Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện về BS Lê Hoàng Minh của BV Ung bướu TPHCM

Người thầy thuốc ấy đã đồng hành cùng từng bước phát triển của BV Ung Bướu TPHCM.

BS. Lê Hoàng Minh, tốt nghiệp chuyên khoa Ung thư, ĐH Y Dược TP.HCM năm 1981. Trải qua 5 năm trong quân đội, trong đó có 1 năm tại chiến trường Campuchia, mặt trận 779 (tỉnh Kompongcham) tăng cường cho tiểu đoàn 9 - đoàn 7701, năm 1986, ông được điều về Trung tâm Ung Bướu TPHCM.
 
Hiện nay, BS. Minh là Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy BV Ung Bướu, Ủy viên BCH Đảng bộ Sở Y tế TPHCM liên tục 3 nhiệm kỳ từ 1996 đến nay, Thầy thuốc Ưu tú năm 2005, Bằng khen Đại hội thi đua yêu nước TPHCM lần thứ V (2005-2010), Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.

Tháng 4/1986, sau khi trải qua khóa huấn luyện sĩ quan dự bị, với tinh thần “Đi bất cứ nơi nào tổ quốc cần, làm bất cứ việc gì tổ chức phân công”, BS. Minh về Bộ Quốc phòng. 5 năm trong quân đội, giờ đây trở về, với tinh thần người lính, ông tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới.
 
Biết rằng kiến thức chuyên khoa ung thư sau 5 năm không sử dụng có lẽ cũng rơi rụng ít nhiều, bạn bè cùng khóa, thậm chí cả đàn em học sau ông, ra trường được chắc hẳn đã tiến rất xa. Để bắt kịp đà tiến triển của y học, ông vừa làm vừa học, cả chuyên môn, chính trị và ngoại ngữ; năm 1995 ông có bằng Chuyên khoa cấp I, rồi Chuyên khoa cấp 2 vào năm 2003, cao cấp chính trị năm 1997, quản lý nhà nước, quản lý bệnh viện…

Khi BS. Minh đang phụ trách khoa Xạ 2, sau một buổi đến dự hội chẩn tại khoa, GS. Nguyễn Chấn Hùng - Giám đốc bệnh viện, cũng là người thầy của ông đưa ra ý kiến: Muốn đưa ông lên làm phó giám đốc, phụ tá cho thầy. Được sự động viên của bác sĩ Giám đốc, vào tháng 8/1991, BS. Minh nhận nhiệm vụ phó giám đốc bệnh viện khi 35 tuổi.

Từ đó, ở vai trò phó giám đốc hậu cần, trợ lý cho thầy Hùng, ngoài công việc chuyên môn, BS. Minh đã cùng với ban giám đốc đưa BV Ung Bướu phát triển cả về cơ sở vật chất và quy mô điều trị.
 
Năm 1992, bệnh viện có thêm khu ngoại khoa với 350 giường bệnh và 10 phòng mổ siêu đại phẫu, 3 phòng mổ trung tiểu phẫu. Năm 1996, bệnh viện có thêm khu xạ trị với 300 giường bệnh và một khoa kỹ thuật phóng xạ; cũng trong năm này, BV Ung Bướu đã từ bệnh viện hạng 2 lên hạng 1.
 
Năm 1997,  BV Ung Bướu trở thành bệnh viện chuyên khoa ung bướu lớn nhất các tỉnh phía Nam với 1.300 giường nội trú có phương pháp điều trị phối hợp xạ trị - hóa trị - phẫu trị; là cơ sở đào tạo giảng dạy đại học và sau đại học về chuyên ngành ung bướu học của ĐH Y Dược TPHCM và Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng Cán bộ y tế TP.HCM (nay là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Năm 2005, bệnh viện có thêm khu xạ trị gia tốc với hai máy xạ trị gia tốc Clinac 2300 C - D đời mới, ngang tầm các nước trong khu vực.

Từ ngày 21/12/2007, nhận nhiệm vụ giám đốc bệnh viện, BS. Minh đã thể hiện vai trò của một cán bộ quản lý có tinh thần trách nhiệm và năng động, dám nghĩ dám làm; từ đó bệnh viện có nhiều cải tiến và thành tựu trong việc khám và điều trị, nhằm phục vụ bệnh nhân tốt nhất trong điều kiện hiện có.

BS. Lê Hoàng Minh (trái)
 
Dù hiện nay y học đã tiến bộ, nhưng ung thư vẫn là bệnh nan y vì tỷ lệ tử vong cao. Ông trăn trở suy nghĩ: “Người bệnh phải chờ điều trị, nhưng diễn tiến nặng lên của bệnh thì đâu có ngừng lại chờ, phải làm sao để người bệnh được điều trị sớm với tình hình trang thiết bị như thế và số lượng cán bộ y tế như thế”.
 
BS. Lưu Văn Minh chia sẻ “Tổ chức thực hiện mổ, xạ trị dịch vụ vào ngày thứ 7, chủ nhật là một quyết định táo bạo của anh Lê Hoàng Minh. Giữa lúc dư luận đang cho rằng: có bệnh viện lợi dụng tình trạng quá tải để đóng cửa sớm trong giờ, làm dịch vụ ngoài giờ, móc túi người bệnh. Dư luận sẽ đánh giá: làm dịch vụ ở bệnh nhân ung thư là vô nhân đạo, người có tiền sẽ được điều trị sớm, còn người nghèo thì sao? Nếu tổ chức dịch vụ có gì sai sót, có thể đi đứt tương lai sự nghiệp của anh ấy”.
 
