Hotline 24/7
08983-08983

Cứu sống bé gái bị tay chân miệng độ 4, nhịp tim hơn 200 lần mỗi phút

Bé gái ngụ tại Vĩnh Long sốt cao không hạ, nhịp tim > 200 lần/ phút, tổn thương tim và gan được xác định mắc tay chân miệng độ 4 - mức độ nặng nhất của bệnh. Sau 2 tuần chiến đấu với "tử thần", tình trạng bệnh nhi cải thiện, cai được máy thở.

Bệnh nhi P.G.H.(3,5 tuổi, trú tại Vĩnh Long), khởi bệnh 3 ngày với triệu chứng sốt, buồn nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Đến ngày thứ 3, bệnh nhi sốt giật mình chới với, trợn mắt, run chi nên nhập bệnh viện địa phương.

Bé H. được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ nhưng tình trạng không cải thiện, suy hô hấp, sốc. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc vận mạch, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM).

Tại đây, bé vào viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim > 200 lần/phút, sốt cao liên tục, men tim và men gan tăng, bác sĩ xác định mắc tay chân miệng độ 4 - độ nặng nhất. Kíp điều trị áp dụng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, song tình trạng bệnh vẫn diễn tiến phức tạp, nhịp tim tiếp tục tăng cao, siêu âm tim co bóp kém phân suất tống máu EF còn 25-30% (bình thường 50-70%).

Các bác sĩ hội chẩn, quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau hai tuần điều trị, sức khỏe bé cải thiện dần, tỉnh táo, cai ECMO, cai máy thở. Bệnh nhi được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.

Bệnh nhi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng TP

Tuần qua, TPHCM ghi nhận hơn 1.900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 14% so với trung bình tháng trước. Năm nay, số ca mắc đạt đỉnh lần thứ nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau đó giảm dần đến đầu tháng 9 bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay. Tác nhân chủ yếu gây tay chân miệng năm nay là EV71 - chủng virus gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này cùng lúc có bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở phía Nam, các triệu chứng sốt khá giống tay chân miệng nên các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý các triệu chứng phân biệt giữa hai bệnh.

Theo đó, trong trường hợp trẻ bị sốt từ 2-3 ngày, hoặc sốt cao 39-40 độ C, cần bắt buộc đi khám. Qua đó, bác sĩ sẽ kiểm tra để phát hiện tình trạng bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trẻ rát miệng... Nếu có những tình trạng này, thường là dấu hiệu cảnh báo của bệnh tay chân miệng.

Một vấn đề lưu ý khác đó là, điều nguy hiểm của tay chân miệng so với một số bệnh khác là trước khi trở nặng thường ở giai đoạn yên bình. Đa số trẻ sốt nhưng vẫn chơi, tỉnh táo khiến phụ huynh dễ lầm tưởng. Hoặc, trẻ được mẹ ôm suốt, đến lúc thả ra mới thấy trẻ hoảng hốt giật mình chới với.

Năm 2011, dịch tay chân miệng bùng phát, nhiều trẻ nhập viện vì buồn nôn, nôn ói, sau đó tăng huyết áp rồi phù phổi, tử vong. Năm nay, đa số trẻ run sốt, giật mình, thở bất thường rồi đột ngột rơi vào ngưng thở. Điều này có thể do virus vẫn là chủng cũ nhưng thay đổi tính chất theo từng khoảng thời gian. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cảnh giác với các triệu chứng của trẻ.

Mời bạn đọc đón xem các chương trình tư vấn của chuyên gia về tay chân miệng trên AloBacsi để hiểu đúng về căn bệnh này:

>>> Trẻ tử vong vì tay chân miệng: Chuyên gia chỉ ra những dấu hiệu trở nặng phụ huynh cần lưu ý! 

>>>  Dịch bệnh tay chân miệng 2023, khi nào chấm dứt? 

>>> Dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng NẶNG cần đặc biệt chú ý 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X