tháng tiếp theo, cũng như cung cấp 1/3 nhu cầu dinh dưỡng trong năm thứ hai.

Vì những lợi ích mà sữa mẹ mang lại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ trong 1 giờ đầu sau sanh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Không dùng thực phẩm hoặc chất lỏng, bao gồm nước. Trẻ nên được bú theo nhu cầu ngày và đêm, không dùng bình sữa, núm vú giả.

Từ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm trong khi vẫn tiếp tục bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi và lâu hơn.

BS.CK1 Nguyễn Ngọc Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM chia sẻ về sữa mẹ và lợi ích của sữa mẹ với sức khỏe

Tỷ lệ sinh mổ tại TPHCM hiện nay chiếm hơn 50%. Điều này ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú mẹ trong 1 giờ đầu sau sanh. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở TPHCM vẫn khá khiêm tốn. Năm 2023, tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh đạt 63,7%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước năm 2020 (65%).

UBND Thành phố ban hành kế hoạch thúc đẩy đạt chỉ tiêu 75% trẻ được bú mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh vào năm 2025.

BS.CK1 Nguyễn Ngọc Thùy Dương nêu thực trạng: “Cách đây 10 năm, tỷ lệ nuôi còn bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của TPHCM chưa đến 1%. Đến năm 2023, tỷ lệ này đã được cải thiện, đạt 32,6%. Hy vọng sự nỗ lực của mỗi nhân viên y tế, cùng với công tác truyền thông, vận động cộng đồng, gia đình có thể thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ”.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khẳng định, sữa mẹ ưu việt hơn hẳn so với sữa động vật và sữa công thức vì không bị nhiễm khuẩn, có yếu tố kháng thể và thành phần dinh dưỡng vừa đủ, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Trẻ có thể mắc một số bệnh lý nếu không có kháng thể được truyền từ mẹ qua dòng sữa.

Trẻ bú sữa mẹ giảm được nguy cơ mắc các bệnh: suyễn, béo phì, đái tháo đường, nhiễm trùng đường ruột, viêm tai giữa, đột tử,...

Sữa mẹ còn có lợi cho sự phát triển thần kinh của trẻ. Theo 16 nghiên cứu quan sát đã kiểm soát một số yếu tố gây nhiễu, trẻ được bú sữa mẹ trong giai đoạn đầu đời có chỉ số IQ (Intelligence Quotient - Chỉ số thông minh của não bộ) trung bình cao hơn 3,44 điểm.

Trong phân tích được điều chỉnh, những người tham gia được bú sữa mẹ 12 tháng hoặc lâu hơn có IQ cao hơn 3,76 điểm, số năm học tập nhiều hơn và thu nhập hàng tháng cao hơn những người được bú sữa mẹ dưới 1 tháng.

Thời gian bú mẹ ít còn tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn tăng động/giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ. Trong cả rối loạn tăng động/giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ, có khả năng xảy ra quan hệ ngược, ở đó trẻ sơ sinh được chẩn đoán có vận động miệng kém, khó khăn trong tương tác xã hội, mẹ không chú ý đến kỹ thuật cho con bú. Điều này có thể dẫn đến việc cai sữa sớm hơn.

Đối với người mẹ, việc cho con bú sẽ giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp,...

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, phụ nữ đang cho con bú có nồng độ hormone steroid giảm. Phản ứng chậm chạp của các hormone gây căng thẳng được cho là một cơ chế thích ứng để điều chỉnh thời gian căng thẳng của hậu sản.

Đối với gia đình và xã hội, trẻ bú sữa mẹ có thể tiết kiệm tiền, không chỉ là tiền sữa mà còn là chi phí gánh nặng bệnh tật ở trẻ và bà mẹ, thu nhập bị giảm do giảm lao động, vắng mặt tại nơi làm việc của cha/mẹ. Trẻ bú sữa mẹ còn hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và giảm gánh nặng môi trường.

