Hotline 24/7
08983-08983

Chủ động kiểm soát mỡ máu để bảo vệ sức khỏe tim mạch

TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, tăng lipid máu có mối liên quan chặt chẽ với các biến cố tim mạch trên lâm sàng. Theo đó, nồng độ lipid máu càng tăng cao càng dễ xuất hiện biến cố của bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

1. Rối loạn lipid máu gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong trên toàn cầu

Bệnh rối loạn chuyển hóa đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21, trong đó bao gồm cả rối loạn lipid máu. Xin Bác sĩ vui lòng chia sẻ một vài thông tin tổng quan về tình trạng rối loạn lipid máu hiện nay tại Việt Nam?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Các bệnh lý tim mạch không do lây nhiễm, trong đó có các bệnh lý về mặt chuyển hóa là một trong những vấn đề thời sự của y học cũng như của cộng đồng ngày nay. Gần đây có hàng loạt các trường hợp gặp biến cố về mặt tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Theo thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu, thường được biết tới với tên gọi mỡ máu cao gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu và được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.

Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị cholesterol cao (chiếm tỷ lệ 30%). Riêng khu vực thành thị, tỷ lệ người từ 25 - 74 tuổi có chỉ số cholesterol cao lên tới 44,3%. Đây là kết quả điều ra theo mẫu dịch tễ học, còn số lượng thực tế người bị mỡ máu cao có thể còn lớn hơn nhiều.

2. Ai có nguy cơ mắc rối loạn lipid máu?

Lối sống hiện nay có những yếu tố nguy cơ nào khiến tỷ lệ mắc rối loạn lipid máu ngày càng gia tăng. Những ai có nguy cơ mắc phải tình trạng này, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Những người có lối sống tĩnh tại (không vận động thể lực), không có sự quân bình trong chế độ ăn (chế độ ăn quá giàu dinh dưỡng, nhiều chất béo, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến sẵn), thừa cân - béo phì, có bệnh lý khác đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ có tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, rối loạn chuyển hóa lipid máu còn liên quan đến các vấn đề về gen (di truyền), cũng như vấn đề nội tại trong cơ thể.

3. Rối loạn lipid máu làm các biến cố tim mạch xuất hiện sớm hơn

Rối loạn lipid máu dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm, nhờ BS đề cập cụ thể hơn về mối quan hệ giữa rối loạn lipid máu và bệnh lý tim mạch?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Có mối liên quan chặt chẽ giữa việc tăng lipid máu với các biến cố tim mạch trên lâm sàng. Ghi nhận nồng độ lipid máu càng tăng cao càng dễ xuất hiện biến cố của bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Người lớn tuổi có thể mắc nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu,…Tuy nhiên, gần đây có những người trẻ, khoảng 30 tuổi đã gặp các biến cố về tim mạch hay đột quỵ. Ở những người này chỉ có 1 - 2 yếu tố nguy cơ nhưng là những yếu tố độc lập như mỡ trong máu tăng quá cao cũng đủ gây ra biến cố và xuất hiện biến cố sớm so với những người khác.

4. Làm sao đánh giá nguy cơ cho một người bị rối loạn lipid máu?

Có cách nào để đánh giá nguy cơ tim mạch cho người bệnh rối loạn lipid máu không, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Khi phát hiện rối loạn lipid máu các bác sĩ phải phân tầng nguy cơ: Người có nguy cơ thấp - trung bình - cao - rất cao.

Ai cũng có nguy cơ, tùy vào các thông số để quyết định bệnh nhân đó thuộc nhóm nào. Ví dụ, 1 người rất trẻ mà nồng độ LDL Cholesterol > 200 mg/dL là người có nguy cơ rất cao sẽ gặp các biến cố trên lâm sàng nên sẽ thuộc nhóm nguy cơ cao.

Hay những người trung niên, hoàn toàn khỏe mạnh không có yếu tố nào khác và LDL Cholesterol khoảng 100 mg/dL thì người này thuộc nhóm nguy cơ thấp. Hoặc có thể kết hợp nhiều yếu tố như mỡ trong máu, đái tháo đường,… để phân tầng bệnh nhân.

Tóm lại, để đánh giá nguy cơ cho một người bị rối loạn lipid máu, bác sĩ sẽ có thang điểm và ghi chú lại các yếu tố của bệnh nhân, từ đó đưa ra đánh giá nhóm nguy cơ cụ thể và có kế hoạch dự phòng, điều trị biến cố tim mạch.

Hầu hết, những bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa đều phải đánh giá nguy cơ cho bệnh nhân. Đối với rối loạn lipid máu, người nguy cơ thấp thì mục tiêu điều trị (quản lý người bệnh) chỉ cần nồng độ LDL Cholesterol < 110 mg/dL.

Nếu người có nguy cơ thấp mà LDL Cholesterol > 110 mg/dL, phải khuyến khích bệnh nhân thay đổi lối sống, đôi khi phải dùng thuốc để giảm nồng độ LDL-C xuống.

Đối với những bệnh nhân đã can thiệp (đặt stent động mạch vành) bắt buộc nồng độ LDL Cholesterol < 55 mg/dL và thấp hơn 50% so với chỉ số nền của bệnh nhân. Nếu LDL Cholesterol > 55 mg/dL sẽ dễ xảy ra các biến cố như tắc stent đã đặt hoặc bị tái hẹp, tiến triển mảng xơ vữa ở các mạch máu khác.

Để dự phòng các biến cố có thể xảy ra, bắt buộc người bệnh phải được quản lý, điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc,… để đạt mục tiêu điều trị. Nồng độ mỡ trong máu càng thấp sẽ càng tốt.

5. Bảo vệ tim mạch có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong điều trị rối loạn lipid máu?

Xin hỏi BS, bảo vệ tim mạch có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong điều trị rối loạn lipid máu ạ? 

TS.BS Trần Hòa trả lời: Điều trị để làm giảm nồng độ lipid máu là vấn đề then chốt, chính yếu nhất trong việc giảm các biến cố tim mạch trên lâm sàng.

Thứ nhất, khi giảm nồng độ LDL Cholesterol (mỡ xấu) sẽ làm giảm trực tiếp sự hình thành mảng bám và đôi khi làm thoái triển mảng xơ vữa. Ví dụ, bệnh nhân có mảng xơ vữa nhưng nếu điều trị đúng, điều trị đủ thì theo thời gian mảng xơ vữa sẽ thoái triển. Nghĩa là việc điều trị mỡ trong máu trực tiếp ảnh hưởng đến mảng xơ vữa đó.

Thứ hai, chính sự thoái triển mảng xơ vữa sẽ làm giảm trực tiếp các biến cố trên lâm sàng. Ví dụ, giảm 1 mmol/L (40 mg/dL) của LDL Cholesterol sẽ giảm được hàng loạt các biến cố về đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong chung cho bệnh nhân.

Thứ ba, khi điều trị giảm mỡ trong máu sẽ làm cho mạch máu hoạt động tốt hơn, chức năng nội mạc hoạt động tốt và máu lưu thông tốt hơn.

Thứ tư, khi điều trị mỡ trong máu tốt sẽ giảm được phản ứng viêm trong cơ thể. Ở những bệnh nhân mảng xơ vữa lớn có thể hình thành phản ứng viêm trong mảng xơ vữa, từ đó gây ra những biến cố trên lâm sàng. Việc sử dụng các thuốc, đặc biệt là thuốc statin sẽ đánh vào mảng xơ vữa và làm giảm tình trạng viêm trong mảng xơ vữa.

Cuối cùng, việc điều trị giảm mỡ trong máu bằng statin hay bằng các thuốc khác sẽ giúp dự phòng những biến cố có thể xảy ra trong tương lai cho những người đã từng bị biến cố (đã đặt stent, mổ bắc cầu, đã từng bị đột quỵ hay nhồi máu cơ tim).

6. Rối loạn lipid máu khi nào cần điều trị?

Rối loạn lipid khi nào cần điều trị, thưa BS? Điểm khác biệt giữa điều trị rối loạn lipid máu trên người đã có các yếu tố nguy cơ của tim mạch và người chưa có ra sao ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Với những người hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng có biến cố nhưng vẫn phải điều trị để không xảy ra biến cố đầu tiên, gọi là dự phòng nguyên phát (chặn ngay từ đầu). Trong dự phòng nguyên phát hiện nay, gần như những người có rối loạn lipid máu nhưng chưa thuộc phân tầng nguy cơ vẫn phải điều trị.

Đối với những người đã từng có biến cố phải càng được quản lý chặt chẽ hơn. Ví dụ, người đã từng có biến cố đột quỵ, nhồi máu cơ tim, từng đặt stent trong mạch vành là những người có nguy cơ rất cao gặp biến cố tái phát thì việc quản lý mỡ trong máu phải chặt chẽ, nồng độ LDL Cholesterol càng thấp càng tốt.

Đối với những bệnh lý tim mạch do xơ vữa hay những bệnh lý tim mạch do chuyển hóa, bên cạnh việc quản lý mỡ trong máu (chỉ là một phần trong những bệnh lý tim mạch do xơ vữa) thì đồng thời phải quản lý tất cả những yếu tố khác như kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết, bỏ thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, tránh những ô nhiễm môi trường (ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch),…

7. Không xảy ra biến cố hoặc phát hiện sớm để điều trị kịp thời là mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị rối loạn lipid máu

Theo Bác sĩ, mục tiêu nào quan trọng nhất trong điều trị rối loạn lipid máu ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Điều quan trọng nhất mà các bác sĩ mong muốn là những bệnh nhân có rối loạn lipid máu sẽ không xảy ra các biến cố hoặc nếu có bệnh lý sẽ phát hiện sớm để xử lý kịp thời.

Mỡ trong máu có những mục tiêu rất chuyên biệt, mục tiêu quan trọng nhất về rối loạn lipid máu là đạt được nồng độ LDL-Cholesterol. Nếu đã đặt stent mạch vành thì mục tiêu LDL-Cholesterol phải giảm càng thấp càng tốt và giới hạn trên là khoảng 55 mg/dL.

Sau khi đạt được mục tiêu LDL-Cholesterol mà các chỉ số khác như nồng độ Triglyceride máu vẫn tăng cao thì phải điều trị mục tiêu thứ hai.

8. Những loại thuốc phổ biến nào giúp làm giảm mức Cholesterol trong máu?

Hiện nay có những loại thuốc nào được sử dụng phổ biến tại Việt Nam để giảm mức Cholesterol trong máu hiệu quả và an toàn thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Statin là nhóm thuốc quan trọng nhất, đây là thuốc nền tảng, cả thế giới sử dụng. Những thuốc này đã được thế giới nghiên cứu rất nhiều với mục đích quan trọng là giảm nồng độ LDL-C và các chỉ số mỡ khác trong máu của người bệnh. Thông qua đó có thể làm giảm sự hình thành mảng xơ vữa và đôi khi giúp thoái triển mảng xơ vữa đã hình thành.

Bên cạnh đó, nhóm Fibrat (Fenofibrat) được sử dụng rất rộng rãi, mục đích chính để làm giảm nồng độ Triglyceride máu.

Việc sử dụng thuốc của bệnh nhân còn dựa vào sự phù hợp và mục tiêu điều trị. Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với 1 loại thuốc, đôi khi phải kết hợp 2 loại thuốc với nhau. Ngày nay, có những viên thuốc phối hợp (phối hợp 2 viên thuốc hạ mỡ với nhau để trở thành viên thuốc phối hợp liều cố định) để bệnh nhân dễ uống và tiện dụng.

9. Chỉ khoảng 20 - 30% dân số đạt được mục tiêu LDL-Cholesterol

Theo Bác sĩ thấy có nhiều bệnh nhân đạt mục tiêu điều trị hạ LDL Cholesterol không?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Đối với những bệnh nhân nguy cơ rất cao (đã đặt stent động mạch vành, nhồi máu cơ tim) sẽ hưởng lợi nhiều nhất vì các bác sĩ rất sợ bệnh nhân bị tái hẹp, nhồi máu cơ tim một lần nữa, khi đó cửa tử sẽ gần hơn.

