Hotline 24/7
08983-08983

COVID-19 đẩy lùi nỗ lực toàn cầu trong quản lý, điều trị ung thư

Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại Việt Nam tiếp tục gia tăng. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ung thư và cả việc nghiên cứu.

Những thông tin trên được TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ tại Hội thảo hằng năm Phòng chống Ung thư TPHCM lần thứ 25, do Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TPHCM và Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tổ chức vào ngày 1/12/2022.

Hội thảo quy tụ hơn 1.600 đại biểu tham dự, 98 bài báo cáo đến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo.

Bệnh nhân có thể tiếp cận các phương pháp điều trị ung thư mới nhất ngay tại Việt Nam

Khai mạc hội thảo, TS.BS Phạm Xuân Dũng cảnh báo, bệnh lý ung thư đến nay đã và đang trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo số liệu của Globocan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), năm 2020 nước ta có 182.563 ca ung thư mới và 122.690 ca tử vong do ung thư.

“Đáng lưu ý, năm 2020, Việt Nam xếp hạng 91/185 nước có số mắc mới ung thư và số tử vong xếp hạng 50/185 nước. Trong khi đó, năm 2018, nước ta xếp thứ 99/185 và 56/185 về ca mắc mới và ca tử vong. Điều này chứng tỏ sự gia tăng nhanh của bệnh lý ung thư tại nước ta” - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Chủ tịch Hội ung thư TP, kiêm Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh.

TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Riêng tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, chuyên gia cũng cung cấp một con số đáng chú ý đó là, số lượng bệnh nhân ung thư gửi đến điều trị hằng năm khoảng 23.000 ca mới. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, bệnh nhân ung thư cũng ảnh hưởng rất nặng nề.

TS.BS Phạm Xuân Dũng dẫn chứng một đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, công tác quản lý, phục vụ liên quan đến việc nghi ngờ và điều trị ung thư đã giảm 50% ở tất cả các quốc gia. Tại châu Âu, trong 2 năm đại dịch, việc tầm soát, chấn đoán và điêu trị ung thư đều chậm lại, ước tính cả triệu người bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến suy giảm số ca ung thư được điều trị và nhất là số lượng nghiên cứu về bệnh lý ung thư.

“Tại Mỹ cũng ghi nhận giảm hàng triệu test tầm soát và chẩn đoán ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Các chuyên gia tại châu Âu cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với đại dịch ung thư trừ phi có những hành động khẩn cấp để thúc đẩy việc chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu ung thư” - chuyên gia nói.

Nhận định về tình hình điều trị tại Việt Nam, TS.BS Phạm Xuân Dũng cho rằng, trong những năm qua, với sự đầu tư xây mới cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị hiện đại ở các trung tâm ung bướu lớn trên cả nước cũng với đội ngũ y bác sĩ có tay nghề đã phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư nâng cao.

“Ngày nay, các phương pháp phẫu thuật, xạ trị không chỉ đơn thuần là điều trị mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh. Bệnh nhân đã có thể tiếp xúc với các loại thuốc hóa trị và thuốc nhắm cận đích mới và gần đây là thuốc miễn dịch, điều trị gen ngay tại Việt Nam” - TS.BS Phạm Xuân Dũng bày tỏ niềm vui.

Diễn đàn quy tụ các chuyên gia “cây đa, cây đề” của ngành ung thư

Hội thảo Phòng chống Ung thư TPHCM luôn là diễn đàn thu hút sự quan tâm của ngành ung thư cả nước và là nơi uy tín để các đồng nghiệp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn cùng những tiến bộ trong kiểm soát căn bệnh này.

