Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ - Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ
TS Phan Minh Liêm: "Người bệnh ung thư nên ăn nhiều bữa nhỏ"
Câu hỏi
Em xin chào TS Phan Minh Liêm, em rất ngưỡng mộ anh. Em đọc rất kỹ các bài báo viết về anh và những phần anh tư vấn trên trang AloBacsi. Dễ hiểu và dễ nhớ lắm anh ạ. Em còn in các bài anh tư vấn về cách ăn uống về cho ba mẹ em ở Lâm Đồng đọc. Tự đáy lòng, em xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành vì anh là trí thức đi du học trở về giúp quê hương. Thật vô cùng đáng quý. Kế đến, em có thắc mắc này muốn hỏi anh: dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hiện nay gần như là bỏ ngỏ. Em có người bạn bị ung thư vú, chỉ thấy các phác đồ điều trị chứ không thấy bác sĩ chỉ định cần kiêng ăn gì và nên ăn gì. Em xin phép hỏi anh mấy ý sau đây ạ: -Người bị ung thư nên ăn gì. Kiêng gì ạ? -Dinh dưỡng cụ thể 1 ngày như thế nào là tốt nhất? -Nếu kiêng nhiều quá cũng khó lắm anh ạ. Do người bệnh tâm lý kém mà ăn toàn món kiêng khem, không ngon miệng thì rất khó ạ. -Nếu người bị ung thư không ăn kiêng thì có làm giảm tác dụng điều trị của thuốc? Bạn em bướng bỉnh và không chịu ăn kiêng gì cả, do thất vọng vì bệnh tật và trở nên bất cần đời. Em nên làm sao để giúp bạn em ổn định tâm lý? Em xin chân thành cảm ơn anh. Nếu được anh tư vấn, em sẽ thấy như nhận được món quà từ người em rất ngưỡng mộ và mến phục. Cảm ơn anh (Nhìn hình anh và chị trên trang Alobacsi trông đẹp đôi quá và càng nhân đôi mức độ ngưỡng mộ trong chúng em ạ). (Bạn đọc Quỳnh Như, sinh viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM nhuquynhnguyen…@gmail.com)
Trả lời
Anh xin trả lời câu hỏi của em như sau:
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư rất quan trọng. Chế độ ăn phải hết sức cân đối giữa các loại thực phẩm, đảm bảo đủ chất xơ, chất đạm, chất béo, tinh bột... Như vậy mới đảm bảo giúp người bệnh hồi phục sau những đợt hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Hơn nữa, cơ thể mới có đủ sức, đủ dinh dưỡng mới có thể chống chọi với bệnh tật.
Với người bệnh, việc kiêng một số món ăn không phù hợp, tránh tăng cân, béo phì là cần thiết nhưng phải ăn kiêng đúng cách chứ không nên kiêng quá mức, làm ảnh hưởng sức khỏe.
Việc thay đổi thói quen ăn uống cũng nên diễn ra từ từ. Cơ thể trước đây quen với một số chế độ ăn nhất định nay chuyển sang chế độ ăn đặc biệt dành cho người bị ung thư thì phải chuyển dần dần. Ví dụ như trong bữa, có thể ăn một nửa lượng thức ăn như bình thường nhưng nửa còn lại thì chuyển dần sang thức ăn dành cho người bị ung thư. Việc chuyển dần dần sẽ tạo điều kiện cho cơ thể thích nghi. Không nên đột ngột thay đổi làm cho cơ thể người bệnh không có đủ thời gian để thích nghi, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Có một nguyên tắc chung là khi người bệnh bị suy kiệt hay suy sụp về mặt dinh dưỡng thì sức đề kháng của họ sẽ suy giảm. Do đó, về dinh dưỡng thì điều đầu tiên là nên lựa chọn những món hợp khẩu vị với người bệnh (vì lúc này khẩu vị thường sẽ kém đi, tạo cảm giác biếng ăn, đầy bụng). Hãy làm những món mà người bệnh thích ăn để kích thích vị giác, để họ cảm thấy dễ ăn hơn.
Bên cạnh đó là trong quá trình chế biến có một số nguyên tắc cần phải lưu ý: chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và phải chế biến đúng cách.
