Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi: Đâu là rào cản cần giải quyết?

Tuổi tác là một trong những nguyên nhân quan trọng của rối loạn nhận thức và gần như không có giải pháp nào có thể đảo ngược quá trình lão hóa tự nhiên. Người lớn tuổi cần giải pháp nào để trì hoãn rối loạn nhận thức chuyển thành sa sút trí tuệ thực sự? Bài viết với sự tư vấn của TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình trạng này.

1. Rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi: Đừng thờ ơ!

- Trước tiên, để bạn đọc có góc nhìn tổng quan, nhờ BS có thể chia sẻ thêm về thực trạng bệnh lý rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Thuật ngữ rối loạn nhận thức là biểu hiện một giai đoạn trung gian giữa quá trình lão hóa bình thường và sự phát triển của quá trình lão hóa bệnh lý và chứng sa sút trí tuệ.

Tình trạng rối loạn nhận thức ảnh hưởng đến các bệnh lý cũng như triệu chứng của bệnh nhân. Những người bệnh mắc bệnh nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn, bệnh lý về thần kinh, tai biến mạch máu não, viêm não hay chấn thương sọ não, u não… hoặc những bệnh lý về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm… đều có nguy cơ bị rối loạn nhận thức.

Hiện nay, tỷ lệ rối loạn nhận thức tại Việt Nam cũng như trên thế giới ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn thận thức:

- Rối loạn nhận thức bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuổi tác, càng lớn tuổi nguy cơ càng cao.

- Mắc các bệnh lý như bệnh nội khoa, bệnh lý về thần kinh, bệnh lý về tâm thần như đã nói ở trên.

- Cuộc sống căng thẳng, dẫn đến mất ngủ

- Lệ thuộc thuốc như thuốc kích thích, thuốc lá, heroin, ma túy…

TS.BS Đinh Vinh Quang có hơn 25 năm công tác trong ngành Y, đặc biệt là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Thần kinh

- Điều trị rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi, đâu là những giải pháp an toàn và hiệu quả?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Để điều trị rối loạn nhận thức, trước tiên cần xác định bệnh nhân có thực sự bị căn bệnh này. Thứ hai là suy giảm nhận thức đang ở giai đoạn nào.

Nếu trong giai đoạn đầu, mức độ rối loạn trí nhớ, tập trung, tư duy, tính toán hay các hành vi còn có thể điều chỉnh, kiểm soát được, người bệnh cần nhận thức được tình trạng bệnh của mình để có sự thay đổi lối sống phù hợp. Để làm được điều đó cần đi khám với chuyên gia về Thần kinh - Tâm thần và có hướng điều trị phù hợp.

Nếu ở giai đoạn trung bình, rối loạn các hành vi, trí nhớ giảm nhiều, không còn khả năng tư duy, tính toán hay lên kế hoạch như trước đây. Điều này nghĩa là người bệnh cần dùng đến các biện pháp để điều trị rối loạn nhận thức cũng như sa sút trí tuệ. Bởi nếu để diễn tiến đến giai đoạn nặng, các triệu chứng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong đời sống. Người bệnh phải lệ thuộc vào người thân trong gia đình, không còn tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân, từ ăn uống, dinh dưỡng đến vệ sinh cá nhân, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống, tuổi thọ.

- Trong quá trình công tác, điều trị rối loạn nhận thức, BS nhận thấy đâu là những rào cản, thách thức trong việc điều trị căn bệnh này ở người lớn tuổi?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Rào cản lớn nhất trong điều trị rối loạn nhận thức và sa sút trí tuệ đó là giai đoạn đầu bệnh nhân thường cho rằng các triệu chứng nhẹ, thoáng qua và hiểu nhầm thành biểu hiện của đãng trí, vì vậy nên thường bỏ qua, không đi khám để được điều trị sớm.

Đến giai đoạn trễ, quá trình điều trị gặp nhiều thách thức. Bởi khi đó bệnh nhân lệ thuộc tất cả vào người nhà trong việc chăm sóc, sinh hoạt, kéo theo chất lượng cuộc sống suy giảm nhanh chóng. Các biến chứng khi sa sút trí tuệ làm bệnh nhân rơi vào tình trạng không ăn uống được dẫn đến suy dinh dưỡng và không tự kiểm soát vấn đề vệ sinh cá nhân, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ người nhà sẽ rơi vào tình trạng mất vệ sinh, viêm phổi, nhiễm trùng da, loét da, đưa đến nhiều hệ lụy như nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.

Như vậy có thể thấy rằng, vai trò của người thân rất quan trọng trong quá trình điều trị rối loạn nhận thức. Nếu người thân biết cách chia sẻ, chăm sóc, cuộc sống còn kéo dài, nhưng ngược lại nếu người nhà bỏ bê thì cuộc sống gần như bế tắc, tuổi thọ rút ngắn lại rất đáng kể.

2. Phá bỏ rào cản trong điều trị rối loạn nhận thức, liệu có khả thi?

- Theo BS, chúng ta có thể giải quyết hoặc khắc phục những rào cản này bằng cách nào? Trong đó, giải pháp nào là trọng tâm chúng ta cần lưu ý?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Điều đầu tiên, khi rối loạn nhận thức ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, sự tính toán, khả năng lên kế hoạch, thay đổi hành vi, chúng ta cần phải cảnh giác với nguy cơ suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ để thăm khám, điều trị sớm.

