Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
Ngứa dữ dội kèm đau đầu, cháu sợ sán lên não?
Câu hỏi
Chào BS, cháu có 1 vấn đề mong BS tư vấn giúp cháu ạ. Cháu hiện là sinh viên năm 3, vào năm 1 khi cháu vừa vào Sài Gòn học được 1 tuần thì toàn thân đột nhiên nổi ngứa thành mảng mảng, bắt đầu từ mặt rồi lan dần dần xuống dưới, càng gãi càng lan rộng và ngứa ạ. Đặc biệt là vào ban đêm, cơn ngứa rất dữ dội. Anh cháu làm bên dược có tư vấn cho cháu uống telfast 180mg và sau 2 ngày uống cháu đã khỏi ạ. Nhưng sau đó cháu có ăn trứng và bị nổi, gần như ngày nào cũng nổi ạ. Anh cháu bảo kiên ăn đủ thứ, có khi cháu chỉ ăn chay mà cũng bị nổi (bao gồm đậu hũ và rau ngót). Sau đó cháu đi học quân sự ở Dĩ An gần 1 tháng thì không hiểu sao ở đó cháu ít bị nổi hơn chỉ bị 1-2 lần. Sau đó cháu về lại Nha Trang thì bị nổi lại. Tết năm nay cháu có về khám ở phòng khám da liễu tư ở Nha Trang, BS có cho cháu uống thuốc bảo uống 3 tháng sẽ hết ngứa triệt. BS kê đơn 10 ngày cho cháu, uống hết hẳn, không còn ngứa nữa. Cháu vào Sài Gòn mua thêm 1 tháng thuốc. Uống xong 1 tháng đấy cháu đi mua thuốc theo đơn tại tiệm kia thì anh đó bảo em uống thuốc này lâu chưa, xong cháu bảo em uống được 1 tháng rồi. Anh ấy bảo trời ơi, ai lại kê đơn cho em như vậy, đại loại hình như trong 3 loại thuốc ấy có 2 loại không nên uống với nhau, anh bảo uống xong mục xương gì đấy. Rồi ảnh hỏi con có bị tăng cân bất thường mà không phải do ăn không. Công nhận từ khi uống thuốc đó vô da mặt con xấu hẳn đi, da tối hơn, bị phệ, trong khi con ít ăn hơn trước đó, Nhìn mặt con lúc đấy trông rất xanh xao, ai nhìn cũng tưởng con đang bị bệnh. Thế là con ngưng thuốc ấy ngay. Đi khám ở BV Tân Sơn Nhất thì BS bảo con bị mề đay dị ứng, nói là bệnh này sẽ không bao giờ hết, chỉ có khi nào ngứa uống thuốc vô. Nhưng ngày nào con cũng bị nổi ngứa, nếu như vậy không lẽ ngày nào con cũng phải uống thuốc. Con có nhỏ bạn nó kể hồi xưa nó cũng có triệu chứng như con, đi khám hết chỗ này đến chỗ khác cho thuốc uống nhưng cứ ngưng thuốc là ngứa lại. Rồi gia đình dẫn nó xuống Viện sốt rét kí sinh trùng Quy Nhơn phát hiện bị sán chó. Kê thuốc cho nó uống tầm 2 tuần là nó hết đến tận bây giờ. Nghe vậy cháu cũng đi xét nghiệm ở Viện Pasteur TPHCM về giun đũa sán chó, giun lươn, giun sán heo, viêm cơ địa dị ứng nhưng kết quả toàn âm tính hết. Cháu không biết phải làm sao. Cháu định cuối tuần sẽ xuống Quy Nhơn khám lại. Không biết cháu có nên đi không ạ? Hay kết quả xét nghiệm đó đã đúng rồi ạ? Tầm 3 tuần nay cháu ít bị ngứa người hơn, nhưng lại chuyển sang ngứa đầu dữ dội, nhất là về đêm khiến cháu bị mất ngủ, đêm nào cũng 1 giờ sáng cháu mới ngủ được. Lâu lâu cháu lại hay bị đau đầu kinh khủng. Cháu sợ có khi nào cháu bị sán lên não giống vài trường hợp không ạ? Tại cháu cũng có đi nhuộm tóc được 1 tháng rưỡi rồi, cháu sợ bị dị ứng thuốc nhuộm nhưng sao đến tận bây giờ mới phát dị ứng ra ạ? Với cả đầu cháu không có gàu, cũnh không nổi hạt gì. Đầu cháu mới gội xong cũng bị ngứa. Cháu mong BS hãy tư vấn giúp cháu với ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn BS ạ. (Nguyen Ngoc - nguyenngoc…@gmail.com)
Trả lời
Chào em Ngọc,
Với kết quả xét nghiệm âm tính đối với các loại giun sán tại Viện Pasteur TPHCM thì em có thể yên tâm về độ chính xác, không cần phải về Quy Nhơn để làm xét nghiệm lại đâu em nhé.
Qua những thông tin em cung cấp, BS nghĩ nhiều triệu chứng ngứa da của em có liên quan đến mề đay dị ứng.
Một số trường hợp dị ứng có yếu tố gây dị ứng rõ ràng, ví dụ như phấn hoa, thời tiết, mạt nhà, quần áo, xà phòng, hóa chất, nước sinh hoạt bẩn, thức ăn, thuốc…
Yếu tố khởi phát dị ứng còn có thể là hơi nóng, thời tiết lạnh, sử dụng rượu bia, áp suất cao, tập luyện quá sức, ánh nắng mặt trời, stress tâm lý, bệnh lý nội khoa mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn, xơ gan…
Nếu như biết được chính xác do nguyên nhân nào thì chỉ cần tránh xa nó là em sẽ không xuất hiện triệu chứng nữa. Trong trường hợp của em có thể yếu tố gây dị ứng chỉ có ở Nha Trang hoặc TPHCM nên khi ở Dĩ An em ít khi xuất hiện triệu chứng. Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể dị ứng với nhiều yếu tố chứ không chỉ là một. Em nên cố gắng tìm hiểu xem bản thân khởi phát triệu chứng khi tiếp xúc với những yếu tố nào và tránh xa.
Một số trường hợp không thể tìm được nguyên nhân hoặc vẫn phải tiếp tục tiếp xúc do tính chất nghề nghiệp thì thuốc kháng histamin là lựa chọn thích hợp để giảm triệu chứng. Các thuốc này ít tác dụng phụ và không gây “mục xương” như loại thuốc em đã sử dụng trước đây (chẳng hạn như fexofenadine hay telfast, loratadine, desloratadine, cetirizine, và levocetirizine là những lựa chọn đầu tay).
Nếu không đáp ứng có thể xem xét sử dụng thuốc bôi kháng viêm từng đợt ngắn hạn hoặc sử dụng các loại thuốc uống khác có hiệu quả hơn, nhưng đương nhiên chi phí điều trị và tác dụng phụ cũng nhiều hơn.
Đây là bệnh da liễu khá phức tạp, dễ tái phát và nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, em nên mang các toa thuốc, xét nghiệm đã có đến trực tiếp BV Da Liễu để BS đánh giá lại và điều trị giúp đạt hiệu quả cao, em nhé!
Thân mến!
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp. Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng: › Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn › Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn › Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình