Hotline 24/7
08983-08983

Dạy con theo kiểu nào: Đông hay Tây? (1)

70% bà mẹ Tây nói “việc quá tập trung vào thành tích học tập không tốt cho trẻ” nhưng hầu như không một bà mẹ Hoa nào nghĩ thế.

Một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên các diễn đàn giáo dục Mỹ kể từ khi một trích đoạn của hồi ký “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” (Battle Hymn of the Tiger Mother) của bà Amy Chua được tờ Wall Street Journal trích đăng:

 

Bà Amy Chua cùng 2 con Sophia đang chơi đàn piano và Lulu chơi đàn violin - Ảnh: blogspot.com

 

Ngay cả khi các bậc cha mẹ phương Tây nghĩ họ nghiêm khắc thì họ cũng không nghiêm bằng những bà mẹ người Hoa. Ví dụ, mấy người bạn phương Tây của tôi cho rằng họ đã khá nghiêm khắc khi bắt con tập đàn 30 phút/ngày, nhiều nhất là 1 giờ. Với các bà mẹ Hoa, 2 hay 3 giờ/ngày mới gọi là nghiêm.

 

10 luật lệ của “mẹ Hổ”

Đây là một số điều mà 2 con gái tôi không bao giờ được phép làm:

- qua đêm ở nơi khác

- tụ họp chơi đùa (*)

- tham gia đóng kịch trong trường

- than phiền về việc không được tham gia đóng kịch

- xem tivi hay chơi trò chơi điện tử

- tự chọn các hoạt động ngoại khóa riêng của mình

- có điểm dưới A

- không đứng đầu ở các môn, ngoại trừ thể dục và đóng kịch

- chơi một nhạc cụ nào khác ngoài piano và violin

- không chơi piano và violin

Có hàng tấn các nghiên cứu chỉ ra những khác biệt rõ ràng, có thể đong đếm được, về quan niệm làm cha mẹ giữa người Trung Quốc và phương Tây. 70% bà mẹ Tây nói “việc quá tập trung vào thành tích học tập không tốt cho trẻ” hoặc “cha mẹ cần cổ vũ trẻ rằng học hành là vui thú”.

 

Ngược lại, hầu như không một bà mẹ Hoa nào nghĩ thế. Ho tin rằng con cái có thể trở thành những sinh viên “giỏi nhất”, và khi trẻ không xuất sắc ở trường nghĩa là cha mẹ chúng đã “không làm được việc”.

 

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng so với các bậc cha mẹ Tây, những cha mẹ người Hoa bỏ ra gấp 10 lần thời gian trong ngày để cùng con đào sâu bài vở. Ngược lại, trẻ em phương Tây lại thích tham gia các đội thể thao hơn.

 

Các bậc cha mẹ Hoa hiểu rằng để có thể giỏi mọi mặt, người ta cần phải luyện tập, nhưng trẻ em chẳng bao giờ tự giác cả, đó là lý do vì sao cần phải gạt qua một bên những điều chúng thích...

 

Trong khi việc học thuộc lòng bị coi nhẹ ở Mỹ thì các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn coi việc kiên trì rèn luyện là cần thiết để trở thành xuất sắc. Một khi trẻ bắt đầu vượt trội về môn nào đó dù là toán, piano, ném bóng hay múa balê, chúng sẽ được ngợi khen, ngưỡng mộ và thấy toại nguyện.

 

Cảm xúc ấy sẽ xây dựng sự tự tin và biến một hoạt động chẳng vui thú gì trở thành vui thú. Đến lượt nó sẽ giúp cha mẹ chúng dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy trẻ học tốt hơn.

 

Tôi từng mắng con mình là rác rưởi!

 

Các bậc cha mẹ Trung Quốc có thể làm được những điều mà các bậc cha mẹ phương Tây không thể. Ví dụ khi tôi còn nhỏ, có thể không dưới một lần, khi tôi thiếu tôn trọng mẹ, cha đã giận dữ gọi tôi là “đồ rác rưởi” bằng tiếng Phúc Kiến. Nó có tác dụng rất tốt. Tôi thấy kinh tởm mình và cực kỳ xấu hổ. Nhưng điều đó chẳng hề làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Tôi biết chính xác ông đánh giá cao tôi và tôi thật sự không vô dụng hay chỉ là một mẩu rác.

 

Sau này tôi đã làm như thế với Sophia, gọi con là rác rưởi bằng tiếng Anh khi nó có hành động hỗn xược với tôi. Khi tôi kể lại chuyện này tại một bữa tiệc, ngay lập tức tôi bị tẩy chay. Một vị khách tên Marcy sốc đến nỗi bật khóc và phải bỏ về sớm. Bạn tôi, Susan, ra sức dàn hòa tôi với các vị khách khác.
 
 
Theo Linh An - Tuổi Trẻ
 
(*): Tạm dịch từ chữ playdate: có nghĩa một buổi vui chơi do phụ huynh tổ chức cho các học sinh nhỏ tuổi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X