Vì vậy, y học thế giới, cũng như Việt Nam tập trung vào làm sao cho nhóm bệnh nhân này không xảy ra biến cố thứ phát (tái phát). Thực tế dù cố gắng rất nhiều nhưng tỷ lệ đạt được mục tiêu trong dân số chung chỉ khoảng 20 - 30% ở cả Việt Nam và trên thế giới.

Càng ngày y học càng muốn mức mục tiêu giảm xuống. Ví dụ, cách đây 5 năm nồng độ LDL-C khoảng 70 mg/dL thì vẫn còn xảy ra các biến cố nên đã giảm mức tiêu chuẩn thấp xuống và bệnh nhân đôi khi phải uống thuốc mạnh hơn, kết hợp thuốc và kết hợp thêm nhiều biện pháp khác mới đạt được mục tiêu mà các bác sĩ mong muốn.

10. Bệnh nhân có rối loạn lipid máu cần kiểm tra sức khỏe tim mạch ra sao?

Kiểm tra sức khỏe tim mạch như thế nào trên bệnh nhân có rối loạn lipid máu, thưa BS? Bao lâu nên kiểm tra một lần, xét nghiệm/ chẩn đoán hình ảnh nào căn bản nhất cần thực hiện để đánh giá ạ?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Thời gian kiểm tra định kỳ đối với những người bị rối loạn lipid máu còn tùy thuộc vào nguy cơ.

Ví dụ, bệnh nhân vừa bị nhồi máu cơ tim phải điều trị rất mạnh, dùng thuốc kháng tiểu cầu, thuốc mỡ trong máu liều cao (vì các biến cố tim mạch có thể xảy ra trong vòng 1 - 2 tháng đầu), thì việc kiểm tra lại nồng độ mỡ trong máu phải cần thực hiện trong vòng 4 - 6 tuần sau xuất viện, để xem nồng độ mỡ trong máu có đáp ứng đúng nhu cầu hay không.

Nếu sau 4 - 6 tuần không đạt được nồng độ Cholesterol mục tiêu thì phải thay đổi chiến lược, thêm thuốc,… để mỡ trong máu xuống càng thấp càng tốt vì khi nồng độ cao biến cố tim mạch sẽ xảy ra.

Đối với những người thông thường (nguy cơ từ thấp đến trung bình) có thể từ 6 tháng đến 1 năm kiểm tra chỉ số lipid máu một lần và dựa vào những thay đổi để điều chỉnh cho người bệnh.

Khi kiểm tra sức khỏe hay kiểm tra những yếu tố nguy cơ sẽ xét nghiệm các chỉ số chung như Cholesterol toàn phần, nồng độ LDL-C, HDL-C, Triglyceride. Đối với những người có nguy cơ tim mạch cao cần xét nghiệm thêm nồng độ Lipoprotein (a). Đây là yếu tố nguy cơ tim mạch mới nhưng cũng rất nguy hiểm, mỗi người nên kiểm tra nồng độ này ít nhất 1 lần trong đời.

Bên cạnh đó, đối với những người có yếu tố nguy cơ tim mạch do xơ vữa phải kiểm tra những yếu tố khác như đường huyết, chức năng thận, đôi khi kiểm tra chỉ số HsCRP để xem tình trạng viêm trong cơ thể bệnh nhân ở mức độ nào và điều chỉnh.

Hiện nay, còn có khái niệm xơ vữa động mạch dưới lâm sàng. Nghĩa là một số người có nhiều yếu tố nguy cơ và làm xét nghiệm, hình ảnh học phát hiện mảng xơ vữa, tuy nhiên chưa hẹp nhiều (chỉ khoảng 30 - 70%) và hoàn toàn chưa có triệu chứng. Nhưng đây vẫn là những mối nguy hại có thể xảy ra những biến cố trong tương lai.

Vì vậy, tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ và bác sĩ đánh giá nguy cơ (cao - thấp - trung bình) sẽ cho làm các xét nghiệm. Thông thường là siêu âm mạch máu như siêu âm động mạch cảnh, siêu âm động mạch đùi, động mạch chủ bụng,… Thông qua những siêu âm có thể giúp phát hiện những mảng xơ vữa, từ đó đo đạc và ước lượng phần trăm gây hẹp lòng động mạch vành hay mạch máu đó.

Nâng cao hơn sẽ có những phương pháp khác để tầm soát xơ vữa động mạch hay bệnh lý tim mạch do xơ vữa bằng cách chụp CT-scan mạch vành, có thể không dùng thuốc cản quang để đánh giá mức độ vôi hóa động mạch. Tùy thuộc vào mức độ vôi hóa sẽ dự đoán biến cố tim mạch trong tương lai của bệnh nhân.

Một số bệnh nhân có triệu chứng đau ngực, gợi ý có hẹp động mạch vành sẽ tầm soát bằng cách chụp CT-scan cắt lớp và có bơm thuốc cản quang.

Đây là những sơ khởi từ xét nghiệm máu, đến xét nghiệm về hình ảnh học để có thể tầm soát các yếu tố nguy cơ, cũng như các bệnh lý tim mạch, bệnh lý xơ vữa động mạch dưới lâm sàng, cho đến những hẹp nặng có ý nghĩa.

11. Xây dựng những thói quen tốt cho người rối loạn lipid máu

Đâu là những thói quen tốt mà người có rối loạn lipid máu cần xây dựng để bảo vệ tim mạch tốt hơn, thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Những phương pháp để thay đổi lối sống cần phải áp dụng suốt đời và thường xuyên mỗi ngày. Những người càng có yếu tố nguy cơ càng phải áp dụng các biện pháp này chặt chẽ hơn và càng có bệnh thì càng cần áp dụng.

Những điều có thể làm trong cuộc sống để có sức khỏe tim mạch tốt, cũng như ngăn ngừa những bệnh lý tim mạch do xơ vữa:

Đầu tiên là vận động thể lực. Nên có chế độ tập luyện thể dục thường xuyên ở mức độ vừa phải, đều đặn mỗi ngày như bơi lội, đi bộ, chạy xe,… để cơ thể tiêu tốn năng lượng, giúp chuyển hóa về mặt tim mạch.

Thứ hai là về ăn uống, “bệnh từ miệng mà ra”. Để có sức khỏe tim mạch tốt, đặc biệt là những bệnh lý tim mạch do xơ vữa, chế độ ăn nên là chế độ quân bình, không dùng quá nhiều chất béo, chất ngọt, cũng như ăn ít muối. Đặc biệt ăn gần với thiên nhiên càng nhiều càng tốt như ăn nhiều rau xanh, nhiều cá, giảm thịt và hải sản, ăn đồ tươi, tránh các thực phẩm nhiều chất bảo quản.

Thứ ba, là thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá của Việt Nam đã giảm dần ở các thành phố, nơi làm việc, tuy nhiên một số vùng quê vẫn còn nhiều. Thuốc lá là thủ phạm của rất nhiều bệnh lý như ung thư, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… vì vậy nên bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.

Thứ tư, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh lý tim mạch. Vì vậy phải làm sao có môi trường sống ít ô nhiễm.

Thứ năm, quan trọng là quản lý stress, làm sao để có cuộc sống thoải mái, nhiều niềm vui và có giấc ngủ ngon, từ đó mới có sức khỏe tim mạch tốt.

12. Làm sao để giúp bệnh nhân tăng tuân thủ điều trị?

Nếu đã có Rối loạn lipid máu, thì người bệnh cần thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị là chìa khóa tiên quyết để điều trị hiệu quả. Theo BS, làm sao để giúp bệnh nhân tăng tuân thủ điều trị?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Với tất cả những gì y bác sĩ làm nhưng nếu không có sự hợp tác của bệnh nhân cũng sẽ thất bại. Ngày nay, một trong những điều các bác sĩ chú trọng là chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ kiến thức, cũng như những vấn đề về mặt sức khỏe với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Điều đầu tiên để bệnh nhân có thể tuân thủ là người bệnh phải hiểu rõ vấn đề của họ. Ví dụ, trong rối loạn lipid máu, bệnh nhân phải biết mục tiêu cần đạt được và mình thuộc nhóm nguy cơ nào. Những người đã từng đặt stent động mạch vành, từng bị đột quỵ phải biết trong cuộc đời còn lại của họ có thể một lúc nào đó sẽ bị nhồi máu cơ tim trở lại, tắc những stent đã đặt và quan tâm đến việc làm sao để giảm thiểu nguy cơ này.