Chế biến đúng cách: giả sử như chúng ta dùng ngọn lửa gas hay bếp điện để nấu thì nên chọn mức độ, nhiệt độ vừa phải, không nên nấu quá nhanh. Không nên làm cho thức ăn bị cháy khét vì thức ăn cháy khét thì khả năng thực phẩm biến đổi từ dinh dưỡng sang chất gây ung thư sẽ cao. Đặc biệt là quá trình gia nhiệt trên 200 độ C sẽ làm cho quy luật biến tính diễn ra nhanh hơn, như vậy người bệnh ăn những tác nhân gây ung thư, không tốt cho sức khỏe.
Những món chiên hay nướng cũng hạn chế bớt vì những món này dễ làm cho thức ăn bị biến tính. Nếu chúng ta thích dùng món nướng thì nên nướng ở nhiệt độ vừa phải. Không nên nướng bằng than, củi. Vì khi nướng khói trong than sẽ bám vào thức ăn và bụi than cũng là một chất gây ung thư. Có thể nướng bằng bếp gas, bếp điện thì sẽ đỡ hơn.
Hoặc khi chiên, xào cũng vậy, chúng ta nên thay dầu thường xuyên, không nên để dầu dùng đi dùng lại nhiều lần thì hàm lượng oxy hóa cao dễ gây ung thư.
Trong quá trình chiên cũng nên để ở nhiệt độ vừa phải, có thể khi đó món ăn không giòn, ngon như trước nhưng đảm bảo sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là với bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư cũng nên kiêng một số loại thức ăn quá béo ví dụ như mỡ, bơ. Bên cạnh đó, cũng nên giảm bớt những thực phẩm quá ngọt, quá nhiều tinh bột vì chất béo và đường là hai nguồn dinh dưỡng quan trọng của tế bào ung thư.
Chúng ta có thể thay thế những nguồn chất béo và tinh bột bằng một số loại khác, ví dụ như đạm, hoặc đạm thực vật. Ngoài ra, trong khẩu phần ăn cũng nên tăng hàm lượng chất xơ và hoa quả, ít nhất là khoảng 40% trong khẩu phần ăn.
Nên lựa chọn những loại thực phẩm, rau quả đã được khoa học chứng minh làm giảm nguy cơ ung thư, ví dụ như: bông cải trắng, bông cải xanh, cà rốt, cà chua, dưa leo, dưa gang, mãng cầu xiêm, nghệ, tỏi...
Việc sử dụng những loại gia vị, thực phẩm tốt cho sức khỏe sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh. Thứ nhất là đảm bảo dinh dưỡng, thứ hai là bản thân loại thực phẩm đó có những chất có khả năng giảm nguy cơ ung thư, khi ăn nhiều thì người bệnh cũng sẽ được hưởng lợi từ đó.
Ngoài ra, những người trong gia đình cũng nên theo chế độ ăn như vậy vì tốt cho sức khỏe cả nhà. Bởi khi một người bị ung thư thì nguy cơ của những người còn lại trong gia đình cũng sẽ cao vì ung thư có tính di truyền và do môi trường cùng những tác nhân bên ngoài. Do đó, khi một người bị bệnh thì người thân trong gia đình cùng một hệ gen, khả năng bị ung thư sẽ cao hơn bình thường.
Bên cạnh đó, môi trường sống cũng có thể có vấn đề, tác nhân gây ung thư nào đó mình không biết. Khi sống chung một gia đình, ăn chung nguồn thức ăn, hít chung bầu không khí, uống chung nguồn nước nên nguy cơ ung thư của những người còn lại trong gia đình hay những người sống chung trong khu vực đó cũng sẽ cao hơn mức bình thường.
Vậy nên chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân trong đa số trường hợp cũng phù hợp luôn với những người đang có nguy cơ ung thư và cần phòng ngừa. Thêm một lý do nữa là, "ăn giống nhau, cùng nhau" sẽ giúp cho người bệnh đỡ cảm giác bị phân biệt đối xử (người bệnh có tâm lý ngại ngùng, không muốn cho người khác biết bệnh của mình).
Chính vì vậy, khi ăn chung với nhau, cùng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, mọi người chan hòa, vui vẻ cũng thể hiện được sự ủng hộ đối với người bệnh ung thư về mặt tinh thần. Thông qua việc được chăm sóc tận tình, chia sẻ chế độ dinh dưỡng người bệnh sẽ cảm thấy gần gũi với gia đình hơn. Từ đó, việc điều trị cũng dễ thành công hơn vì khi người bệnh cảm thấy vui vẻ, yêu đời thì hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn, mà hệ miễn dịch tốt hơn thì khả năng đẩy lùi ung thư sẽ hiệu quả hơn.
Dinh dưỡng cụ thể trong một ngày như thế nào là tốt nhất còn tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Đối với đa số bệnh nhân thì chế độ ăn nên được chia làm nhiều bữa nhỏ, thay vì ăn một bữa lớn thì nên chia làm 5-6 bữa nhỏ trong 1 ngày và ăn rải rác, cách nhau khoảng 3 tiếng.
Chế độ ăn như vậy giúp cho bệnh nhân dễ tiêu hóa vì lúc này hệ tiêu hóa của bệnh nhân ung thư (nhất là trong giai đoạn xạ trị, hóa trị) dễ bị tổn thương, nếu ăn một lượng nhiều thức ăn như một bữa chính bình thường sẽ đầy bụng, khó tiêu. Từ đó gây ra tâm lý ngại ăn, càng gây hại cho bệnh nhân.
Do đó, chúng ta nên nhớ nguyên tắc chung: người bệnh ung thư nên chia thành bữa nhỏ. Thức ăn nên được nấu chín, nếu cần thiết thì có thể xay nhuyễn nhưng tốt nhất là nấu mềm và không dùng quá nhiều loại gia vị cay. Quan trọng nhất là nhiệt độ nên bằng với nhiệt độ phòng, không nên quá nóng hoặc quá lạnh.
Khi người bệnh hóa trị hay xạ trị thì các tế bào của đường tiêu hóa dễ bị tổn thương và khả năng hồi phục của những tế bào này rất chậm. Những bệnh nhân ung thư mà bị lở miệng hay bị một vết tổn thương trong đường tiêu hóa sẽ có nguy cơ lan rộng và khả năng hồi phục rất chậm... Thậm chí nếu gây viêm nhiễm thì người bệnh lại phải dành thời gian để điều trị những vết thương, làm trễ chu kỳ hóa trị hoặc xạ trị tiếp theo.
Thứ nữa là, nếu họ bị đau như vậy thì khả năng tiếp tục ăn những thức ăn bình thường hoặc những món ăn dành cho người ung thư sẽ giảm xuống vì họ ngại ăn.
Ngoài ra, gia đình nên chọn nguồn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, sạch an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sự cân bằng trong thành phần dinh dưỡng.
Nên thay một số loại thịt đỏ, thịt gia súc bằng những loại khác như hải sản an toàn, cũng như những loại đạm thực vật sẽ tốt hơn. Đảm bảo hàm lượng chất xơ và trái cây, rau, quả ít nhất là đạt 40-50% trong khẩu phần ăn. Giảm bớt hàm lượng chất béo, tinh bột xuống. Đó là những điều chúng ta cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư.
Ví dụ như một số loại thuốc hoặc xạ trị thì sẽ tiêu diệt ung thư bằng cách gây ra những tổn thương trên ADN của tế bào ung thư và tạo ra những stress về mặt oxy hóa đối với tế bào ung thư nên nếu dùng nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng kháng oxy hóa trong quá trình điều trị thì có nguy cơ chất kháng oxy hóa này sẽ làm giảm tác dụng điều trị của hóa trị, xạ trị.
Do đó, cần nhớ, việc sử dụng thực phẩm chức năng hay loại thuốc bổ trợ cần phải có sự tư vấn của các y bác sĩ cũng như các chuyên gia y tế có kinh nghiệm. Bởi nếu chúng ta dùng sai sẽ làm giảm tác dụng điều trị của thuốc, khả năng tiêu diệt ung thư của hóa trị, xạ trị có thể sẽ giảm xuống.
Thứ 2 nguy hiểm hơn đó là một số loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ nếu chúng ta dùng không đúng cách thì sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc với thuốc hóa trị. Khi tương tác như vậy sẽ có 3 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp tốt nhất là nó cộng hưởng, các thuốc giúp đỡ lẫn nhau và nó tăng hiệu quả điều trị, đây là điều quá lý tưởng. Tuy nhiên trường hợp đó hiếm khi xảy ra và đòi hỏi phải có sự tính toán khoa học về mặt liều lượng.
- Trường hợp thứ 2 đó là các loại thuốc bổ trợ hay thực phẩm chức năng nó sẽ tương tác độc lập, nghĩa là mạnh đường ai nấy đi, không có ảnh hưởng gì đến nhau. Trường hợp này cũng tạm chấp nhận được.
- Trường hợp thứ 3 rất nguy hiểm mà đa số xảy ra đó là trường hợp kiềm hãm, nghĩa là các chất này tương tác với nhau và làm cho thuốc hóa trị mất tác dụng. Sau phản ứng đó nó tạo ra những chất độc cho cơ thể. Những sản phẩm phụ mà độc như vậy thì vô tình lại hại bệnh nhân.
Vì vậy, việc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc bổ trợ cần hết sức cân nhắc. Đặc biệt là trong những ngày hóa trị, xạ trị hoặc 2 ngày trước, 2 ngày sau hóa trị, xạ trị. Nếu không có chỉ định của BS, không nên dùng.
Việc người ung thư không ăn kiêng có khả năng làm giảm tác dụng của điều trị. Ví dụ như chúng ta ăn quá nhiều chất béo, hoặc quá nhiều đường thì có thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
Lý do thứ 1 là thực phẩm quá béo sẽ cung cấp những axit béo mà axit béo là nguồn năng lượng quan trọng cho tế bào ung thư.
Lý do thứ 2 là việc ăn quá nhiều chất béo làm tăng nguy cơ béo phì, thừa cân, mà đây là những nhân tố làm tăng nguy cơ ung thư, làm cho việc điều trị ung thư khó khăn hơn rất nhiều vì khi những mô mỡ thừa này sản xuất ra hoóc môn hoặc những chất gây viêm cao đó là lý do kích thích ung thư phát triển.
Do đó, nên hạn chế, không nên ăn quá nhiều chất béo.
Tương tự như vậy đối với đường, tinh bột, cũng không nên ăn nhiều vì khi ăn quá ngọt thì sẽ làm hàm lượng insullin tăng trong máu tăng, từ đó tế bào ung thư sẽ hưởng lợi (vì insullin là một hoóc môn có khả năng làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Điều này đã được khoa học chứng minh).
Người bị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2 thì nguy cơ ung thư sẽ cao hơn người bình thường và nếu chẳng may bị ung thư thì việc điều trị phức tạp hơn nhiều. Do khi ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt thì cũng đồng thời cung cấp thêm đường làm tăng đường huyết. Khi tăng đường huyết, tế bào ung thư có khả năng lấy đường để phục hồi.
Đặc biệt là trong quá trình điều trị hóa trị hay xạ trị thì tế bào ung thư sẽ bị tổn thương và chúng cần có năng lượng và các nguyên vật liệu để sửa chữa những tổn thương do hóa trị, xạ trị gây ra.
Đồng thời, tế bào ung thư cũng cần năng lượng thực hiện cơ chế phòng vệ kháng thuốc. Ví dụ như tế bào ung thư có khả năng bơm thuốc ngược ra trở lại hoặc khi thuốc vào bên trong thì tế bào ung thư sẽ tìm mọi cách ức chế không cho thuốc tiếp cận mục tiêu là AND của tế bào ung thư.
Thậm chí nó cũng có thể sử dụng enzym đặc biệt để bất hoạt chuyển hóa, thay đổi cấu trúc hóa học của thuốc. Bản thân tế bào ung thư nó cũng có khả năng hình thành những lớp mỡ rất dày để thuốc không xâm nhập được vào bên trong. Tất cả những trường hợp đó, ung thư đều cần năng lượng, những năng lượng đó lấy từ nguồn dinh dưỡng thường hay sử dụng như axit béo là chất béo, đường từ tinh bột.
Do đó, việc ăn kiêng (thực ra nói đúng phải là ăn uống hợp lý) thì sẽ làm tăng tác dụng điều trị của thuốc và làm tăng thể trạng của bệnh nhân, giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn.
Thân mến!
Trích trong: TS Phan Minh Liêm: Thực phẩm phòng ngừa ung thư và dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn
>>> TS Phan Minh Liêm - Viện Ung thư Hoa Kỳ: "Ung thư - hiểu đúng để phòng bệnh"
>>> “Thay đổi những thói quen nhỏ có thể giảm 2/3 nguy cơ ung thư”
>>> TS Phan Minh Liêm và hội thảo ung thư: Câu chuyện của 4 tiếng đồng hồ và 300 khách mời
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp. Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng: › Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn › Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn › Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123 › Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình