Đầu hè, trẻ chết đuối dồn dập
Khoảng nửa tháng trở lại đây, dù mới vào hè nhưng trên cả nước đã dồn dập xảy ra nhiều vụ trẻ chết đuối thương tâm.
Dồn dập trẻ chết đuối
Sáng 16/5, ngành giáo dục tỉnh Phú Yên nháo nhào khi được tin 4 học sinh ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa chết đuối. Tai họa xảy ra chiều 15/5. 6 học sinh rủ lên thuyền nhà của Pháp ra bến Đình thuộc sông Ba để liên hoan chia tay năm học.

Em Phan Văn Tín bị sốc nặng vì chứng kiến 4 bạn mình chết đuối - Ảnh: Hồng Ánh
Khoảng 16 giờ 30 phút, 2 em gái là Huệ và Hạnh xuống sông tắm, gặp chỗ nước chảy xiết nên bị đuối. Thấy vậy, 3 học sinh nam là Hiếu, Tín và Pháp nhảy xuống cứu. Trong lúc hoảng loạn, Hiếu và Pháp cũng bị nước cuốn trôi, chỉ một mình Tín bơi được vào bờ.
Nhiều ngày sau, Tín vẫn nằm bất động trên võng vì sốc nặng. “Cõng Tín từ bến sông về nhà là nó nằm luôn, không thiết gì đến ăn uống, mắt cứ nhìn đâu đâu” - cha Tín rầu rĩ…
Trong khi trẻ em trong thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn - Bình Định nô nức vui chơi ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 thì gia đình 3 em Nguyễn Minh Phước (7 tuổi), Nguyễn Hoàng Hiệp (8 tuổi) và Nguyễn Khắc Vàng (6 tuổi) lại vật vã, đau đớn khóc con.
Sáng 29/5, Phước, Hiệp, Vàng và các em nhỏ khác trong xóm rủ nhau đến kênh thủy lợi gần nhà tắm. Con kênh này đang được nạo vét, cơn mưa trước đó lại tạo nên những hố nước sâu nên 3 em đã sụp hố tử vong.
Trước đó, chiều 27/5, em Hồ Văn Tịnh (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học xã An Cư, huyện Tuy An - Phú Yên) chết đuối trong lúc cùng nhóm bạn tắm sông ở khu vực dưới gầm cầu Cà Lúi.
Sáng 24/5 tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), chiều 23/5 huyện Thường Tín (Hà Nội) và huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cũng xảy ra những tai nạn tương tự, khiến 7 thiếu niên chết đuối.
Sơ sẩy là “xong”
Tại vùng sông nước miền Tây, tình trạng trẻ chết đuối luôn là nỗi nhức nhối của nhiều gia đình và xã hội. Thực trạng này đã được báo động từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cũng có hẳn chương trình hành động để ngăn chặn nạn trẻ chết đuối song hiệu quả vẫn chưa đến đâu.
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, ĐBSCL luôn tiềm ẩn tai họa sông nước đối với trẻ em. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chết đuối, nổi cộm là chuyện quan tâm, trông nom con em của các bậc phụ huynh còn rất lơ là.

Nghỉ hè, trẻ em thường ra sông rạch vui chơi, tắm rất nguy hiểm - Ảnh: Quốc Dũng
“Chỉ cần sơ sẩy chút là “xong” nhưng nhiều gia đình vẫn chưa ý thức, hời hợt trong việc chăm sóc con em mình”- một cán bộ bảo vệ - chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang nhận xét.
Những năm qua, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống trẻ đuối nước đến tận các thôn, xóm. Tuy nhiên, bà Lê Thị Bạn, cộng tác viên dân số - gia đình - trẻ em huyện Phú Tân - An Giang, cho biết rất khó vận động phụ huynh tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức này.
“Nhiều người phớt lờ không tới dự, người đi dự thì chẳng mấy ai để tâm. Đau nhất là khi chúng tôi vừa tổ chức buổi tuyên truyền tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân hôm trước, ai cũng quả quyết mình biết cách trông nom con em thì ngay hôm sau đã có một cháu chết đuối ở đây” - bà Bạn bức xúc.
Một cán bộ Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp cho rằng vấn đề then chốt là ý thức giữ gìn, bảo vệ và chăm sóc con em của từng gia đình.
“Song do nghèo khó, nhiều gia đình lại ít người nên bỏ mặc con trẻ ở nhà một mình, nhờ hàng xóm trông giùm hoặc đem cả con nhỏ theo khi hái rau, bơi xuồng, cắt lúa...". Trẻ em chết đuối thường tăng cao vào mùa hè, khi các em nghỉ học nhưng lại không có sân chơi trong những ngày nghỉ học.
Theo Dũng, Ánh, Giang - Người Lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình