Đắp thuốc lá chữa gãy xương, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ cứng khớp vai do nhiễm trùng
Khi bị gãy xương, nhiều người không tuân thủ bó bột mà lựa chọn đắp thuốc nam vì cho rằng nhanh lành hơn. Tuy nhiên, việc làm này có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn, thậm chí nhiễm trùng, họai tử
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa tiếp nhận và điều trị 1 bệnh nhi gặp nhiễm trùng nặng do điều trị gãy xương bằng việc bó lá. Sau khi nhập viện, bệnh nhi lập tức được các bác sĩ phẫu thuật và tiếp tục theo dõi trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhi có nguy cơ cứng khớp vai do nhiễm trùng.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận một bệnh nhân vào viện với tình trạng cẳng tay trái sưng đau, biến dạng. Cách vào viện 16 ngày, bệnh nhân đã nhập viện bó bột xương cẳng tay trái, tuy nhiên, sau khi bó bột được một tuần, bệnh nhân đã tự ý tháo bột và bó thuốc nam. Đến tối 24/8, bệnh nhân bị ngã biến dạng cẳng tay trái tại vị trí đang bị gãy.
Tại cơ sở y tế, kết quả chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân bị gãy 1/3 cẳng tay trái, vị trí gãy phức tạp, di lệch nhiều, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử khi bó lá điều trị gãy xương
Theo các bác sĩ, khi bị gãy xương, nhiều người không tuân thủ bó bột mà lựa chọn đắp thuốc nam vì cho rằng đắp thuốc nam xương nhanh lành hơn. Thực tế công dụng chủ yếu của thuốc nam là tiêu sưng, giảm phù nề, hết ứ đọng khí huyết, từ đó làm giảm đau. Sau khi đắp thuốc, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đau, bớt khó chịu nên nghĩ rằng đắp thuốc hiệu quả hơn.
Việc bó thuốc nam tiềm ẩn nhiều nguy hại như: Nguy cơ xương không liền hoặc liền xương nhưng bị biến dạng, ảnh hưởng đến vận động của người bệnh; Nguy cơ nhiễm trùng do đắp một số loại thuốc không rõ nguồn gốc còn có thể gây viêm loét, nhiễm trùng da - mô mềm và nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết.
Tại hầu hết các bệnh viện hiện nay, việc điều trị gãy xương trẻ em đã được áp dụng nhiều phương pháp như: Bảo tồn bằng bó bột với các trường hợp gãy nhẹ; nặng hơn sẽ áp dụng các phương pháp mổ/nắn chỉnh kín/đóng đinh kín…
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh không áp dụng phương thức điều trị này. Nếu không may bị gãy xương, người bệnh cần được đưa ngay tới bệnh viện để khám và điều trị, tránh để bị ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý về sau bởi các phương pháp dân gian như đắp lá, đắp thuốc, bôi mật gấu...
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình