Hotline 24/7
08983-08983

Thỉnh thoảng tôi có cơn nhịp tim nhanh và tăng huyết áp, có phải tôi bị rối loạn lo âu?

Câu hỏi

Kính chào bác sĩ! Tôi năm nay 39 tuổi (nam), cân nặng: 56 kg, chiều cao 1.62 m. Cách đây hơn 10 năm trong một lần khám sức khỏe định kỳ tại cơ quan tôi được chẩn đoán là cáo huyết áp độ I (150/90mmHg) nên kể từ đó trong suy nghĩ là mình bị cao huyết áp. Vì vậy hàng năm mỗi khi khám sức khỏe tôi luôn hồi hộp khi kiểm tra huyết áp và kết quả đều nằm trong khoảng 140/90-160/90 mmHg. Gần đây tôi có mua máy đo huyết áp (điện tử và cơ) về để đo tại nhà thì thấy rằng huyết áp của mình không cao như vậy mà chỉ khoảng 120/80 -130/90mmHg, nhưng mỗi khi cơ thể có dấu hiệu bất ổn là tôi lại lo sợ và nghĩ ngay đến huyết áp. Vào đầu năm nay tôi thấy khó chịu trong người nên lấy máy huyết áp ra đo thì thấy thì thấy nhịp tim nhanh 105 lần/phút (nhịp tim bình thường của tôi là 60 lần/phút) và huyết áp 165/100mmHg làm tôi rất lo sợ định đi cấp cứu nhưng ngồi một lát đo lại thì thấy huyết áp và nhịp tim giảm dần người trở lại bình thường (thật ra triệu chứng này trước kia thỉnh thoảng cũng có nhưng tôi chỉ đo huyết áp khi qua cơn nên thấy huyết áp không cao và nhịp tim cũng bình thường nên không lo lắng nhiều). Hôm sau tôi đi khám và khai với bác sĩ là tôi bị huyết áp và tại phòng khám đo được là 150/90mmHg và bác sĩ yêu cầu tôi uống thuốc huyết áp (lostard 25mg), kể từ khi uống thuốc huyết áp thì tôi luôn theo dõi huyết áp ngày 3 lần (sáng, trưa, tối) đều nằm trong khoảng 100-70 đến 120/80 rất ổn định. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bị cơn nhịp tim nhanh trong khoảng 10-15 phút làm người rất khó chịu, nhịp tim lên khoảng 90-100 nhịp/phút (bình thường khoảng 50-60 nhịp/phút), huyết áp tôi đo lúc này thường là khoảng 140/90. Qua cơn thì nhịp tim và huyết áp trở lại bình thường. Tôi đã đi rất nhiều bác sĩ và làm xét nghiệm, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi nhiều lần. Siêu âm bụng, siêu âm tim, điện tim kết quả bình thường. Thử máu (đường huyết, mỡ máu, chức năng gan, thận, siêu vi B…), thử nước tiểu đều bình thường. Phần lớn các bác sĩ kết luận tôi bị rối loạn thần kinh thực vật, cường giao cảm, rối loạn thần kinh tim… Và bác sĩ điều trị mới nhất của tôi đã đề nghị tôi không uống thuốc huyết áp nữa và qua hơn 1 tháng không uống thuốc và theo dõi thì huyết áp của tôi cũng chỉ nằm trong khoảng 120/70-130/85 mmHg, vì vậy bác sĩ này kết luận tôi không không bị tim mạch hay huyết áp gì cả mà các triệu chứng của tôi là do RỐI LOẠN LO ÂU gây nên. Tôi rất lo sợ sẽ bị lên cơn, trong ngày lúc nào tôi cũng nghĩ về bệnh tật và càng lo nghĩ tôi có cảm giác mình bị lên cơn nhiều hơn, trước đây là một tháng/lên cơn 1 lần bây giờ có khi 1, 2 ngày là lên cơn 1 lần. Tôi vốn tập luyện thể thao đều đặn (chơi bóng bàn) với thời gian 2 giờ/ngày trong 7 năm qua nhưng thời gian gần đây tôi cảm giác không tập trung khi chơi và trong đầu luôn sợ sẽ lên cơn nên rất mau mệt, có khi chỉ chơi được 30 phút là tim đập nhanh, người khó chịu không thể chơi tiếp được nữa mặc dù trước kia có lúc tôi chơi 3 giờ liên tục vẫn không thấy mệt. Bây giờ tôi cũng không dám tập bóng bàn nữa vì sợ mệt. Alobacsi.vn cho tôi hỏi: 1. Có đúng là tôi bị rối loạn lo âu không? 2. Rối loạn lo âu có những triệu chứng nhưng tôi mắc phải không như: Thỉnh thoảng có cơn nhịp nhanh, huyết áp tăng, bụng hơi nôn nao khó chịu, đầy hơi, tay chân hơi run. Qua cơn khoảng 10-15 phút thì huyết áp và nhịp tim trở lại bình thường. 3. Hướng điều trị bệnh của tôi như thế nào? 4. Tôi có thể tự mình điều chỉnh tâm lý, thói quen sinh hoạt để điều trị bệnh mà không cần dùng thuốc được không? Tôi xin chân thành cám ơn và rất mong nhận được hồi âm của Alobacsi.vn (Trương Thụy - Đà Lạt)

Trả lời

Chào bạn!

 

Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin phép nói đôi chút về tăng huyết áp. Người ta chia huyết áp ở người từ 18 tuổi trở lên ra các mức sau:

 

- Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu <120 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mmHg.

 

- Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu 120-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80-89 mmHg.

  

Huyết áp của bạn không phải là một con số cố định mà nó thay đổi theo nhịp sinh học (thường thấp hơn vào chiều tối và thấp nhất vào ban đêm khi bạn ngủ say), thay đổi khi có tác động tâm lý (lo lắng, sợ hãi...), thay đổi khi gắng sức (vận động thể lực...), thay đổi khi dùng một số chất kích thích (cà phê, thuốc lá...)...

 

Vì vậy để chẩn đoán tăng huyết áp ngoài công cụ đo chuẩn xác, tư thế phù hợp, cách đo đúng, cần phải lưu ý trạng thái bệnh nhân (không có bệnh kèm theo, nghỉ ngơi trước đo 15 phút, không dùng thuốc hoặc chất khích thích...) và phải đo ít nhất 2 lần trong một lần khám, lặp lại ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất một tuần...

 

Đa số tăng huyết áp không tìm được nguyên nhân, tuy nhiên có một số trường hợp có nguyên nhân và thường xảy ra ở người trẻ.

 

Để điều trị tăng huyết áp tốt nhất là bạn tìm được nguyên nhân, khi nguyên nhân được điều trị huyết áp của bạn sẽ trở về bình thường, riêng đối với tăng huyết áp không tìm được nguyên nhân bạn phải điều trị suốt đời.

 

Theo thư của bạn gợi cho tôi nhớ đến chứng u tủy tuyến thượng thận (pheochromocytoma) làm tăng tiết các catecholamine trong cơ thể gây ra các triệu chứng như bạn mô tả. Vì vậy bạn nên đến khám tại khoa Tim mạch - Nội tiết ở một bệnh viện lớn để được làm một số xét nghiệm tầm soát bệnh u tủy tuyến thượng thận trước khi đến khám tại khoa Tâm lý để xác định bạn có phải bạn đang bị Rối loạn lo âu (anxiety disorder) hay không.

 

Hướng điều trị bệnh của bạn tùy thuộc vào căn bệnh bạn mắc phải, có nghĩa là bạn phải được khám và chẩn đoán chính xác trước khi điều trị thì mới đạt kết quả tốt.

 

Chúc bạn mau bình phục!

 

 

BS-CK1 Khương Kế Hạnh

 

  

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X