Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện buồn vui của bác sĩ tâm thần

Không như bác sĩ (BS) các khoa nội, khoa ngoại, BS ngành tâm thần thường ít được biết đến và có cuộc sống, công việc rất vất vả.

Tuy vậy, họ luôn “vượt lên chính mình” để làm tròn vai trò “từ mẫu” của những bệnh nhân (BN) đặc biệt bậc nhất này.

BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc TTGĐPYTT TP.HCM

Bác sĩ… điên!

Bây giờ, dù đã có thâm niên hơn 25 năm trong nghề, nhưng BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần (TTGĐPYTT) TP.HCM vẫn khẳng định: “Tôi chưa cảm thấy hứng thú với hai chữ tâm thần”. Ông Quang nhắc lại chuyện cũ: “Năm 1984, khi phân công tôi vào ngành tâm thần, ngay hôm sau, mọi người đã nhìn tôi rồi trêu nhau: thằng Quang… tâm thần à?”.

Thời đó, tâm thần là bộ môn ít người đeo đuổi. Thậm chí, đó là ngành còn bị mang tiếng là chỉ có người… điên mới nhào vô. BS Quang nhớ lại: “Lớp tâm thần khi ấy chỉ có 23 người với đủ thành phần “tệ nạn”:  người bị kỷ luật, kẻ thi lại… Họ “bất mãn” đến mức GS Nguyễn Việt vào lớp, cũng không buồn đứng lên chào. Nhìn gương mặt miễn cưỡng của cả lớp một lúc, thầy Việt tuyên bố: “Nếu không muốn học, hãy về nhà suy nghĩ lại…”.

Tôi về nhà bày tỏ ý định bỏ nghề, anh tôi động viên: “Yên chí đi, bây giờ thì ít, nhưng 20 năm nữa người bị tâm thần sẽ nhiều”. Nghe anh, tôi quay lại lớp học.

Tháng 9/1985, tôi quảy ba lô về BV 7C (BV Quân dân y miền Đông – Q.9, TP.HCM hiện nay) nhận nhiệm vụ điều trị cho bộ đội. Năm 1989, tôi chuyển về BV Tâm thần TP.HCM, mới năm ngoái, tôi được điều về TTGĐPYTT.

Dự đoán ngày xưa của ông anh bây giờ thành sự thật. Giá trị BS tâm thần được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, mỗi khi bạn bè hoặc ai đó nhắc đến tên tôi, thì lập tức có người xác minh lại: “cậu Quang… tâm thần à?” Nghe mà muốn… điên luôn!”.

Không giống BS Quang, BS Chu Thị Dung, Khoa Khám bệnh I, BV Tâm thần TP.HCM, là người chủ động chọn ngành tâm thần để dấn thân. Xuất thân từ khóa đào tạo BS đa khoa ở Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế (Sở Y tế TP.HCM), khi tốt nghiệp, BS Dung được ưu tiên chọn nơi công tác. Cô là một trong ba nữ BS của khóa học đã chọn về BV Tâm thần như muốn thử sức mình trong căn bệnh đặc thù và ngày càng phổ biến của thời hiện đại.

Quả thật, “Lúc tôi mới về nhận công tác, mỗi ngày có chừng 100 BN đến khám, nay con số này tăng gấp năm lần!”. Dù vậy, tâm thần vẫn là ngành không có nhiều người chọn lựa. Theo BS Quang, số BS chuyên khoa tâm thần toàn thành phố chỉ khoảng 60 người. Số này phải chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tám triệu dân quả là tỷ lệ đáng phải suy nghĩ.


Bác sĩ Chu Thị Dung cho biết: “Tôi chủ động chọn ngành tâm thần để dấn thân nhưng đôi lúc cũng cảm thấy buồn vì rất nhiều trường hợp tâm thần rơi vào dạng kháng trị, chữa không hết”.

Nghề… hứng nước bọt

Nhiều lý do để lý giải cho tỷ lệ khá èo uột này. Ngoài định kiến xã hội về “BS… điên”, BS Quang cho biết một thực tế: các ngành khác kiếm tiền dễ hơn. Ông nói: để trở thành BS tâm thần, phải mất gần 10 năm học tập. Sáu năm học ở trường y, sau đó mất thêm một năm để định hướng cụ thể ở một BV, rồi lại thêm ba năm học chuyên khoa.

Mười năm đó, với các chuyên khoa khác, các BS đã có thể mở phòng mạch, còn “anh Tâm thần” chỉ hì hụi học kinh nghiệm với ít nhất 300 “mặt hàng” tâm thần có thể gặp ở một BN. Mà bệnh tâm thần thì người bệnh chính là thầy của BS.

Cùng một dạng bệnh, nhưng không phải bao giờ cũng cùng một phác đồ điều trị. Do vậy, rất tốn thời gian để am hiểu tường tận mà chữa dứt cho BN. Rồi đến khi mở phòng mạch cũng vậy. Một ca khám bệnh tâm thần thường mất thời gian nhiều hơn gấp bốn - năm lần ca bệnh khác.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người e ngại làm BS tâm thần chính là nguy cơ bị BN tấn công bất ngờ và đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm.

“Ngoài cào cấu, đánh đấm thì “món” phun nước miếng vào mặt BS là dạng thường gặp nhất, nhẹ nhất và cũng có… mùi nhiều nhất”, BS Quang cho biết và kể thêm: “Hồi còn làm Trưởng khoa Nữ BV Tâm thần TP.HCM, tôi có không dưới 10 lần bị BN phun nước miếng vào mặt. Dù có đề phòng trước, nhưng “chiêu” này ít BS né khỏi. Có lần, một bà mẹ được các con đưa vào khám bệnh, nhìn dáng bà cũng bình thường, tôi mới mở lời mời ngồi là bà “tung” ngay một bãi nước miếng vào mặt rồi. Lần khác, một cô sinh viên trường Luật được gia đình đưa vào điều trị. Tôi mới thò tay kéo hộc bàn để lấy bút thì bị ngay một “quả” nước bọt mà không kịp trở tay”.

Nhắc lại những lần “bị hại” của mình và đồng nghiệp, ông Quang cười: “Món nước miếng quả là độc bởi cứ nhè mặt BS mà đáp! Nhưng điều đáng lo lắng hơn chính là các trường hợp tâm thần bị nhiễm HIV/AIDS. Mỗi lần BN “quậy” là các BS phải đối diện với một phen… vượt lên chính nỗi sợ hãi của mình. Ví dụ BN đập chai bia, chạy vòng vòng rồi vào toilet, tắt đèn, ngồi cố thủ, thử hỏi BS phải làm sao để BN ra?”.

Nỗi niềm “từ mẫu”

Hỏi điều gì buồn nhất từ khi theo đuổi ngành BS tâm thần, BS Chu Thị Dung tâm sự: Đó là khi chữa không hết bệnh. Điều trị bệnh tâm thần rất tốn kém thời gian. Thấy gia đình đưa BN đi điều trị cả năm trời mà kết quả không thay đổi gì, tự mình cảm thấy có lỗi. Nhất là khi nhìn ánh mắt cầu cứu của người nhà BN lụi tắt niềm hy vọng từng ngày.

Nhiều BN tâm thần rơi vào dạng kháng trị, phương cách cuối cùng có thể áp dụng là choáng điện, nhưng tỷ lệ phục hồi thường không cao. Hơn ai hết, BS tâm thần hiểu rõ tác dụng của việc ngoài mong muốn này.

TP.HCM hiện có hơn 10 phòng khám tâm thần tư nhân được nhiều người biết đến. Các BS phụ trách thường là những người đã có thâm niên công tác trong ngành tâm thần, nay đã nghỉ hưu. Một số khác là các BS đương nhiệm. Thậm chí cũng có nhiều BS tâm thần chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đành chọn con đường chia tay với các BV công để thành lập công ty dịch vụ khám và điều trị các chứng rối loạn tâm thần.

Lý do chia tay sớm khi chưa đến tuổi nghỉ hưu được BS Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng khám tâm thần Tân Gia An đưa ra là: để phục vụ tốt hơn cho BN. Theo BS Nhung, BN tâm thần cần một nơi điều trị yên tĩnh, sạch sẽ, kín đáo. Điều đó cho thấy, điều kiện tiếp nhận và điều trị tâm thần hiện nay ở lĩnh vực công vẫn là điều đáng băn khoăn. Vai trò “từ mẫu” đang ít nhiều bị hạn chế.

Theo báo cáo của BV Tâm thần Trung ương 2, hiện gần 15% dân số Việt Nam (hơn 12 triệu người) mắc 10 loại bệnh tâm thần như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn thần sau chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, rối loạn tâm thần ma túy. Theo dự đoán của các chuyên gia, đến năm 2020, số người mắc các loại bệnh lý về tâm thần sẽ còn tăng lên, với khoảng 20% dân số Việt Nam, tức cứ năm người có một người mắc bệnh.

Tuy nhiên, hiểu biết về sức khỏe tâm thần của người Việt Nam rất hạn chế, thậm chí sai lệch trong cả đội ngũ những người làm công tác y tế. Khi nói đến bệnh tâm thần, đại đa số đều nghĩ tới người đang nằm điều trị tại các bệnh viện tâm thần hoặc ở nhà nhưng luôn phải để mắt đến vì nguy hiểm. Trong thực tế, những người như trên chỉ là số nhỏ (khoảng 10%), còn số người bị rối nhiễu tâm trí (biểu hiện lâm sàng đầu tiên của tâm thần) - một “bệnh thời đại” mới chiếm đa số

Theo Phụ nữ TP.HCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X