BS.CK1 Nguyễn Ngọc Thùy Dương kết luận: “Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đơn giản là một sự lựa chọn về lối sống, đó là vấn đề ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM đề cập đến những thông tin mới nhất liên quan đến “Cập nhật khuyến nghị dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ”. Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có vai trò quyết định kết quả thai kỳ và sức khỏe của thai nhi. Chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai có tác động đến môi trường trong tử cung và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi trước mắt cũng như lâu dài.

Dinh dưỡng phù hợp trong thai kỳ sẽ giúp mẹ tăng cân phù hợp, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ,... Chế độ dinh dưỡng còn có vai trò phòng ngừa tai biến sản khoa, tăng khả năng tạo sữa sau sinh, tăng sức đề kháng.

Với trẻ em, dinh dưỡng trong thai kỳ giúp trẻ tăng trưởng tốt, sinh đủ tháng, sức đề kháng tốt. Dinh dưỡng có vai trò phòng ngừa nhiều dị tật bẩm sinh và nhiều bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành.

Não của trẻ đã bắt đầu có đủ các thành phần khi thai được 12 tuần. Từ tuần thứ 20 cho đến khi chào đời, kích thước não của trẻ tăng lên gấp 6 lần. Sự trưởng thành của não bộ cần DHA, acid folic, vitamin B6, B12, mangan, đồng, iod, vitamin D, cholin, sắt,...

Với bà mẹ đang cho con bú, dinh dưỡng đảm bảo sữa được sản xuất đủ cho con bú, đảm bảo sức khỏe cho người mẹ. Nếu chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B1, A, D, canxi sẽ dẫn đến sữa mẹ cũng thiếu các chất này. Thiếu protein trong chế độ ăn làm giảm lượng kháng thể truyền trực tiếp qua sữa mẹ.

Các thực phẩm được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ là trứng, sữa, dịch uống, thịt nạc, trái cây theo mùa, rau lá xanh, ngũ cốc, đậu đỗ.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM hướng dẫn cách xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học cho mẹ bầu

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp thông tin: “Nhu cầu các chất dinh dưỡng đều tăng và thay đổi theo tuổi thai, tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai và khi nuôi con bằng sữa mẹ”.

Cụ thể, khi có thai, nhu cầu protein tăng thêm từ 10 - 30g/ngày. Nên ăn từ 2 loại thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc thực vật (đậu nành, đậu hũ,...) để cải thiện chất lượng tổng thể thành phần protein đưa vào cơ thể. Tiêu thụ quá ít protein có liên quan đến cân nặng và chiều dài của trẻ khi sinh.

Về chất béo, tăng tỷ lệ PUFA (acid béo không bão hòa đa nối đôi) ưu tiên hơn tăng tổng số chất béo. Theo khuyến nghị, nên giảm Omega-6 từ các dầu thực vật và tăng Omega-3 từ dầu cá.

DHA-EPA có vai trò phát triển trí não, võng mạc thai nhi; phát triển thần kinh vận động và tâm lý của trẻ trong những tháng đầu đời. Với mẹ, DHA-EPA giúp giảm sinh non, giảm tiền sản giật, trầm cảm sau sinh và các biến cố tim mạch.

Theo EFSA (Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu), nhu cầu DHA tăng thêm 100 - 200mg/ngày trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Nên tiêu thụ 2 phần cá mỗi tuần. Việc tiêu thụ 3 - 4 phần cá/ngày không liên quan đến rủi ro nhiễm thủy ngân.

Việc bổ sung 1,5 - 2g canxi/ngày cho phụ nữ mang thai tuần thứ 20 cho đến hết thai kỳ giúp giảm tiền sản giật ở cộng đồng chế độ ăn thiếu canxi. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều canxi (trên 2g/ngày) có tương quan với tăng nguy cơ hội chứng HELLP (Hemolytic anemia - Thiếu máu tán huyết, Elevated Liver enzymes - Tăng men gan và Low Platelet count - Giảm tiểu cầu).

Bổ sung hàng ngày 30 - 60mg sắt nguyên tố và 400µg acid folic để phòng ngừa thiếu máu, nhiễm trùng hậu sản, sinh non, dị tật ống thần kinh. Việc bổ sung acid folic lý tưởng nhất là từ 2 tháng trước khi thụ thai, có thể bổ sung 800µg/ngày.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết, tình trạng thiếu vitamin D ở phụ nữ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và trẻ sơ sinh rất phổ biến, ngay cả ở những nước có khí hậu nhiều nắng. Thiếu vitamin D có nguy cơ tăng tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ.

Sữa mẹ không có nhiều vitamin D (< 80IU/L) nên không đủ để phòng ngừa thiếu hụt vitamin D. Hậu quả của thiếu vitamin D là trẻ có cân nặng khi sinh thấp, hệ xương kém phát triển, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh dị ứng trong những năm đầu đời.

Liều vitamin D khuyến nghị là 600 - 800IU/ngày. Có thể tăng lên 1.000 - 1.200IU/ngày ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có nguy cơ thiếu hụt vitamin D.

Nhu cầu nước ở phụ nữ bình thường là 1 - 1,5ml/kcal. Phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm ít nhất 300ml nước và đối với phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ là 500ml. Thiếu nước có thể gây thiếu sữa, nhưng theo các nghiên cứu khoa học, uống quá nhiều nước không tạo thêm sữa mẹ, thậm chí có nguy cơ ngộ độc nước.

Phụ nữ mang thai nên ăn 6 đơn vị sữa và chế phẩm sữa mỗi ngày (tương đương 30g phô mai, 200ml sữa chua, 200ml sữa). Bà mẹ đang cho con bú cần bổ sung 6,5 đơn vị sữa và chế phẩm sữa (tương đương 30g phô mai, 200ml sữa chua, 250ml sữa).

Nên chọn sữa công thức bổ sung vi chất cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú. Đối với những trường hợp không dung nạp lactose, có thể tập uống sữa với lượng tăng dần và dùng sữa chua, phô mai. Không nên ăn sữa chua vào lúc đói vì vi khuẩn có lợi trong sữa chua dễ bị chết bởi độ acid cao trong dạ dày.

Kết thúc phần báo cáo, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp đưa ra thông điệp: “Cân đối các chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật và động vật, bổ sung sắt, acid folic, canxi, DHA và các vi chất dinh dưỡng khác phù hợp với từng cá thể cần được ưu tiên khi can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai”.

Chương trình thu hút 200 người tham dự trực tiếp và 700 người theo dõi trực tuyến

Những yếu tố tác động đến nuôi con bằng sữa mẹ và giải pháp cho từng tình huống

Chia sẻ những “Kỹ thuật cho bú mẹ và giải quyết các khó khăn trong những ngày đầu nuôi con bằng sữa mẹ”, ThS.ĐD Lê Thị Thu Vân - Phó trưởng khoa sản N1, Bệnh viện Từ Dũ cho biết có nhiều yếu tố tác động lên người mẹ trong việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

Mệt và đau sau sanh, sau mổ khiến mẹ không muốn và không đủ sức khỏe để cho bé bú liên tục. Nhiệm vụ của nhân viên y tế là hướng dẫn cho mẹ tư thế cho con bú thoải mái, đặc biệt là tư thế nằm. Đồng thời hướng dẫn người nhà xoa bóp để tăng tình cảm cho mẹ, giúp lượng sữa non nhanh về. Trong trường hợp cần thiết, có thể xin thuốc giảm đau cho sản phụ.

Nhiều bà mẹ nghĩ rằng mình không có sữa hoặc lượng sữa không đủ cho con bú, nhân viên y tế cần giúp mẹ biết mình đã có sữa non hay chưa và các dấu hiệu cho thấy bé đã bú đủ.

ThS.ĐD Lê Thị Thu Vân cũng hướng dẫn một vài tư thế cho bé bú đúng. Với tư thế nằm nghiêng, mẹ nằm nghiêng một bên và đặt bé nằm ngay bên cạnh. Em bé nằm nghiêng hướng về mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ, sao cho tai - vai - hông bé phải nằm thẳng hàng. Dùng gối hoặc khăn để hỗ trợ tư thế thoải mái cho mẹ và bé. Tay còn lại mẹ nâng đỡ bầu vú để bé dễ dàng ngậm bắt vú.

Với tư thế bế bé với cánh tay đối diện, mẹ ngồi tư thế thẳng lưng. Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay đối diện để đỡ bé. Ví dụ, bé bú bầu ngực phải thì dùng tay trái để ôm và nâng đỡ người của bé. Bàn tay nâng đỡ đầu - cổ, cẳng tay ôm dọc thân người trẻ. Thân người bé hướng vào người mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ.

Tư thế bế bé với cánh tay đối diện phù hợp cho những mẹ sinh con lần đầu, trẻ non tháng, trẻ nhỏ ký.

 ThS.ĐD Lê Thị Thu Vân - Phó trưởng khoa sản N1, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ những yếu tố tác động đến nuôi con bằng sữa mẹ và giải pháp cho từng tình huống

Vú mẹ khó bú cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Trường hợp mẹ có núm vú to, cho bé bú ở tư thế ngồi hoặc nằm. Kết hợp tay túm núm vú mẹ, chờ khi bé há to miệng, kết hợp tay trên tay dưới đưa đẩy núm vú sâu vào miệng bé.

Mẹ có núm vú ngắn cho trẻ bú ở tư thế ngồi, nhưng tay trên túm một bên vú để giúp núm vú dài ra, cho bé ngậm được vú thì buông tay trên ra từ từ. Có thể dùng dụng cụ hỗ trợ (tay hoặc xi-lanh) để kéo núm vú dài ra.

Khi mẹ bị cương tức vú, tuyệt đối không chườm ấm vì sẽ khiến tình trạng cương tức nặng hơn, mẹ bị đau. Nên chườm mát kết hợp với massage vú để sữa ra nhiều hơn và nên vắt sữa ra bằng tay.

Mẹ bị nứt đầu vú cần xem lại tư thế cho bé bú đã đúng hay chưa. Thoa sữa mẹ lên chỗ nứt đẻ giúp vết nứt mau lành lại. Trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc thoa theo chỉ định của bác sĩ.

Vấn đề bé quấy khóc, bé không chịu bú, bé sứt môi, chẻ vòm hầu cũng là một khó khăn trong việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân thường hay ngủ, bú yếu. Mẹ cần đánh thức bé mỗi 3 giờ để cho bé bú.

Về yếu tố khách quan, những quảng cáo sữa bột rầm rộ trên thị trường khiến mẹ nghĩ rằng sữa bột tốt hơn sữa mẹ. Người nhân viên y tế phải thuyết phục được sữa mẹ mới là tốt nhất vì có kháng thể bảo vệ sức khỏe.

Nhiều mẹ nhanh chóng bỏ cuộc khi thấy bé khóc. Nhân viên y tế cần tư vấn và động viên mẹ cố gắng cho bé bú từ ngay sau sanh. Việc động viên được thực hiện từ khi nhận bệnh, theo dõi chuyển dạ đến lúc hậu sản.

Người nhà thường sốt ruột, lo lắng khi bé quấy khóc, đây là lý do thường gặp nhất dẫn đến việc cho bé bú bình. Tuy nhiên, bé có năng lượng dự trữ lên đến 24 giờ. Nhân viên y tế sẽ cùng người nhà tìm nguyên nhân khiến bé khóc để có hướng xử trí trường hợp bé khóc nhiều.

ThS.ĐD Lê Thị Thu Vân khẳng định: Sự hỗ trợ từ nhân viên y tế là rất quan trọng trong việc giúp các bà mẹ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Nhân viên y tế cần quan sát và nhân định chung tình trạng của mẹ và bé, sau đó linh hoạt hướng dẫn các tư thế phù hợp cho người mẹ và đánh giá các dấu hiệu của bé. Phải luôn động viên và thúc đẩy sự kiên trì của người mẹ”.

>>> Hội thảo LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM: 3 điểm mới về bổ sung acid folic, vitamin D và lập trình thai kỳ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X