Đến 40% bệnh nhân tiểu đường có tình trạng suy thận, làm thế nào để phòng ngừa?
Biến chứng bệnh thận ở người đái tháo đường là do đường huyết tăng cao kéo dài gây tổn thương hệ thống lọc của thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Theo lời khuyên của BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, thay đổi lối sống và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là cách để ngăn chặn diễn tiến suy thận trên những bệnh nhân đái tháo đường.
1. Đái tháo đường ảnh hưởng đến thận theo cơ chế nào?
Thưa BS, vì sao bệnh đái tháo đường thường làm tổn thương thận?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh đái tháo đường gây tổn thương thận qua nhiều cơ chế. Bệnh có thể gây tổn thương các mạch máu lớn, làm xơ vữa các mạch máu nuôi thận. Những tổn thương ở mạch máu nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng tiểu đạm, dẫn đến suy thận. Sự ảnh hưởng đến dây thần kinh sẽ gây bệnh bàng quang thần kinh, bệnh nhân đi tiểu không hết cũng dẫn đến suy thận.
2. Ngày càng có nhiều biện pháp phòng ngừa suy thận hiệu quả trên bệnh nhân đái tháo đường
Nhờ BS cho biết, dấu hiệu nào cho biến biến chứng thận trên người bệnh đái tháo đường đã xảy ra? Dấu hiệu nào là dấu hiệu sớm, dấu hiệu nào là dấu hiệu muộn, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Khoảng 20 - 40% bệnh nhân tiểu đường có tình trạng suy thận và đó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm tổn thương thận do bệnh tiểu đường gặp rất nhiều khó khăn.
Khi những triệu chứng xuất hiện thì đã đến giai đoạn muộn. Một điều may mắn là các biện pháp phòng ngừa suy thận trên bệnh nhân đái tháo đường ngày càng hiệu quả hơn. Nhưng vấn đề gặp phải là bệnh nhân thường tự ý bỏ thuốc, không theo dõi sát việc điều trị.
3. Phân biệt phù do suy thận và do suy giãn tĩnh mạch
Nhờ BS phân biệt dấu hiệu suy thận và dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch chi ở người bệnh đái tháo đường.
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh nhân suy thận thường bị phù ở các vị trí mặt, mắt và nặng hơn là ở tay, chân. Phù do bệnh lý suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ sau sinh và những người béo phì; thường sẽ bị phù ở chân vào buổi chiều. Biểu hiện phù sẽ giảm vào buổi sáng sớm hoặc sau khi nằm kê cao chân.
Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu nhận biết sơ khởi để phân biệt. Để xác định chính xác tình trạng, người bệnh vẫn cần được khám với bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm.
4. Nhóm bệnh nhân đái tháo đường nào có nguy cơ suy thận cao?
Nhóm bệnh nhân đái tháo đường nào có nguy cơ cao mắc suy thận, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Bệnh thận do đái tháo đường có thể phòng ngừa được. Nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương hơn là những người không được kiểm soát tốt về đường huyết, có vấn đề cao huyết áp. Những người mà cha mẹ, anh em từng bị tiểu đường gây suy thận cũng có khả năng cao bị tổn thương tại thận hơn bệnh nhân khác.
Những bệnh nhân tiểu đường được sử dụng thuốc bảo vệ thận và những công cụ bảo vệ thận mới hiện nay sẽ ít rơi vào tình trạng suy thận.
5. Đạm thực vật tạo ra ít ure hơn, do đó bảo vệ thận tốt hơn
Nguy cơ suy thận giữa nhóm người bệnh đái tháo đường ăn chay và ăn bình thường có khác nhau không, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Thức ăn nhiều đạm không tốt cho thận nhưng chúng ta vẫn phải ăn vì cần cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đạm sẽ tạo ra ure, càng nhiều ure thì thận càng phải hoạt động nhiều hơn.
Đạm động vật tạo nhiều ure hơn đạm thực vật. Điều này cho thấy nếu giảm lượng đạm động vật và tăng cường đạm thực vật là một yếu tố để gìn giữ quả thận.
Đối với các bệnh nhân suy thận, việc giảm đạm trong chế độ ăn rất quan trọng. Tùy theo từng giai đoạn mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về mức độ đạm cần thiết, các loại đạm không độc cho thận để giúp bệnh nhân giữ chức năng thận trong thời gian lâu nhất có thể, tránh được việc phải lọc máu.
6. Xét nghiệm nào giúp phát hiện sớm biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh nhân đái tháo đường nên theo dõi những chỉ số gì để phòng tránh hoặc phát hiện sớm biến chứng ở thận, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Như đã đề cập, suy thận khi xuất hiện triệu chứng như phù, tiểu bọt... thường đã ở giai đoạn trễ. Cần sớm thực hiện xét nghiệm tìm đạm trong nước tiểu bằng que thử hoặc đến phòng khám làm xét nghiệm đạm niệu 24 giờ, xét nghiệm albumin protein/creatinine nước tiểu.
Nếu kết quả siêu âm thận cho thấy bệnh nhân đái tháo đường có quả thận to hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của suy thận. Đến khi ghi nhận bất thường trong chức năng ure, creatinine thì đã muộn.
Với những xét nghiệm nêu trên, bao lâu thì người bệnh đái tháo đường cần phải kiểm tra một lần, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Việc này tùy theo từng giai đoạn và từng nhóm biến chứng. Nếu kết quả xét nghiệm đầu tiên cho thấy mọi chỉ số đều bình thường, người bệnh cần thực hiện lại sau khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Ở nhóm nguy cơ cao hơn, thời gian thực hiện lại xét nghiệm rút ngắn hơn để có thể phát hiện sớm những bất thường.
7. Bệnh nhân đái tháo đường nên thăm khám ở chuyên khoa nào?
Khi bệnh nhân đái tháo đường tái khám, họ có phải đăng ký đồng thời cả 2 chuyên khoa là Nội tiết và Thận - Niệu không ạ?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện nay, những bệnh nhân đái tháo đường chưa có biến chứng thận giai đoạn sớm nên điều trị với bác sĩ nội tiết. Ở giai đoạn trễ, khi đã có những biến chứng thận, bệnh nhân cần được điều trị ở chuyên khoa nội thận.
Bệnh nhân sẽ được điều chỉnh đường huyết, huyết áp, điều trị rối loạn đông máu, rối loạn lipid máu cũng như thay đổi lối sống: giảm cân, ngưng hút thuốc lá. Bên cạnh đó là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thận giai đoạn này. Các loại thuốc này chứng minh được vai trò cực kỳ hiệu quả.
8. Kiểm soát đái tháo đường, thay đổi lối sống để ngăn ngừa biến chứng suy thận
Nhờ BS hướng dẫn những biện pháp để bệnh nhân đái tháo đường có thể phòng ngừa được biến chứng suy thận.
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để phòng ngừa suy thận ở bệnh nhân tiểu đường, đầu tiên cần giữ đường huyết ổn định, kiểm soát huyết áp, mỡ máu.
Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt đóng vai trò khá quan trọng. Bệnh nhân cần bỏ thuốc lá, tập thể dục, không để béo phì. Ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao, khi bắt đầu có đạm niệu, phải sử dụng thuốc hạ áp, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể. Gần đây y học đã có “vũ khí” mới SGLT2 để phòng ngừa tình trạng suy thận.
Trong trường hợp suy thận diễn ra, bệnh nhân cũng có thể kéo dài chức năng thận, ngăn chặn bệnh diễn tiến đến giai đoạn cuối.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình