Hotline 24/7
08983-08983

Dịch sốt xuất huyết ở phía Nam diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao

Qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo tuần do Viện Pasteur TPHCM tổng hợp, trong 4 tuần gần đây, ca mắc sốt xuất huyết chiếm 50% tổng số ca tích lũy từ đầu năm, tương tự, ca tử vong cũng chiếm 45%.

Chiều 13/6, tại Hội nghị tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức, các đại biểu bày tỏ nhiều lo lắng dịch SXH bùng phát. Trong khi đó, nhân sự chuyên trách mỏng, hóa chất diệt muỗi, thuốc điều trị có nguy cơ cạn kiệt do chậm đấu thầu. Do vậy, cần tập trung các giải pháp để kiềm chế số ca mắc bệnh.

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây. Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 66,5% với cùng kì năm 2021 là 7.039 ca. Trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kì năm 2021 (28 ca). Các địa phương có số ca mắc tăng cao là TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai… Đây cũng là những địa phương có số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết cao gồm: Tám ca ở TPHCM, tám ca ở Bình Dương, năm ca ở Đồng Nai, năm ca ở Tây Ninh.

Dịch sốt xuất huyết đang có diễn tiến phức tạp và có nguy cơ bùng phát mạnh tại miền Nam

HCDC cho biết, hiện nay TPHCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch SXH, do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi… Người dân cần đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Người dân cũng cần sử dụng bình xịt, hương muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Trước nguy cơ bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cảnh báo, người dân không lơ là phòng dịch. Nhất là đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lí tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Đặc biệt, sốt xuất huyết và COVID-19 rất dễ nhầm lẫn với nhau khi đều có các biểu hiện ban đầu như: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ… nên người dân phải cẩn trọng, không chủ quan.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP lưu ý người dân không được chủ quan, đưa trẻ đến nhập viện muộn, mà phải luôn nghĩ đến trẻ có thể mắc sốt xuất huyết khi sốt chứ không phải chỉ lo trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác.

"Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, ngay cả trong đêm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen; tay chân lạnh; nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống" - BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X