Điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ sớm, đem lại hiệu quả cao
TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Cơ sở 3) cho biết, sau đột quỵ, nhiều người bệnh gặp phải trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày do di chứng tổn thương ở não. Vì vậy, người bệnh sau đột quỵ nên điều trị phục hồi chức năng và cân nhắc điều trị sớm trong vòng 3 tháng đầu tiên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Yếu liệt nửa người là một trong những di chứng nặng nề và tốn nhiều thời gian hồi phục nhất ở người bệnh sau đột quỵ. Nếu không được điều trị sớm thì mục tiêu đưa người bệnh trở lại sinh hoạt một cách bình thường sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh do tổn thương tại não có thể gây nên một số vấn đề khác như nói khó, tiếp nhận thông tin kém, mất khả năng giao tiếp, liệt mặt, chóng mặt, mất ngủ, trầm cảm,…
Vì vậy, việc phát hiện và cấp cứu trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất là cực kỳ quan trọng đối với các trường hợp đột quỵ. Tốt nhất là trong vòng 3 giờ đầu tiên kể từ khi phát hiện các biểu hiện của đột quỵ.
1. Các phương pháp điều trị phục hồi sau đột quỵ
- Châm cứu: Là phương pháp đã được chứng minh qua rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố rộng rãi trên thế giới. Các phương pháp châm cứu bao gồm: Điện châm, Hào châm, Laser châm, Cấy chỉ, Nhĩ châm, Đầu châm,… đều mang lại kết quả khả quan trong điều trị phục hồi sau đột quỵ.
- Xoa bóp bấm huyệt: Phối hợp với châm cứu, phương pháp xoa bóp bấm huyệt giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng hơn, tăng cường khí huyết đến nuôi dưỡng hệ thống cơ bắp. Đồng thời giúp phục hồi chức năng vận động tại các chi yếu liệt.
- Sử dụng thuốc Y học cổ truyền: Giúp tăng cường tuần hoàn máu não, tái tạo các tế bào thần kinh bị tổn thương, hỗ trợ phục hồi các di chứng sau đột quỵ.
- Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng: Vận động trị liệu nhằm phục hồi khả năng vận động, ngôn ngữ trị liệu cải thiện khả năng giao tiếp là các phương pháp được chỉ định phổ biến cho người bệnh sau đột quỵ. Những phương pháp này giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi vận động và về lâu dài sẽ giúp người bệnh có thể sinh hoạt bình thường nếu được luyện tập sớm và đúng cách.
Người bệnh sau đột quỵ nên điều trị phục hồi chức năng cần cân nhắc điều trị sớm trong vòng 3 tháng đầu tiên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Đặc biệt, vai trò chăm sóc bởi người nhà, nhân viên y tế về thể chất cũng như tinh thần cũng rất quan trọng, đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn.
2. Vì sao nên lựa chọn điều trị nội trú?
Người bệnh sau đột quỵ giai đoạn đầu cần được quan sát và thăm khám kỹ lưỡng để tránh phòng ngừa các biến chứng sau đột quỵ như loét tì đè, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu,... Do đó, việc nhập viện điều trị nội trú sẽ giúp người bệnh được chăm sóc tối đa bởi đội ngũ chuyên gia y tế, giúp tối ưu hóa điều trị.
Điều trị phục hồi sau đột quỵ là một quá trình đầy nỗ lực. Trong suốt quá trình này, người bệnh sẽ đối mặt với những thời điểm nản chí do không thể sinh hoạt như trước. Được tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ nhân viên y tế trong quá trình điều trị nội trú sẽ giúp người bệnh có tinh thần thoải mái, duy trì tập luyện đều đặn, tăng cường hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, lựa chọn điều trị nội trú sẽ mang lại lợi ích lớn về mặt tinh thần cho người bệnh, họ có thể nhận được sự đồng cảm và động viên từ những người bệnh có hoàn cảnh tương tự khác, tạo động lực cho nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
3. Nguyên tắc F.A.S.T
Hãy nhớ nguyên tắc F.A.S.T để có thể nhận diện sớm nhất tình trạng đột quỵ và nhanh chóng liên hệ sự hỗ trợ của cơ quan y tế gần nhất:
- Face (Mặt): Yêu cầu người bệnh cười hoặc làm động tác nào đó liên quan đến cơ mặt. Nếu một bên mặt của họ bị xệ hoặc không đối xứng, đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
- Arm (Tay): Yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay lên. Nếu một tay yếu hoặc không thể nâng lên như tay còn lại, đây cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
- Speech (Nói): Yêu cầu người bệnh nói một câu đơn giản. Nếu lời nói bị lắp bắp, khó khăn hoặc không rõ ràng, đây là một dấu hiệu khác của đột quỵ.
- Time (Thời gian): Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần nhanh chóng gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị đột quỵ, càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa đột quỵ luôn là giải pháp an toàn và là lựa chọn tốt nhất. Vì vậy, người bệnh cần kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe bằng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị tích cực các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… Đồng thời, nên tham vấn chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp để tránh các nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý có thể gây nên đột quỵ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình