Hotline 24/7
08983-08983

Cần lưu ý gì để phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn Hp?

Câu hỏi

Em chào BS Lan Hương ạ, Em mới phát hiện nhiễm Hp mà nghe nói con vi khuẩn này gây ung thư nên lo lắng quá, nên hôm nay em gửi câu hỏi nhờ BS Hương giải đáp giúp em ạ. Xin hỏi BS nhiễm Hp nguy hiểm như thế nào? Bệnh này lây truyền ra sao ạ? Em ăn uống cẩn thận lắm nhưng không hiểu sao vẫn bị nhiễm ạ? Các biến chứng có thể gặp phải nếu không sớm phát hiện và xử lý? Nên uống thuốc như thế nào để diệt trừ Hp? Có nên uống thuốc điều trị kết hợp thuốc phòng ngừa? Cần lưu ý gì đề phòng lây nhiễm/tái lây truyền vi khuẩn HP? Em muốn hỏi thêm là đợt vừa rồi em đi nội soi dạ dày, thấy họ dùng ống nội soi nhét vào bụng, xin hỏi BS ống đó dùng nội soi cho nhiều người như vậy, nếu không được xử lý sạch thì có làm lây nhiễm Hp từ người này cho người khác không? Em cảm ơn BS nhiều lắm ạ. Chúc bác sức khỏe và ngày càng thành công hơn nữa. (Hồ Thị Hà Vy - hothihavy…@gmail.com)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Hp là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày thường gặp. Nhiễm Hp kèm có triệu chứng đau dạ dày thì cần phải trị, nếu không bệnh sẽ không hết và Hp có thể gây ra loét, viêm mạn và dẫn đến ung thư dạ dày.
 
Trị Hp thì BS sẽ phải dùng kháng sinh, vì đây là vi khuẩn, và phải dùng 2 loại kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế tiết dạ dày từ 10-14 ngày mới diệt được Hp (phác đồ chuẩn của hội tiêu hóa gan mật Việt Nam và thế giới), vì chúng trú ẩn sâu trong thành của dạ dày.

Em nên đến khám chuyên khoa tiêu hóa để được kê thuốc phù hợp (BS không được phép kê thuốc khi không trực tiếp khám cho người bệnh). Sau đợt điều trị thì em cần ngưng tất cả các thuốc trong 1 tháng rồi quay lại kiểm tra xem Hp đã được tiệt trừ chưa, nếu chưa thì BS sẽ đổi sang phác đồ khác cho em vì chúng rất “ranh ma”, nhưng mình cũng có nhiều phác đồ để đối phó với chúng nên em đừng quá lo lắng.

Ngoài ra, em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

Về vấn đề lây nhiễm, Hp rất dễ lây nhiễm qua đường tiêu hóa. HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống chung, hôn môi.

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP trong cộng đồng, em nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân và tránh chung đụng trong ăn uống. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung.

Khi dùng đũa cá nhân tránh để đũa chạm vào những phần thức ăn còn lại, gắp nhanh và dứt khoát, không khua khoắng. Không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người.

Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy... Ống nội soi tại BV đã được khử khuẩn sạch theo tiêu chuẩn của bộ y tế để giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm chéo Hp giữa các bệnh nhân với nhau, em nhé!

Thân mến!

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn

› Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X