Năm 2022, hội thảo diễn ra trong 3 ngày 30/11, 1 và 2/12 quy tụ 1.600 đại biểu trên khắp cả nước tham dự, với tổng cộng 98 bài báo cáo. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn tiến phức tạp, vì vậy ngoài chương trình trực tiếp, hội thảo vẫn có sự tham gia báo cáo trực truyến trong các chuyên đề của chuyên gia nước ngoài như Nhật, Nga, Đức, Đài Loan.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Cố vấn ban giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo hằng năm Phòng chống ung thư lần thứ 25

Ra mắt lãnh đạo Hội Ung thư Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 tại buổi hội thảo

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế (giữa) - Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực Việt Nam là một trong những chủ tọa của phiên Phổi - Lồng ngực 2

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM

Sau 2 năm COVID-19, TS.BS Phạm Xuân Dũng đánh giá hội thảo năm nay lượng bài nghiên cứu gửi về cũng nhiều hơn mọi năm. Với nội dung đa dạng và chất lượng cao, lượng chuyên gia đăng ký tham dự cũng gia tăng so với trước. Đây là điểm nhấn cho thấy ngành Ung thư nói riêng và ngành Y tế nói chung đã và đang nỗ lực vượt qua đại dịch, phát triển liên tục công việc chuyên môn”.

Trong 2 ngày 1 và 2/12 có 1 phiên toàn thể, 20 phiên hội thảo diễn ra song song và 5 phiên hội thảo vệ tinh, trải dài trên tất cả các chuyên đề về huyết học, tổng quát, đầu cổ - tuyến giáp, tiêu hóa, phổi - lồng ngực, vú, phụ khoa, điều dưỡng - chăm sóc giảm nhẹ, xạ trị - kỹ thuật phóng xạ, giải phẫu bệnh - sinh học phân tử.

PGS.TS.BS Trịnh Tuấn Dũng - Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - Tế bào bệnh học Việt Nam

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Hội Ung thư vú Huế

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện nhìn nhận, hội thảo Phòng chống Ung thư TPHCM lần thứ 25 có nhiều điểm mới. Thứ nhất là về số lượng đồng nghiệp tham dự đông hơn. Nếu năm 2019 số lượng đăng ký khoảng 1.200, thì năm nay con số này đã vượt qua con số 1.600 người.

Thứ hai là về chuyên môn, những bài cáo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư. Trong đó, nổi bật là điều trị nội khoa ung thư, tập trung vào các lĩnh vực mới, bao gồm nhắn trúng đích và liệu pháp miễn dịch.

“Đáng chú ý có cả những báo cáo về sinh học phân tử, nghĩa là dấu ấn sinh học phân tử làm nền tảng cho điều trị nhắm trúng đích. Đây là hướng điều trị mang lại thêm thời gian sống cho bệnh nhân ung thư tốt hơn so với kỹ thuật điều trị khác” - TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh cho biết.

Về lĩnh vực phẫu thuật, trong đó có nhiều đề tài tập trung chủ yếu vào những hướng đi mới như phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot. Lĩnh vực xạ trị cũng mang đến các đề tài chuyên sâu về các kỹ thuật điều trị cao, đòi hỏi chất lượng cao và sự phát triển về y vật lý.

Thứ ba, bên cạnh những chuyên đề chuyên sâu về ung bướu, hội thảo còn tổ chức chương trình tập huấn quốc tế về “Vai trò các dấu ấn sinh học phân tử mới trong kỷ nguyên y học chính xác” vào ngày 30/12 tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Kỳ tập huấn năm nay có sự tham gia báo cáo của các chuyên gia Đài Loan, Nhật Bản.

“Với hội trường quy mô lớn và xa trung tâm thành phố, ban đầu khi tổ chức chương trình tiền hội thảo, chúng tôi cũng rất lo lắng về số lượng đại biểu tham dự. Tuy nhiên, khi diễn ra chính thức, hội trường gần 500 chỗ đều chật kín. Như vậy, cho thấy rằng, trên tất cả, khi nội dung chất lượng chuyên môn tốt, phù hợp sẽ thu hút được người tham dự”- TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh nhìn nhận.

Song song với các phiên hội thảo chuyên đề, chương trình còn tổ chức triển lãm poster với 16 đề tài. Các báo cáo viên tham gia trình bày và trao đổi trực tiếp với đại biểu tại khu vực triển lãm.

Ngoài ra, hội thảo cũng tập hợp 124 bài báo cáo nghiên cứu khoa học về chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ… trong điều trị ung thư và đăng tải trên Tạp chí Y học Việt Nam (tập 520, tháng 11, số chuyên đề 2022). Đây sẽ là những tài liệu quý báu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới, xu hướng phát triển cũng như tiềm năng ứng dụng những tiến bộ này vào công tác điều trị và phòng, chống ung thư ở nước ta.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X