Hotline 24/7
08983-08983

Đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập Việt Nam: Phòng tránh thế nào?

Tại buổi tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ được Bộ Y tế tổ chức chiều 1/8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết". Vậy làm sao để phòng ngừa bệnh?

Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 7 ngày có tới hơn 4.000 ca bệnh đậu mùa khỉ xác định được báo cáo, nâng tổng số ca mắc trên toàn cầu đến nay là hơn 22.000 ca. 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận 62 ca bệnh.

Để chủ động ứng phó, chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch 3 trường hợp ứng phó với các tình huống dịch.

Biểu hiện và biến chứng nguy hiểm thế nào?

Đa số bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực, viêm phế quản phổi, viêm não, thậm chí là tử vong với tỷ lệ dao động lên đến 11%.

Đặc biệt, với nhóm đối tượng trẻ em, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch, bệnh thường dễ trở nặng và gặp biến chứng hơn. Do đó, WHO khuyến cáo nhóm đối tượng này nên được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện để phòng ngừa các nguy cơ cho sức khỏe.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt bắn lớn từ đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương...

Bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền từ người bệnh sang người lành được cho là xảy ra chủ yếu qua các giọt bắn lớn của đường hô hấp khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài.

Số lượng tổn thương thay đổi nhiều hoặc ít. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau cho đến khi các mảng da lớn bong ra.

Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam chỉ là ngày một, ngày hai

Ở những người sống chung với người mắc bệnh đậu mùa khỉ thì tỉ lệ lây bệnh khoảng 50%. Phần lớn số ca mắc bệnh là trẻ em. Bởi vậy, có thể nói, bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Người đã tiêm vắc xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vấn đề đặt ra là ai có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi nhiễm virus này, trường hợp nào cần được điều trị.

Trên thực tế đa số trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ là đợt bệnh nhẹ, tự giới hạn mà không cần điều trị cụ thể. Tuy nhiên, tiên lượng ca bệnh đậu mùa khỉ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng tiêm chủng trước đó, tình trạng sức khỏe ban đầu, các bệnh mắc đồng thời và bệnh đi kèm.

Những người cần được xem xét điều trị bao gồm: Người mắc bệnh nặng (ví dụ: bệnh xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm não hoặc các bệnh lý khác cần nhập viện). Những người bị suy giảm miễn dịch ví dụ như: người nhiễm HIV, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, bệnh ác tính tổng quát, cấy ghép cơ quan , điều trị hóa trị, chất chống chuyển hóa, bức xạ, chất ức chế yếu tố hoại tử khối u,… có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, người sử dụng corticosteroid liều cao, là người nhận ghép tế bào gốc tạo máu <24 tháng sau ghép hoặc ≥24 tháng nhưng bị bệnh ghép với vật chủ hoặc bệnh tái phát, hoặc mắc bệnh tự miễn với suy giảm miễn dịch như một thành phần lâm sàng)… cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng cần được xem xét điều trị.

Tương tự, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nặng là: Trẻ em, đặc biệt là bệnh nhân dưới 8 tuổi; Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Những người có một hoặc nhiều biến chứng (ví dụ: nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn; viêm dạ dày ruột với buồn nôn hoặc nôn dữ dội, tiêu chảy hoặc mất nước; viêm phế quản phổi; bệnh đồng nhiễm hoặc các bệnh đi kèm khác).

Cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ?

Những con đường lây lan của đậu mùa khỉ có thể kể đến như:

- Tiếp xúc gần với người bệnh

- Tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp, các vật dụng/đồ dùng của người bị nhiễm bệnh

- Nhau thai từ mẹ sang con

Hiện vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho đậu mùa khỉ, cộng với bối cảnh di chuyển thuận tiện giữa các quốc gia sau "mở cửa" khiến bệnh có khả năng lan nhanh. Do đó, biện pháp đối phó được khuyến cáo hiện nay là điều trị triệu chứng để phòng ngừa biến chứng, đồng thời chủ động thực hiện một số biện pháp phòng chống được Bộ Y tế đưa ra như:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó vệ sinh tay bằng những dung dịch chuyên dụng

- Thường xuyên rửa tay với nước rửa tay sạch khuẩn dưới vòi nước chảy trong 30 giây, hoặc vệ sinh tay với dung dịch rửa tay khô trong 15 giây vào những thời điểm quan trọng như: Trước và sau khi nấu ăn, ăn uống; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác…

- Chủ động liên hệ với nhân viên y tế để được theo dõi và tư vấn kịp thời khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm những triệu chứng nghi ngờ khác. Tiếp đó, chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục

- Tránh tiếp xúc với người bệnh cũng như những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, vật dụng, đồ dùng… bị nhiễm mầm bệnh. Không được tự ý điều trị khi nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Khi đến các quốc gia đang lưu hành bệnh, cần tránh tiếp xúc với những loài động vật có vú như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng… Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế để được tư vấn.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X