Gia đình khi có người thân suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ cần phải chủ động chăm sóc, chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh. Người suy giảm nhận thức thường hay quên, hành vi, cử chỉ không phù hợp, vì vậy, nên để đồ dùng hằng ngày, đồ vật như quần áo, bàn chải đánh răng… ở những vị trí quen thuộc. Trong nhà tắm, nhà vệ sinh cần thiết kế đơn giản để bệnh nhân có thể tự thực hiện nếu còn khả năng.

Đến giai đoạn trễ hơn, bệnh nhân không còn khả năng chăm sóc bản thân thì cần rất nhiều sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình. Điều quan trọng nhất là có sự thấu hiệu, chia sẻ và cảm thông với các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Tránh sự tức giận, bởi đây là do bệnh lý gây ra, không phải tự người bệnh muốn như vậy.

Rối loạn nhận thức nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến sa sút trí tuệ (Ảnh minh họa)

Vậy suy giảm nhận thức được điều trị như thế nào, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trước tiên, chúng ta cần khám và chẩn đoán xem bệnh nhân đã bị sa sút trí tuệ chưa. Trong điều trị có biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

- Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm tập luyện thể lực, trí não, thay đổi lối sống.

- Các biện pháp dùng dược phẩm hỗ trợ, trong đó có một số thuốc làm tăng khả năng dẫn truyền thần kinh, tăng sự chống oxy hóa các gốc tự do, chống lại sự thoái hóa của tế bào não, tăng cường lưu lượng máu lên não, giúp ngăn chặn sự tiến triển của sa sút trí tuệ.

Một số các thuốc có thể dùng như chiết xuất từ cao bạch quả Ginkgo Biloba EGb 761, Citicoline, các thuốc kháng men cholinesterase… hỗ trợ giúp quá trình lão hóa tiến triển chậm lại và ngăn chặn quá trình oxy hóa, các gốc tự do của não, giúp cải thiện trí nhớ.

Nếu không sử dụng các biện pháp ngăn chặn và điều trị thì tiến triển tự nhiên của suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ có thể nhanh hơn, đưa bệnh nhân đến giai đoạn trễ từ rất sớm.

Một trong những giải pháp BS được BS nhắc đến có thuốc chiết xuất từ cao bạch quả. Xin nhờ BS nói thêm, thuốc chiết xuất từ cao bạch quả, đặc biệt là được tiêu chuẩn hóa EGb 761 có tác dụng như thế nào trong điều trị rối loạn nhận thức?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Hiện nay có nhiều loại thuốc được sử dụng điều trị bệnh lý suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ. Một trong số đó là dẫn xuất Ginkgo Biloba EGb 761, giúp tăng lưu lượng máu lên não, cung cấp oxy cho tế bào não, chống lại các gốc tự do và tăng dẫn truyền thần kinh, từ đó cải thiện các triệu chứng suy giảm nhận thức của bệnh nhân.

Ginkgo Biloba Egb 761 đang được nhiều thử nghiệm lâm sàng chứng minh tính hiệu quả

3. Xây dựng tinh thần lành mạnh, bồi đắp sắc màu cuộc sống cho người rối loạn nhận thức

- Theo BS, thân nhân, người chăm sóc có thể làm gì để giúp cho việc điều trị rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi thuận lợi, đạt hiệu quả hơn?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Khi người bệnh suy giảm nhận thức dẫn đến sa sút trí tuệ ở giai đoạn muộn thì hầu hết các sinh hoạt hằng ngày đều lệ thuộc vào người nhà. Do đó, người nhà cần thông cảm với tình trạng của bệnh nhân và nên hiểu rằng các triệu chứng là do bệnh lý gây ra. Không nên giận dữ, buồn bực với các hành vi của người bệnh gây ra.

Song song đó, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là thực phẩm tốt cho não như các loại đậu, cá… ăn đủ bữa. Đặc biệt, khi người bệnh nằm một chỗ vì sa sút trí tuệ, không thể tự thực hiện các hoạt động thì người nhà nên vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh trường hợp nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Hãy kiên nhẫn với ông bà, cha mẹ khi họ suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ. Bởi dù ở bất kỳ độ tuổi nào, ai cũng đều mong cầu một trí óc minh mẫn, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng thực hiện được. (Ảnh minh họa)

- Thực tế thì nhiều người lớn tuổi khi được chẩn đoán rối loạn nhận thức thường sẽ nghĩ đến một tương lai tiêu cực với những viễn cảnh như quên cả bạn đời, con cháu... Xin nhờ BS chia sẻ một số bí quyết để nâng cao tinh thần những người đang điều trị rối loạn nhận thức?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Khi người bệnh đã có suy giảm nhận thức và dẫn đến sa sút trí tuệ thì chúng ta cần tạo một cuộc sống thoải mái, có chế độ ăn uống - nghỉ ngơi phù hợp, tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn trước đây. Người bệnh có thể đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ, ví dụ như câu lạc bộ dành cho người trung niên, câu lạc bộ dành cho người lớn tuổi… sẽ giúp cải thiện suy nghĩ, tinh thần theo hướng tích cực hơn.

Trân trọng cảm ơn BS!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X