Hotline 24/7
08983-08983

Đường huyết hạ thấp, có nên tiếp tục uống trà khổ qua?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Tôi bị tiểu đường type 2 đã 2 năm, lúc trước đường huyết cao tôi có uống trà khổ qua hàng ngày nhưng khoảng 3 tháng trước xét nghiệm thì chỉ số còn 6.2 và hôm nay xét nghiệm thì 6.0 (đo khi đói), bác sĩ báo tôi bị đường huyết thấp. Xin hỏi bác sĩ bệnh tôi có phải là xấu đi không? Tôi có nên giảm uống trà khổ qua không?

Trả lời
Khổ qua khô nấu trà uống giúp điều trị bệnh tiểu đường type 2. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Khổ qua khô nấu trà uống giúp điều trị bệnh tiểu đường type 2. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Khổ qua (Momordica charantia L.) còn có tên khác là Mướp đắng, Cẩm lệ chi, Hồng dương, Lại bồ đào là loại phổ biến, phân bố ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đã từ lâu khổ qua được sử dụng là 1 vị thuốc giúp hạ đường huyết, và ngày nay khoa học đã chứng minh điều đó với việc phát hiện chất giúp hạ đường huyết trong khổ qua (Pugazenthi - S - Murthy, chiết xuất ra 3 chất được đặt tên là Kakara) và dịch ép từ trái khổ qua có tác dụng hạ glucose máu trên động vật thực nghiệm được gây bệnh đái tháo đường không phụ thuộc vào insuline và trên động vật thực nghiệm được gây bệnh đái tháo đường phụ thuộc vào insuline lại không có tác dụng hạ đường huyết. Dịch ép từ trái khổ qua có tác dụng làm tăng đáng kể sự dung nạp Glucose ở 73% bệnh nhân đái tháo đường type 2. Do đó, việc bạn uống trà khổ qua hàng ngày dẫn đến đường huyết thấp xuống là điều có thể lý giải được.

Đường huyết ở người có bệnh tiểu đường không được để quá cao cũng không được để thấp quá, thái cực nào cũng nguy hiểm. Tôi không rõ xét nghiệm đường huyết của bạn (6.2 và 6.0) là loại xét nghiệm gì (HbA1C hay glucose máu), đơn vị ra sao nên tôi không biện luận về kết quả này. Thế nhưng, vì lợi ích mang lại từ khổ qua là rất tốt, do đó bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng trà khổ qua nhưng cần nói với bác sĩ điều trị để bác sĩ cân đối lại giữa thuốc uống (ví dụ như giảm thuốc) và lượng trà bạn uống hàng ngày để có được hiệu quả tốt nhất.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Khổ qua từ lâu đã được sử dụng như một liều thuốc thảo dược để chữa trị một loạt các bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường tuýp 2.

Khổ qua có chứa ít nhất ba hoạt tính có đặc tính chống tiểu đường, bao gồm charantin - hoạt tính được công nhận có tác dụng hạ đường huyết, vicine và một hợp chất giống insulin gọi là polypeptide-p.

Những chất này đều có hiệu quả đơn lẻ hoặc kết hợp để giúp làm giảm lượng đường trong máu.

Ngoài ra, trong khổ qua còn có chứa một chất gọi là lectin có khả năng làm giảm nồng độ glucose trong máu bằng cách kích thích các mô ngoại vi và ngăn chặn cảm giác thèm ăn - tác dụng tương tự với hiệu quả của insulin trong não.

Một nghiên cứu từ năm 2008 cho thấy trái khổ qua giúp cải thiện tình trạng không dung nạp được glucose và gây ức chế mức đường huyết trong cơ thể.

Một nghiên cứu khác đã được tiến hành nhằm xác định xem những người mắc bệnh đái tháo đường liệu ăn khổ qua có thể làm giảm mức hemoglobin A1c (hàm lượng đường huyết trung bình được đo định kì 2-3 tháng) hay không.

Kết quả chứng minh rằng khổ qua có thể làm giảm 0,25% hàm lượng A1c, khá tốt trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường…

Cách dễ dàng nhất để bạn tiêu thụ khổ qua chính là đưa vào thực đơn ăn uống hàng ngày của bạn các món hấp dẫn được chế biến từ khổ qua. Bạn có thể xào khổ qua với trứng hay các loại rau ưa thích để dễ ăn hơn.

Bạn cũng có thể bổ sung các chất có trong khổ qua được chiết xuất dưới dạng thuốc viên.

Ngoài ra, bạn nên kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu bằng cách kiểm tra định kì 2-3 tháng.

Bạn chỉ nên ăn khổ qua với lượng vừa phải (khoảng 62.2g, tương đương với hơn hai trái khổ qua) mỗi ngày vì ăn khổ qua quá nhiều có thể gây ra cơn đau bụng nhẹ hoặc tiêu chảy.

Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi quyết định sử dụng khổ qua cùng lúc với các loại thuốc theo toa khác để điều trị bệnh tiểu đường, vì có nguy cơ khổ qua đắng sẽ gây tương tác với thuốc làm giảm glucozo trong máu (tình trạng lượng đường trong máu quá thấp).

Gợi ý các món ăn bài thuốc chữa tiểu đường hiệu quả, dễ làm:

1. Khổ qua 100g, tuỵ lợn 1 cái, nấm hương 200g. Nấu thành canh, ăn 2-3 bữa/tuần. Dùng cho những người tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch.

2. Khổ qua 100g, nấm hương 150g, đậu ván trắng (Bạch biển đậu) 200g. Nấu thành cháo. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ đường huyết. Dùng cho những người tiểu đường, ăn uống kém, gầy sút. Có thể dùng hằng ngày thay cơm.

3. Khổ qua 150g, đậu phụ 200g, nấm hương 200g. Nấu thành canh. Dùng cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipid có hiệu quả tốt.

4. Khổ qua 100g, nấm hương 200g, mộc nhĩ 150g, thịt nạc (lợn hoặc ức gà) 200g. Nấu thành canh, ăn 2 - 4 bữa/tuần. Dùng cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipid, tăng huyết áp.

5. Khổ qua 150g, Hoài sơn 10g, Ý dĩ 15g, nấm hương 100g, thịt nạc 200g. Hầm lên ăn cùng cơm 2 – 3 lần/tuần. Dùng cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, suy nhược cơ thể.

6. Khổ qua 1 quả to, nấm hương 50g, trứng gà 2 quả. Xào lên ăn cùng cơm. Dùng cho người bị bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipid, mẩn ngứa…

Chú ý: Trong các món canh, món hầm, Khổ qua được cho vào sau, không nấu quá kỹ làm mất đi các Enzyme, các khoáng chất tự nhiên có tác dụng chữa bệnh trong trái Khổ qua.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X