-
Người tiểu đường nên tiêm vắc xin nào, giá bao nhiêu?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, tôi bị tiểu đường type 2, vậy có nên chích ngừa không? Nếu được thì nên tiêm mũi nào để bảo vệ sức khỏe? Xin cảm ơn. (Đỗ Hùng - 47 tuổi).
Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bác thân mến,
Lâu nay, việc tiêm vắc xin đã được thế giới công nhận là một phương pháp an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho việc phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm. Ở bệnh nhân tiểu đường, hệ thống miễn dịch dễ bị tấn công, khiến cho người bệnh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, phế cầu, thủy đậu,... Do đó tiêm phòng vắc xin cho bệnh nhân tiểu đường là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Vắc xin cúm: Cúm là bệnh rất thường gặp và có thể là khởi phát của các bệnh nghiêm trọng khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Ở bệnh nhân bị tiểu đường khi mắc bệnh cúm tình trạng nhiễm khuẩn xấu hơn, nhiều biến chứng mạch vành, nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn 2-4 lần, tỷ lệ nhập viện cao hơn 6 lần và tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.
Các bệnh nhân bị tiểu đường được khuyến cáo cần tiêm vắc xin cúm mỗi năm một lần vào mùa thu (hoặc mùa đông xuân) để bảo vệ và phòng ngừa. Chi phí tiêm ngừa vắc xin cúm sẽ thay đổi tùy theo cơ sở y tế, loại vắc xin Vaxigrip, Influvac, GC FLU giá giao động từ 220.000 - 280.000 đồng.
Vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván: Vắc-xin Tdap (Adacel, Boostrix...) là vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Theo khuyến cáo, bạn nên tiêm một liều Tdap định kỳ vào khoảng 10-13 tuổi; đối với những trường hợp không tiêm Tdap ở độ tuổi này thì nên tiêm càng sớm càng tốt. Có thể tiêm vắc - xin Tdap như Adacel từ 4 đến 64 tuổi. Chi phí khoảng trên 600.000 đồng (tùy cơ sở y tế).
Vắc xin viêm gan B: Bệnh viêm gan B có thể lây truyền bằng việc dùng chung dụng cụ điều trị như máy đo đường huyết hoặc kim lấy máu. Việc tiêm vắc-xin viêm gan B có tầm quan trọng rất lớn đối với bệnh nhân tiểu đường. Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B được khuyến cáo ở bệnh nhân độ tuổi dưới 60. Đối với các trường hợp từ 60 tuổi trở lên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Chi phí giao động từ 100.000 - 160.000 đồng/ mũi (tùy loại vắc xin, cơ sở y tế)
Một số vắc xin khác có thể tiêm thêm ở bệnh nhân tiểu đường như: Vắc xin phòng bệnh thủy đậu (Chickenpox), vắc xin ngừa phế cầu, vắc xin phòng bệnh Zoster (Shingles hay zona)…
Bác có thể đến các cơ sở y tế tiêm ngừa tại địa phương như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/ thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng, Viện Pasteur, VNVC… để được tư vấn cụ thể các mũi tiêm.
Trân trọng!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình