Hotline 24/7
08983-08983

Đau nhức xương khớp sau sinh khi nào hết, làm sao nhanh chấm dứt tình trạng này?

Lời giải đáp cho câu hỏi này đã được ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh chia sẻ trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc đón xem.

1. Hệ xương khớp thay đổi thế nào khi mang thai và sau sinh?

Đầu tiên, nhờ BS cho biết hệ xương khớp của phụ nữ thay đổi thế nào trong quá trình mang thai và sau khi sinh con ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hệ cơ xương khớp khi mang thai có rất nhiều sự thay đổi do 2 nguyên nhân chính:

- Thứ nhất là sự thay đổi hormone. Khi phụ nữ mang thai, cơ buồng tử cung phải giãn nở để bao bọc thai nhi ngày càng phát triển. Ngoài ra, những cơ quan ở vùng xung quanh, ví dụ như khung chậu, xương cùng chậu, khớp mu phải giãn rộng để chuẩn bị đến lúc sinh em bé có thể lọt qua khung chậu, đảm bảo an toàn. Đó là cơ chế tự nhiên.

- Thứ hai là sự thay đổi cơ học. Khi phụ nữ mang thai, bụng phải chứa khối lượng lớn, đôi khi lên đến 10 kg, dẫn đến trọng tâm người mẹ chuyển sang phía trước, đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến cột sống (lực kéo cột sống lên phía trước sẽ làm cho những dây chằng trước và sau cột sống căng lên để chịu lực), tiếp đến là ảnh hưởng cơ lưng (vì cơ lưng phải kéo cột sống lại để giữ lưng thẳng). Đồng thời, khi mang thai trọng lượng người mẹ sẽ tăng lên gấp rưỡi (có thể 10 kg, thậm chí 20kg) gây áp lực lên khớp háng, khớp gối, bàn chân.

Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng đau cơ xương khớp khi mang thai.

2. Nhức mỏi toàn thân sau khi sinh là do ra gió, vận động sớm?

Nhiều chị em phụ nữ than phiền là họ bị nhức mỏi toàn thân sau sinh. Dân gian đổ lỗi tình trạng này là do sản phụ không biết kiêng cữ sau sinh, vận động sớm, ra gió sớm… thì có đúng không ạ? Theo BS, hiện tượng đau nhức xương khớp sau sinh xảy ra do nguyên nhân nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hiện tượng đau nhức cơ xương khớp không chỉ xuất hiện sau sinh mà khi còn mang thai. Nguyên nhân là do những thay đổi như đã nêu trên. Sau khi mặc dù tình trạng đau nhức cơ xương khớp có giảm đi, nhưng trọng lượng người mẹ sau sinh vẫn cao hơn so với bình thường, vì vậy vẫn có áp lực nhất định tăng lên những cơ, khớp.

Sau sinh, mẹ vẫn bị đau xương khớp là tình trạng thường gặp, không liên quan đến vấn đề ra gió sớm, vận động sớm. Ngược lại, đã có những nghiên cứu cho thấy, người phụ nữ sau sinh vận động sớm làm giảm tỷ lệ đau nhức khớp sau sinh. Do đó, BS thường hay khuyên các chị em phụ nữ sau sinh nên vận động sớm, trong mức độ chịu đựng được. Đặc biệt những bà mẹ vận động ngay 1-2 ngày sau sinh thì mức độ giảm đau rất nhanh so với người chỉ nằm trên giường, nhất là sinh mổ.

Ngoài ra, khi tập thể dục sau sinh còn mang lại nhiều lợi ích khác, không chỉ về mặt cơ xương khớp mà cả tâm lý.

3. Đau nhức xương khớp sau sinh bao lâu mới khỏi?

Thường thì hiện tượng đau nhức sau sinh qua bao lâu thì khỏi? Có trường hợp kéo dài nhiều năm thì có thể do bệnh gì ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Các nghiên cứu cho thấy những đau nhức cơ xương khớp sau sinh có 2 nhóm:

- Nhóm thứ nhất là do những biến đổi trong quá trình mang thai. Những trường hợp này, tình trạng đau nhức xương khớp sẽ biến mất trong khoảng 3-4 tháng sau sinh.

- Nhóm thứ hai là những vấn đề đau khác xuất hiện sau sinh là do các thay đổi thói quen vận động khi chăm em bé. Ví dụ như khi cho con bú, các bà mẹ phải cúi xuống, dẫn đến đau lưng. Tình trạng này đôi khi kéo dài vài tháng đến vài năm. Hoặc xuất hiện một tình trạng khác đó là đau gân ở ngón tay là do bế em bé nhiều, thậm chí nếu nặng quá có thể cần phải chích thuốc/ đeo nẹp, sau này khi con lớn, mẹ ít phải bế hơn thì sẽ bớt đau.

4. Đau nhức đầu gối sau sinh do đâu, làm sao khắc phục?

Riêng với tình trạng đau nhức đầu gối sau sinh (không phải đau toàn thân) thì khắc phục bằng cách nào, thưa bác sĩ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tình trạng đau đầu gối này tương tự như những người béo phì. Khi mang thai, người mẹ thường mang trọng lượng tăng từ 10-20kg, gây áp lực lên đầu gối, dẫn đến đau đầu gối, thậm chí là đi kèm viêm gân. Cảm giác đau này sẽ xảy ra khi mang thai và giai đoạn đầu sau khi sinh (khoảng 3 tháng). Như vậy, thông thường, sau khi sinh, tình trạng đau đầu gối sẽ chấm dứt.

Để điều trị đau đầu gối sau khi sinh, trước tiên cần giảm cân (khi đó áp lực đầu gối sẽ giảm), thứ hai là tập (bằng cách đừng lên ngồi xuống hoặc tập xe đạp) để tăng sức cơ xung quanh đầu gối.

5. Thuốc giảm đau nào có thể dùng cho phụ nữ sau sinh?

Nếu sản phụ chưa có điều kiện để đi khám như: con còn quá nhỏ, nhà xa bệnh viện… thì họ có thể dùng thuốc giảm đau nào để tạm thời đối phó với đau nhức xương khớp sau sinh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Chúng ta cần lưu ý, các chị em phụ nữ sau sinh nên hạn chế dùng thuốc. Bởi thứ nhất, các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa và thứ hai là qua sữa, thuốc đi vào trong máu của bé. Vì vậy, tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Có một loại thuốc tương đối an toàn đó là paracetamol, các chị em phụ nữ sau sinh có thể sử dụng khi cần, nhưng không nên lạm dụng, mỗi ngày tối đa 3-4 viên, cách nhau 4-6 giờ. Nếu đau nhiều, dai dẳng thì cần đến gặp bác sĩ.

Vấn đề sử dụng thuốc trong thai kỳ rất quan trọng, phải cá nhân hóa. Thường, khi tư vấn BS sẽ hỏi rất kỹ, vì cùng một loại thuốc có thể sử dụng cho người này, nhưng không dùng được cho người kia.

Ví dụ, người mẹ chăm con một mình cả ngày, và cho bú mẹ hoàn toàn, những loại thuốc qua sữa, hoặc thuốc giảm tiết sữa sẽ không dùng được. Ngược lại, người mẹ khác không cho bú sữa mẹ hoặc sữa ít, bé cần bú ngoài, khi hỏi ý kiến, nếu người mẹ đồng ý ngưng sữa thì có thể cho sử dụng thuốc. Đó là lý do vì sao các chị em cần tư vấn với bác sĩ để được lựa chọn thuốc phù hợp.

6. Các phương pháp dân gian có hiệu quả giảm đau xương khớp sau sinh?

Nhiều người lo lắng việc sử dụng thuốc gây tác dụng phụ nên áp dụng các biện pháp như chườm ngải cứu, xoa bóp bằng rượu gừng, ngâm chân với nước ấm, muối gừng buổi tối và ăn canh chân giò hầm nấu với mồng tơi. Các phương pháp dân gian này có hiệu quả, thưa BS??

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tùy thuộc vào mỗi bệnh lý. Ví dụ, nếu đau đầu gối đơn thuần, không viêm gân thì những phương pháp chườm nóng có thể giảm đau. Tuy nhiên, nếu đi kèm với viêm gân mà chúng ta ngâm nước nóng, chườm nóng thì viêm gân sẽ nặng hơn.

Về vấn đề ăn uống, hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy các loại thực phẩm giúp tăng chất nhờn hoặc giảm đau khớp.

7. Lỏng khớp sau sinh, liệu có sinh được con nữa không?

Một bạn đọc AloBacsi hỏi rằng, sau khi sinh chân tay chị trở nên yếu, khó cầm nắm đồ vật. Đi khám thì BS nói là lỏng khớp sau sinh và khuyến cáo không nên sinh thêm con nữa. Tình trạng này là do đâu và liệu có thể mang thai, sinh con tiếp theo được không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong thực tế, có tình trạng lỏng khớp sau sinh, lý do là bởi sự thay đổi hormone, làm cho cơ và khớp lỏng ra. Cơ chế gây ra tình trạng này đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, tình trạng yếu cơ sau sinh có rất nhiều nguyên nhân như do thói quen sau sinh (hạn chế vận động, động tác chăm sóc bé lặp đi lại lại gây viêm gân, yếu gân), hoặc có trường hợp chèn dây thần kinh sau sinh như cổ, thần kinh tọa, thần kinh ống cổ tay cũng là nguyên nhân gây yếu cơ. Những trường hợp này có thể giải quyết được bằng thuốc, tập thể dục. Khi tập thể dục, cơ khớp khỏe lại, bạn vẫn có thể sinh con bình thường.

8. Làm sao khắc phục hiệu quả tình trạng đau khớp và lỏng khớp sau sinh?

Cuối chương trình, nhờ BS đưa ra lời khuyên cho các chị em phụ nữ: làm sao để khắc phục tình trạng đau khớp và lỏng khớp sau sinh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bên cạnh các thói quen sau sinh (vận động, chăm sóc bé) thì đau nhức xương khớp còn liên quan đến tâm lý. Sau sinh, người mẹ thường rất stress, vì phải chăm sóc bé dẫn đến thiếu ngủ. Nếu có sự trợ giúp từ người chồng, gia đình sẽ giảm tải áp lực, nhưng ngược lại nếu không có sự đồng hành đó, người mẹ phải tự làm tất cả, tình trạng thiếu ngủ sẽ rất nặng. Điều này dễ dẫn đến stress.

Nghiên cứu đã chứng minh, stress là yếu tố làm tăng nặng thêm tình trạng đau xương khớp, thậm chí nó còn trở thành nguyên nhân chính gây đau xương khớp sau sinh. Do đó, để giải quyết tình trạng này, các chị em cần tập trung vào 2 vấn đề chính:

- Thứ nhất là thể chất. Người phụ nữ phải tranh thủ ngủ bất kỳ lúc nào có thể. Đồng thời nên có những bài tập nhẹ nhàng tại nhà, 15-30 phút mỗi lần giúp thư giãn cơ để khỏe hơn, hạn chế tình trạng đau.

- Thứ hai là tâm lý. Người phụ nữ nên tìm cách để thư giãn. Ví dụ khi bé ngủ, mẹ có thể thư giãn bằng cách xem ti vi, tập thiền, yoga, nghe nhạc. Nếu được thì người thân trong gia đình nên nâng đỡ tinh thần cho người mẹ, điều này cũng giúp giải quyết tình trạng đau nhức xương khớp nhanh hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X