Nhưng vì sự sống và sức khỏe của người bệnh năm 2008, bệnh viện thực hiện ý tưởng táo bạo này. Mới nhìn tưởng như chỉ có bệnh nhân có tiền làm dịch vụ mới được giảm thời gian chờ đợi, nhưng thật ra cả bệnh nhân nghèo cũng được hưởng.
 
Cứ thử hình dung, một nhóm người đang xếp hàng chờ đến phiên, nếu một số người rút ra mổ dịch vụ hay xạ trị dịch vụ thì hàng người đang chờ đợi sẽ ngắn lại. Như vậy, những người có khả năng kinh tế đã gián tiếp giúp cho người nghèo giảm thời gian chờ đợi điều trị.
 
Cuối năm 2009, BV Ung bướu được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện xuất sắc toàn diện liên tục 5 năm và vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. BS. Minh rất quan tâm đến việc hỗ trợ các đơn vị bạn trong lĩnh vực ung thư nên đã mở các lớp định hướng ung thư cho BV Quân đội 175, BV Thống Nhất, BV Chợ Rẫy; mở lớp chuyên sâu về phẫu trị, xạ trị, hóa trị...
 
Một ca phẫu thuật tại BV Ung bướu TPHCM
 
Tiếp nối sự nghiệp chỉ đạo phòng chống ung thư của GS. Nguyễn Chấn Hùng, bệnh viện đã cử nhiều đoàn cán bộ đến hỗ trợ BV Ung bướu Cần Thơ, BV đa khoa Kiên Giang, BV Khánh Hòa… Ông mong muốn mạng lưới phòng chống ung thư các nơi phải vững vàng, bệnh viện ung bướu các tỉnh phải mạnh, là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân địa phương, để người bệnh không phải vất vả khăn gói lên thành phố.

Ngoài ra, BS. Minh còn khuyến khích cán bộ y tế tại bệnh viện tiếp tục học lên, đồng thời cử cán bộ đi tu nghiệp trong và ngoài nước.

Trong năm 2009 và 2010, nhiều kỹ thuật cận lâm sàng mới và lâm sàng mới được triển khai thực hiện tại bệnh viện. Về cận lâm sàng có: xét nghiệm thử PTH để dự đoán biến chứng suy tuyến phó giáp sau phẫu thuật; Định vị ba chiều sang thương tuyến vú dưới hướng dẫn nhũ ảnh; Sinh học phân tử - lai tại chỗ huỳnh quang - Fish khảo sát gen Her - 2 trong ung thư vú; Kỹ thuật xạ hình xương; Kỹ thuật xạ hình tuyến giáp….
 
Về lâm sàng có: Xạ trị bổ túc ung thư vú sau phẩu thuật đoạn nhủ với phác đồ giảm phân liều; Cắt dọc đứng một phần thanh quản; Đặt ống thông niệu quản J-J; Phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị khối u phần phụ,…

Mỗi bệnh nhân ung thư là một gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhất là khi điều trị muộn thì tốn kém nhiều mà hiệu quả ít, chi bằng lập phòng tuyến từ xa để ngăn ngừa bệnh và phát hiện bệnh sớm, vì thế BS. Minh đang chuẩn bị thành lập Đơn vị tư vấn - tầm soát & phát hiện sớm ung thư vú và ung thư phụ khoa.

Mặc dù các bệnh viện ung thư thường chỉ điều trị cho bệnh nhân giai đoạn sớm, còn giai đoạn muộn, khi đã hết cách thì cho về nhà chờ “ra đi”. Với tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền”, không thể bỏ rơi bệnh nhân; Khoa Chăm sóc giảm nhẹ cũng đang được hình thành với nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối, khi gia đình đã kiệt sức không thể chăm sóc.
 
Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ làm giảm đi sự đau đớn thể xác mà còn nâng cao chất lượng sống những ngày cuối đời cho bệnh nhân. Cả hai đơn vị Tư vấn - tầm soát & phát hiện sớm ung thư vú và ung thư phụ khoa và Khoa Chăm sóc giảm nhẹ đã được khánh thành vào ngày 6/1/2011.
Dưới sự chỉ đạo của BS. Minh, các khoa điều trị rất quan tâm đến bệnh nhân nghèo, qua gần gũi tiếp cận người bệnh, khi phát hiện bệnh nhân nào tình trạng kinh tế quá khó khăn, không kham nổi chi phí điều trị, điều dưỡng tại khoa sẽ hướng dẫn người bệnh làm đơn xin miễn giảm viện phí, và chuyển hồ sơ lên Ban công tác xã hội của bệnh viện.
 
Người bệnh được giúp đỡ mọi mặt, đến cả tiền xe về khi ra viện. Cựu chiến binh Phan Văn Năm từ Bình Thuận đưa vợ vào điều trị ung thư cổ tử cung, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh đã đến gặp BS. Minh trình bày hoàn cảnh, sau đó vợ anh được giải quyết miễn viện phí 100% và anh được hỗ trợ một số tiền để chi dùng trong thời gian ở thành phố chăm sóc vợ.

BS. Minh rất ít nói về bản thân mình, nhưng lại “khoe” nhiều về thành tích của bệnh viện. Mong ước của ông là phát triển bệnh viện toàn diện, ngang tầm các nước trong khu vực và một số nước tiên tiến trên thế giới. Ngày 24/11/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định phân cấp BV Ung Bướu là Bệnh viện tuyến Trung ương về chuyên môn kỹ thuật lĩnh vực phòng chống ung thư.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X