Hotline 24/7
08983-08983

Để bớt nỗi lo người tâm thần gây án

Dùng búa đánh vào đầu 7 người, cha ruột quật con 4 tháng tuổi vào tường, con xách dao chém cả mẹ lẫn chị… là những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra.

Nếu search cụm từ “người tâm thần gây án” trên google, bạn sẽ có hơn 21 triệu kết quả cho từ khóa này với hàng loạt bài báo rùng rợn từ tất cả các tờ báo lớn, như:

Khi người tâm thần gây án trên Người Lao Động

Nỗi lo người tâm thần gây án trên Tuổi Trẻ

Tâm thần gây án, nỗi đau khó vơi trên Cảnh Sát Toàn Cầu

Người bệnh tâm thần không được điều trị tại các cơ sở tập trung là nguy cơ tiềm ẩn của những vụ án nghiêm trọng
Người bệnh tâm thần không được điều trị tại các cơ sở tập trung là nguy cơ tiềm ẩn của những vụ án nghiêm trọng

Mới đây ngày 11/10, nhiều bậc phụ huynh có con học Trường mầm non 10A ở quận Tân Bình (TP.HCM) đã thót tim khi Cao Quốc Huy có tiền sử bệnh tâm thần (từng giết người nhưng thoát tội vì bệnh này) xông vào trường kè dao vào cổ hai cháu bé dọa giết, may là lực lượng công an đã giải cứu thành công hai cháu bé.

Trước đó ngày 10/10, tại thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái (huyện An Dương, TP Hải Phòng), bệnh nhân tâm thần Phạm Văn Hoàn gây án mạng thương tâm khi cầm then cửa đập vào đầu bố mình đến chết. Đêm 5/8, tại ấp 1, xã Long Can (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), Phan Văn Tính có tiền sử động kinh đã đánh chết mẹ mình và chém cha trọng thương...

Còn rất nhiều vụ án thảm thương, kinh hoàng do người mắc bệnh tâm thần gây ra đã khiến dư luận không khỏi giật mình lo lắng. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi chấp nhận những cái chết bất chợt do những người lên cơn tâm thần gây nên?

Theo điều tra của Bộ Y tế, năm 2010 nước ta có hơn 94.000 người bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng và khoảng 60.000 người trong số này thường xuyên đi lang thang. Số liệu trên càng cho thấy nguy cơ người bị bệnh tâm thần gây nguy hiểm cho cộng đồng là rất đáng báo động. Trong khi đó, ông La Đức Cương, giám đốc BV Tâm thần trung ương 1, cho biết hiện nay mạng lưới bệnh viện tâm thần ở nước ta mới chỉ quản lý được những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt vì đây là dạng bệnh nặng, được Nhà nước giao quản lý, cấp thuốc miễn phí.

Còn hàng vạn bệnh nhân tâm thần mức độ nhẹ, thể lực khỏe thì chủ yếu do gia đình quản lý, thi thoảng đi điều trị rồi trở về nhà và phần lớn sống tự do như người bình thường. Chính vì vậy trong những năm qua đã có rất nhiều người mắc tâm thần gây án mạng thương tâm, nhiều nhất là gây thương tích cho chính người thân của họ do không điều khiển được lý trí, hành vi khi lên cơn điên loạn.

Thiết nghĩ bên cạnh tăng cường trách nhiệm giám hộ, quản lý của gia đình có người mắc bệnh tâm thần, Nhà nước cần sớm đầu tư xây dựng thêm các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người mắc bệnh tâm thần và buộc những bệnh nhân tâm thần có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng phải vào điều trị miễn phí, chịu sự quản lý tập trung đến khi khỏi bệnh.

Các cơ sở y tế địa phương từ cấp xã, phường trở lên phải thường xuyên theo dõi tình hình người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn, kịp thời phát hiện, thuyết phục những gia đình có người mắc bệnh tâm thần đưa bệnh nhân đi điều trị.

Việc phổ biến, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thoát hiểm cho những người thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh tâm thần cũng cần được quan tâm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên vừa hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc do người mắc bệnh tâm thần gây ra, vừa là chính sách nhân đạo, tạo điều kiện cho những bệnh nhân tâm thần được chăm lo, có nhiều cơ hội khỏi bệnh.

AloBacsi.vn
Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X