Hotline 24/7
08983-08983

Có quản được giá thuốc?

Một thực tế đang diễn ra là người dân không biết giá, không được trả giá trong khi không ít cửa hàng phớt lờ quy định niêm yết giá thuốc.

Từ 1/6, thông tư liên tịch ba bộ: Y tế - Tài chính - Công Thương hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc dùng cho người (thông tư 50) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, thị trường dược phẩm từ khi thông tư 50 được ký ban hành (ngày 30/12/2011) vẫn liên tục “dậy sóng”, dường như câu chuyện giá thuốc vẫn chưa có hồi kết…

Người dân có còn phải mua thuốc với giá “trên trời” khi thông tư 50 có hiệu lực?
Ảnh: D.Hải

Tăng vùn vụt, giảm nhỏ giọt

Trước thềm thông tư 50 có hiệu lực, thị trường thuốc tân dược liên tục đón nhận những luồng giá mới. Kết quả khảo sát thị trường dược phẩm tại Hà Nội và TPHCM của Hiệp hội Doanh nghiệp dược VN cho thấy, giá nhiều mặt hàng thuốc trong tháng 4 có mức tăng cao tới hơn 40%. Trong đó, thuốc nội có 65 lượt mặt hàng tăng giá (tỉ lệ tăng trung bình khoảng 16%) và 28 lượt mặt hàng giảm giá (tỉ lệ giảm trung bình khoảng 7,6%).

Thuốc ngoại có 43 lượt mặt hàng tăng giá (tỉ lệ tăng trung bình khoảng 6,6%) và 33 lượt mặt hàng giảm giá (tỉ lệ giảm trung bình khoảng 5,8%). Đáng chú ý là nhiều loại thuốc có mức tăng cao 30%, thậm chí tới 45%. Cụ thể: Niroral mỡ tăng 45% (từ 16.500 lên 24.000 đồng/tuýp); Trafedin tăng 44% (từ 12.500 lên 18.000 đồng/vỉ); Osla tăng 41% (từ 8.500 lên 12.000 đồng/lọ)... Nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao được lý giải là do giá nguyên liệu, giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát giá 40 lượt mặt hàng nguyên liệu làm thuốc thì chỉ có một mặt hàng tăng giá là Theophyllin (từ 9USD lên 9,5USD/kg)(!?).

Từ đầu năm 2012 đến nay, đây là đợt tăng giá thứ hai và có sự tăng giá mạnh hơn hồi tháng 2 (chỉ có 23 lượt mặt hàng tăng giá, tỉ lệ tăng trung bình cũng chỉ 9-10%). Nhận định về thị trường dược phẩm, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, sở dĩ một số loại thuốc tăng tỉ lệ cao hơn nhưng giá trị của nó thấp và đã được sở y tế địa phương cho phép điều chỉnh do tác động của việc tăng chi phí đầu vào như xăng, điện, lương, chi phí vận chuyển. Giá thuốc tổng thể thị trường về cơ bản vẫn ổn định trong bối cảnh chung của nền kinh tế(!).

Cùng với chính sách tăng giá khoảng 400 dịch vụ y tế đã chính thức có hiệu lực từ 15.4 vừa qua, dư luận quan ngại rằng, nếu giá thuốc tiếp tục tăng cao sẽ là gánh nặng kép với người dân, nhất là đối tượng không tham gia BHYT. Bởi lẽ theo tính toán, tiền thuốc thường chiếm đến 60% chi phí viện phí.

Chưa phải là liều thuốc đặc trị?

Một thực tế đang diễn ra là người dân không biết giá, không được trả giá trong khi không ít cửa hàng phớt lờ quy định niêm yết giá thuốc.

Nói về câu chuyện giá thuốc, một bác sĩ (xin được giấu tên) cho rằng, hiện nay, giá thuốc khi đến tay người bệnh đã phải “cáng đáng” thêm hàng chục khoản chi phí khác ngoài giá thành sản xuất. Theo đánh giá của vị bác sĩ này thì hai tháng trở lại đây, các loại thuốc dạ dày, tuần hoàn não, thuốc về xương khớp tăng mạnh từ 20 - 40% so với tháng 2/2012. Nguyên nhân theo bác sĩ này có thể do thông tư 50 sắp được ban hành hay thậm chí là do “hoa hồng” từ các hãng dược chi cho bác sĩ các bệnh viện “mạnh tay hơn” khiến giá trị thực của giá thuốc bị đẩy càng xa giá thực.

Trước sự nhiễu loạn của giá thuốc, một cán bộ công tác tại Cục Quản lý dược cho biết: “Khi thông tư 50 triển khai, Bộ Y tế sẽ thí điểm quản lý giá thuốc theo thặng số bán buôn toàn chặng, được tính bao gồm các chi phí và lãi tối đa cho toàn bộ giai đoạn từ nhập khẩu tới bán buôn; tăng cường các biện pháp quản lý giá với thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu”. Tuy nhiên, ngay cả bản thân vị này cũng băn khoăn rằng, liệu những giải pháp này có vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hay không bởi quyền định giá thuốc hiện nay vẫn thuộc về phía doanh nghiệp.

Khi mà cơ quan quản lý còn băn khoăn trước lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược, thậm chí vẫn để doanh nghiệp dược tự kê khai giá thuốc thì theo tiến sĩ y khoa Trần Tuấn, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN, câu chuyện “làm giá” sẽ khó mà có hồi kết. “Thông tư 50 dù được kỳ vọng là phương tiện hữu hiệu quản lý giá thuốc cũng có thể chỉ là... kỳ vọng bởi những tồn tại trong quản lý giá thuốc trước đây vẫn chưa được giải quyết triệt để.
 
Cái chính muốn thay đổi là Nhà nước phải quản lý chứ không để các Cty tự đề giá lên. Bản thân thuốc là nhu cầu thiết yếu để chữa bệnh của nhân dân nhưng lại là mặt hàng đặc thù, người dân không biết chất lượng sản phẩm, không xem xét được nên phải có cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý chứ không thể cho phép nhập thế nào thì thông báo thế ấy được” - TS Tuấn nói.

AloBacsi.vn (Theo Lao động)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X