Thứ hai, phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa người bệnh với nhân viên y tế. Ngày nay có khá nhiều câu lạc bộ để quản lý người bệnh, bệnh nhân dễ dàng trao đổi với bác sĩ hoặc các bệnh nhân trao đổi với nhau.

Thứ ba, có thể phát triển các công nghệ giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn như công cụ, phần mềm nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc. Về thuốc phải đơn giản hóa chế độ điều trị để dễ tuân thủ vì có những bệnh nhân hay quên, nếu được có thể cho bệnh nhân uống thuốc 1 lần/ngày để bệnh nhân tuân thủ tốt hơn.

Thứ tư, ngày nay có những viên thuốc phối hợp liều cố định. Với những viên thuốc đó, bệnh nhân chỉ cần uống 1 viên nhưng đã có 2 loại thuốc, từ đó giảm áp lực và tăng tuân thủ điều trị.

Thứ năm là giảm chi phí điều trị, thuốc có BHYT sẽ giúp rất nhiều cho bệnh nhân.

Thứ sáu, nhân viên y tế luôn phải kiểm tra sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân như có quên uống thuốc không, đã bỏ thuốc lá chưa. Về thuốc lá luôn phải hỏi bệnh nhân vì dù đã ngưng sử dụng nhưng một lúc nào đó vẫn có thể hút lại nên phải luôn nhắc nhở bệnh nhân. Luôn luôn động viên, khuyến khích người bệnh bỏ thuốc lá, cân bằng chế độ ăn, tập luyện, tránh stress, giảm cân nếu bệnh nhân béo phì hay thừa cân,…

Vấn đề tăng tuân thủ điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là ở hầu hết các bệnh lý tim mạch gần như phải theo dõi và điều trị suốt đời, ít có trường hợp chỉ uống thuốc 1 tháng hoặc 1 năm đã có thể ngưng. Vì vậy phải có các biện pháp để khuyến khích, động viên giúp cho bệnh nhân có thể tuân thủ, như vậy mới có thể sống khỏe, sống thọ với bệnh.

13. Bảo vệ sức khỏe tim mạch nên bắt đầu từ đâu và khi nào?

Nhờ BS, gửi một vài lưu ý đến quý khán giả xem chương trình, cũng như người dân trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe tim mạch nên bắt đầu từ đâu và khi nào thưa BS?

TS.BS Trần Hòa trả lời: Chúng ta phải dự phòng càng sớm càng tốt. Ví dụ, bắt những người béo phì phải giảm cân sẽ rất khó. Vì vậy, cần có những chương trình cộng đồng để nhắc nhở mọi người dù đang rất khỏe mạnh cũng cần tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ tim mạch để có thể phòng tránh.

Các em học sinh có thể áp dụng ngay khi còn trên ghế nhà trường, để từ nhỏ đã có chế độ ăn tốt cho tim mạch như nên ăn lạt, ăn ít béo, ít đường, tập ăn nhiều rau và cá, ăn ít thịt,…Bên cạnh đó, cần có chế độ tập luyện tốt cho sức khỏe tim mạch. Như vậy có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ càng sớm càng tốt, không đợi đến khi có biến cố mới thay đổi lối sống sẽ khá muộn.

Các kiến thức về bệnh lý tim mạch do xơ vữa, trong đó có những kiến thức về rối loạn chuyển hóa lipid máu là cần thiết với tất cả mọi người, ngay cả lứa tuổi học sinh.

Cảm ơn TS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt.

Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X