Hotline 24/7
08983-08983

Uống nhiều thuốc điều trị rối loạn mỡ máu sẽ hoại cơ, gân phải không BS?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, 3 tháng nay tôi ngồi ghế, đi bộ hay đứng một chỗ mà đổi tư thế thì ở phía sau đầu gối trái đau buốt như có vật gì cứng chèn, nhưng đi lại độ 10 bước là bớt đau. Khớp vai trái của tôi cũng bị đau, gần đây đau nhiều khi đưa tay ra phía sau. Ngày 24/6 BV Thống Nhất Đồng Nai chụp X-quang, MRI, kết luận: đứt không hoàn toàn gân cơ dưới gai phía mặt bao hoạt dịch, thoái hóa gân cơ trên gai chóp xoay (T). BS cho toa thuốc […] và dặn tôi tránh những động tác gây đau nhưng sẽ không liền vết đứt. Sau 20 ngày, BS cho ngưng thuốc, chuyển sang tập vật lý trị liệu để không bị cứng khớp. Nhưng càng tập thì càng đau lan rộng. Tôi bị tai biến cách đây hơn 4 năm (cao huyết áp+ RLLP máu), uống nhiều thuốc Richstatin nên bị hoại cơ, gân, có phải vậy không? Nếu không thì đau chân như vậy là bệnh gì? Tay tôi cần có thuốc gì hay phải mổ để nối gân? Rất mong AloBacsi trả lời cho tôi! (Nuong My - mahien…@yahoo.com)

Trả lời

BS.CK1 Châu Thị Kiều Oanh

BS.CK1 Châu Thị Kiều Oanh

Bác sĩ cấp cứu - Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện quận 1, TPHCM

Chào Nuong My,

 

Dựa theo tên thì AloBacsi đoán bạn là nữ. Bạn nói về bệnh của bạn rất nhiều nhưng lại không cho bác sĩ biết bạn bao nhiêu tuổi, có vận động mạnh hay chơi thể thao gì không? Với tình trạng bệnh thoái hóa gân cơ và đã bị tai biến, chúng tôi đoán bạn trên 50 tuổi.

 

Khi ngoài 50 tuổi, xương khớp đã thoái hóa, bạn đã chụp MRI cho thấy đứt không hoàn toàn gân cơ dưới gai, thoái hóa gân cơ trên gai chóp xoay. Vậy khớp gối của bạn cũng có thể do tiến trình thoái hóa xương khớp theo tuổi. Nếu có điều kiện, bạn nên chụp MRI khớp gối nữa nhé.

 

Về khớp vai, bạn đã uống thuốc nhiều và tập vật lý trị liệu, nhưng càng đau lan rộng và tăng hơn. Có thể gân cơ dưới gai đã chuyển sang đứt hoàn toàn hoặc có thêm tổn thương khác. Bạn kiểm tra bằng chụp lại MRI khớp vai sẽ biết chính xác hơn mức độ tổn thương.

 

Thoái hóa gân cơ ngoài điều trị nội khoa và tập vật lý trị liệu, còn có các phương pháp:

 

- Điều trị thoái hóa gân có thể bằng phương pháp điều trị tăng sinh mô. Tiêm một số chất gây tăng sinh mô vào gân cơ đã suy yếu. Phương pháp này còn có tên là “tái tạo gân cơ không sử dụng phẫu thuật”. Cần tiêm ít nhất 2 - 3 lần trong thời gian 2 tuần để đạt kết quả tối ưu.

 

- Nếu chưa thực hiện được điều trị tăng sinh thì có thể tiêm steroid, tuy nhiên phương thức này chỉ giúp hạn chế quá trình thoái hoá mà không giúp gân cơ phục hồi tích cực.

 

- Phương pháp phẫu thuật nội soi khớp: Có thể áp dụng phẫu thuật nội soi khớp vai để cắt lọc mô viêm, nạo vôi kết tụ trong gân cơ, khâu lại gân cơ bị rách đứt.

 

Tốt nhất, bạn nên khám và điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về xương khớp tại TPHCM.

 

Bạn lo lắng uống nhiều thuốc điều trị rối loạn mỡ máu Richstatin gây hoại cơ? Richstatin có tác dụng phụ là yếu cơ, đau cơ… nhưng cũng hiếm gặp. Còn bạn thì đau khớp và chụp MRI đã có tổn thương rõ ràng.

 

Chúc bạn điều trị thành công!
 
 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X