Hotline 24/7
08983-08983

Chùm ảnh: Xuyên đêm ca ghép tim đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Trong thời khắc đau khổ vì mất đi người thân, gia đình nam thanh niên ở Hà Nội đã nén đau thương đã đưa ra quyết định khó khăn nhất, đó là hiến tạng với mong muốn anh sẽ tiếp tục được sống trọn vẹn trên cõi nhân gian dù là theo một cách rất khác biệt. Nhờ đó, 6 mảnh đời lại được sống cuộc đời thứ 2. Đôi mắt của anh đã giúp 2 bệnh nhân nhìn thấy ánh sáng sau một thời gian dài sống tăm tối. Trái tim của anh sẽ vẫn đập nhưng là ở một nơi xa xôi hàng ngàn km…

1 quyết định - 6 cuộc đời được hồi sinh

Ca ghép tạng ngày 24/8/2024 vừa qua đúng như một phép màu đến với 6 người bệnh cần ghép tại. Hành trình kỳ diệu ấy được Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Việt Đức "chắp cánh"... Và người viết nên phép màu này là một chàng trai trẻ khép lại tuổi thanh xuân rực rỡ ở tuổi 32 không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và chết não. 
Trước đó, 1h30 sáng 23/8/2024, anh N.Đ.T. bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và được đưa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, tình trạng của nạn nhân vẫn tiếp tục xấu đi.
Đến 3h15 sáng cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành đánh giá lâm sàng và nghi ngờ bệnh nhân đã chết não. Sau 3 lần kiểm tra kỹ lưỡng và chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, đến 10h sáng 24/8, kết quả cuối cùng vẫn khẳng định điều này.
Ê-kip dành các y bác sĩ cúi đầu mặc niệm và tri ân anh T. vì nghĩa cử hiến tạng cao đẹp. "Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của anh. Những gì anh để lại cho cuộc đời sẽ là món quà vô giá đối với những bệnh nhân hiểm nghèo..." - vị bác sĩ thay mặt ekip đọc lời tri ân sau cuối. Sau khi các ca ghép hoàn tất, những người bệnh nan y sẽ được sống, còn anh sẽ đi vào cõi vĩnh hằng sau khi để lại những "món quà sự sống" cho cuộc đời.

Trái tim được vận chuyển với cung đường ngắn nhất, thời gian di chuyển nhanh nhất, phương tiện di chuyển an toàn nhất

Bên cạnh 2 quả thận sẽ được ghép cho 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, 2 giác mạc sẽ mang lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và lá gan sẽ được ghép cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì trái tim của anh T. đã "bay" vào phương Nam và được ghép cho một bệnh nhân đang chờ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Khoảng 20h tối 25/8, chiếc hộp bảo quản trái tim anh của T. được y bác sĩ khẩn trương vận chuyển từ phòng mổ tới xe cứu thương...
...Xe Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội đã đợi rất lâu ở cổng bệnh viện lập tức nổ máy, đoàn xe hú còi yêu cầu các phương tiện tham gia giao thông khẩn cấp thực hiện nhường đường, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn tuyến thực hiện dọn đường.
Nhờ vậy, cả đoàn chỉ mất 20 phút để đi ngược đường Trần Phú, qua Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác, qua Phủ Chủ tịch, qua Văn phòng Trung ương Đảng, qua Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch trên đường Thanh Niên, vượt sông Hồng để sang huyện Đông Anh là quê hương của anh T, rồi hướng thẳng ra sân bay Nội Bài.
Đích thân PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ra Hà Nội tiếp nhận và vận chuyển trái tim này. 21h, chiếc máy bay cất cánh, mang theo trái tim của chàng trai thủ đô xuôi vào Nam.
Để các tạng hiến kịp về bệnh viện ghép cho bệnh nhân, không thể không nhắc đến lực lượng dẫn đường. Đó là các chiến sĩ CSGT TP Hà Nội và TPHCM. Họ đã hỗ trợ dẫn đường để các y bác sĩ có thể thực hiện được sứ mệnh của mình trong hành trình đi tìm sự sống cho người bệnh.
Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM hỗ trợ đoàn gồm hàng chục mô tô chuyên dụng, gần 50 cán bộ chiến sĩ của 4 đội nghiệp vụ. Cùng với đó là đội ngũ hỗ trợ từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM gồm 2 xe cấp cứu, 2 xe hành chính, ê kíp y bác sĩ và nhân viên y tế đến từ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.  
Các chiến sĩ đã có mặt ở mọi ngã tư trên lộ trình tại TPHCM, giúp đoàn xe di chuyển liên tục kịp về tới bệnh viện ghép cho người bệnh. Trong 8 phút 39 giây, đoàn đã đi 8,2km, vượt qua 3 vòng xoay và 14 ngã tư để đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM Tất tập trung cao độ trong từng phút, thậm chí từng giây đều được tính toán cẩn trọng. 

Hàng trăm nhân viên y tế BVĐHYD dốc sức trong cuộc chiến sinh tử

Ê-kíp nhân viên y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Việt Đức cùng nhau dồn lực hỗ trợ để ca ghép diễn ra thuận lợi nhất. Ca ghép tim cứu người đã được thực hiện ngay trong đêm.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã huy động hàng trăm nhân sự tham gia vào ca ghép tim này. Đây cũng ca ghép tim đầu tiên của bệnh viện trong 30 năm qua.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định chia sẻ, người nhận quả tim hiến là anh L.A.H. (SN 1987, ngụ tỉnh Gia Lai), được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, với chức năng tim rất kém. Nếu không ghép tim kịp thời, bệnh nhân sẽ không sống được bao lâu nữa.

Khi nhận được thông tin Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, toàn bộ hệ thống của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã được kích hoạt ngay lập tức.

Hai điều khiến các y bác sĩ rất thận trọng trong ca ghép tim này. Thứ nhất, người bệnh có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, người bệnh có nhóm máu Rh âm tính, một trường hợp rất hiếm gặp. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ.

Chuyên gia thông tin, bệnh nhân có nhóm máu rất hiếm. Việt Nam chỉ có dưới 1% người có nhóm máu này. Chỉ vỏn vẹn trong 24h, bệnh viện cần phải quyết những khó khăn, thách thức. Bên cạnh tình trạng sức khỏe bệnh nhân và nhóm máu hiếm thì một vấn đề khác được đặt ra đó là khoảng cách địa lý, do vậy điều quan trọng là điều phối để đưa bệnh nhân về Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. 
"Ngoài việc liên lạc với Trung tâm Truyền máu huyết học, các nhân viên bệnh viện cũng được huy động tối đa để trong trường hợp cần thiết có thể sẵn sàng hiến máu ngay cho bệnh nhân hỗ trợ ca ghép thành công trong thời gian rất ngắn" - PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cho biết.

Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ, tính từ khi trái tim được cấy ghép vào cơ thể người bệnh vào nửa đêm ngày 24/8. Đến 3h ngày 25/8, trái tim đã bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Hiện, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, tỉnh táo.
Sau các ca ghép thành công, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã gửi những lời tri ân sâu sắc đến người hiến và gia đình anh, vì tấm lòng và nghĩa cử nhân văn, cao đẹp mang lại sự sống nhiều sinh mệnh. PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cũng nhấn mạnh, bệnh nhân phải được theo dõi sát trong 3 ngày đầu để tránh những diễn tiến bất thường về chức năng tim, đặc biệt khi quả tim được vận chuyển một quãng đường rất dài từ Hà Nội đến TPHCM và thời gian tim bị thiếu máu lên đến 5,5 giờ đồng hồ.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đến nay bệnh viện đã thực hiện tổng cộng 53 ca ghép gan và 48 ca ghép thận. Riêng về ghép tim, 4 năm qua Bệnh viện đã chuẩn bị tất cả điều kiện, đến cuối năm 2023 Bộ Y tế đã thẩm định và cho phép bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.

Lấy - ghép tạng từ người cho chết não nói chung và lấy - ghép tim nói riêng là kỹ thuật đặc biệt khó. Thách thức không chỉ đến từ việc lấy tạng từ người hiến và bảo quản để đảm bảo tình trạng tạng tốt nhất, mà còn là quá trình ghép và hồi sức sau ghép cho người nhận.

Thành công ca ghép tim tạo ra bước ngoặt lớn, Việt Nam từ đó vinh dự được đưa vào bản đồ các quốc gia ghép tim trên thế giới. Không đơn thuần là dùng y học cứu người, có lúc hành trình ghép tim xuyên Việt trở thành một “cuộc chiến cân não” giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Quy trình ghép tim đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa gồm ngoại khoa, nội khoa, chạy máy tim phổi nhân tạo, gây mê hồi sức, miễn dịch, phục hồi chức năng sau mổ… Bên cạnh trang thiết bị được đầu tư, việc thiết lập các tổ chuyên môn, xây dựng quy trình chuẩn mực, huấn luyện kỹ càng là điều kiện cần và đủ cho thực hiện ghép tim thuần thục.

Trên hết, các bác sĩ đã “Việt hóa” quy trình ghép tim dựa vào đặc trưng của nước ta. Trong khi ở các nước phát triển dùng trực thăng vận chuyển phục vụ ghép tạng thì Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng máy bay dân dụng, trong khi không có thùng chứa tạng chuyên dụng để bảo quản tạng một cách chuẩn nhất.

Nhưng trong cái khó, ló cái khôn, các bác sĩ Việt Nam đã sáng tạo ra thiết bị “hồi sức” bên ngoài thùng tạng để vừa ngồi trên máy bay vừa bơm dung dịch tiếp sức, bảo vệ cho tạng. Bạn bè thế giới rất khâm phục và khó tưởng tượng được là tại sao với điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, điều kiện vật chất khó khăn, đời sống của y bác sĩ còn thấp… mà chúng ta không chỉ ghép tạng thành công mà còn duy trì tỷ lệ sống một năm sau ghép đạt 90%, cao ngang với các nước có nền y học tiên tiến.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X